Mới đây, lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ công tác 15 ngày kể từ 21/10 đối với 4 công chức nữ thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài. Trong đó có 3 công chức thuộc Đội giám sát Hải quan, 1 công chức thuộc Đội thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu.
4 cán bộ trên liên quan đến nội dung, clip mà mới đây báo chí đã phản ánh tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài có tình trạng cán bộ hải quan nhận tiền “bôi trơn” của người làm thủ tục thông quan.
Cụ thể, trong quá trình làm các thủ tục thông quan đối với những lô hàng bị phân luồng đỏ, nhân viên giao nhận, hay còn gọi là nhân viên “chạy lệnh” phải “bôi trơn” cán bộ hải quan từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/tờ khai tùy mặt hàng. Tiền này sẽ kẹp vào bộ hồ sơ, đưa trực tiếp cho cán bộ hải quan phụ trách kiểm tra lô hàng, thậm chí mức phí mỗi tờ khai sẽ tăng lên gấp đôi nếu làm ngoài giờ hành chính (sau 4h30). Nghĩa là mỗi tờ khai sẽ phải kẹp thêm tiền bôi trơn là 60.000 đồng cho lô hàng dưới 1 tấn và 120.000 đồng cho lô hàng trên 1 tấn”.
|
Nữ cán bộ giám sát vô tư nhận tiền bôi trơn. Ảnh: Đại Đoàn Kết. |
Dư luận đặt câu hỏi, cán bộ nhân viên Hải quan Nội Bài nếu nhận hối lộ như phản ánh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài liệu có trách nhiệm?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc Cục hải quan thành phố Hà Nội quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với 4 công chức thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài sau khi báo chí phản ánh là cần thiết để làm rõ sự việc và xem xét trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo thông tin phản ánh từ phía dư luận, để được thông quan một số loại hàng hóa có vướng mắc về mặt thủ tục, doanh nghiệp phải nộp thêm một khoản chi phí. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ khoản chi phí này là có theo quy định pháp luật hay không, số tiền này nếu có nhận sẽ được hạch toán, kê khai, sử dụng như thế nào để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
"Trong thời điểm dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp bởi vậy các thủ tục hành chính trong việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa cần phải nhanh gọn, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Những hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn phiền hà hoặc những tiêu cực trong hoạt động hải quan cần phải xem xét và xử lý nghiêm minh" – luật sư Cường nêu ý kiến.
Theo luật sư Cường, trường hợp cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy doanh nghiệp đã đưa tiền cho người có chức vụ quyền hạn là cán bộ, nhân viên hải quan để yêu cầu họ thực hiện thủ tục theo yêu cầu của người đưa tiền, việc đưa tiền phải nộp tiền này không đúng quy định của pháp luật thì đây là hành vi đưa hối lộ và người nhận tiền là người nhận hối lộ.
Với số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ đối với người đã đưa tiền và với người nhận tiền thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ. Đây là những hành vi nguy hiểm cho xã hội làm ảnh hưởng đến trật tự quản lý hành chính, đến hoạt động quản lý nhà nước và làm suy giảm đạo đức cán bộ, làm nguy cơ phát sinh nhiều hệ lụy, tiêu cực khác trong xã hội. Bởi vậy, nếu những hành vi “bôi trơn”, “chạy lệch” như báo chí phản ánh là có thật thì cần phải làm rõ để xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Về nguyên tắc xử lý, tất cả những hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý, bất cứ ai có hành vi vi phạm pháp luật thì đều phải chịu trách nhiệm pháp lý. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ có việc nhận tiền hay không, tiền này là tiền gì, ai là người nhận, nhận để làm gì, tiền này đã được sử dụng như thế nào, có liên quan đến những ai? để xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Trường hợp kết luận của cơ quan chức năng cho thấy đây là tiền “bôi trơn”, tiền nhận bất hợp pháp, các đối tượng đã nhận số tiền đó để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền, đã chiếm đoạt số tiền này đây là hành vi nhận hối lộ cần phải xem xét và xử lý nghiêm minh đối với tất cả những người có liên quan.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Đáng chú ý, luật sư Cường cho rằng, với những người không trực tiếp nhận nhưng chủ mưu, giúp sức, xúi giục, cũng sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm. Với người tuy không cùng ý chí về việc thực hiện hành vi này nhưng biết là tiền bất hợp pháp mà vẫn chứa chấp, tiêu thụ, ăn chia cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Với các cá nhân, doanh nghiệp đã đưa tiền để yêu cầu cán bộ thực hiện công việc theo yêu cầu của mình thì đây là hành vi đưa hối lộ, hành vi này cũng cần phải xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Trường hợp người đưa hối lộ bị ép buộc mà chủ động khai báo thì mới được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.
"Vấn đề này cần phải làm rõ, nếu đủ căn cứ cần xử lý nghiêm minh để đảm bảo công bằng, minh bạch trong hoạt động hải quan cũng như xử lý kiểm soát tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng gia tăng, đồng thời tạo điều kiện cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính có thể phục hồi sau dịch bệnh Covid-19" – luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, theo quy định của pháp luật, các điều kiện để được thông quan một lô hàng thì phải có đầy đủ các giầy tờ, tài liệu theo quy định của loại hàng hóa đó. Và khi các lô hàng thỏa mãn đầy đủ các điều kiện, được thực hiện đúng theo thủ tục hành chính được quy định thì sẽ “thông qua”. Trường hợp tại Chi cục Hải quan Nội Bài, theo thông tin phản ánh có thể thấy rõ có vi phạm của cán bộ công chức tại đây. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ rất nhiều vấn đề như: Hành vi “làm luật” như báo chí đưa tin có phải là sự thật không? Số tiền gọi là “làm luật” là bao nhiêu? Việc làm luật này xuất phát từ đâu, và việc làm luật này đem lại cho các bên những lợi ích gì?
Hành vi được báo chí đưa tin của các cán bộ Hải quan, của những forwarder thì có dấu hiệu của hành vi nhận hối lộ và đưa hối lộ. Việc các cán bộ nhận tiền để thông qua các lô hàng không hợp tiêu chuẩn là trái quy định của pháp luật và có dấu hiệu của hành vi nhận hối lộ và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ. Đói với các hành vi của forwarder có dấu hiệu của đưa hối lộ hoặc mối giới nhận hối lộ.
“Nếu có sự việc này xảy ra sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, không những vậy trong quá trình điều tra, kiểm tra phát hiện ra các cá nhân khác có liên quan đều sẽ bị xử lý. Đương nhiên, ngoài trách nhiệm từ các cá nhân thì Chi cục Hải quan cũng cần phải kiểm điểm các cán bộ của mình, người đứng đầu là Chi cục trưởng phải chịu trách nhiệm của người quản lý, người đứng đầu” - luật sư Hoàng Tùng nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cận cảnh "mãi lộ" thông quan - hải quan:
Ngày 21/10, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài đã có công văn gửi và đề xuất Cục Hải quan TP Hà Nội tạm thời ra quyết định đình chỉ công tác đối với các công chức có liên quan đến thông tin phản ánh về tình trạng bôi trơn khi làm thủ tục hải quan.
Cụ thể tại văn bản số 3645/HQNB-TH, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài nêu rõ, sau khi tiếp nhận thông tin mà báo chí đăng tải, xem xét hình ảnh tại các clip và nội dung báo cáo của các Đội Công tác, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài đề xuất Cục Hải quan TP Hà Nội tạm thời ra quyết định đình chỉ công tác đối với các công chức có liên quan trong clip báo chí đã đăng tải, yêu cầu các công chức trên có báo cáo giải trình về vụ việc. Đồng thời, sẽ có hình thức xử lý nghiêm nếu có vi phạm sau khi xem xét toàn diện sự việc.
Chiều ngày 21/10, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan Hà Nội rà soát, báo cáo vấn đề báo nêu về phí bôi trơn tại một chi cục của đơn vị này và có biện pháp xử lý tập thể, cá nhân vi phạm (nếu có).
Tâm Đức