Vụ cảnh sát Anh phát hiện 38 người lớn và 1 người ở tuổi vị thành niên tử vong trong thùng xe container nhập cảnh vào Anh ở hạt Essex, gần thủ đô London đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước.
Đáng chú ý, thời điểm xảy ra vụ việc trên đến nay, một số gia đình ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã tới trụ sở chính quyền địa phương để trình báo việc người thân có thể là nằm trong số 39 nạn nhân nói trên.
Mới đây, trong thông cáo được phát đi tối 25/10 (giờ VN), đại sứ quán Việt Nam tại Anh xác nhận đã nhận được nhiều đề nghị giúp đỡ từ các gia đình Việt Nam, song cho biết vẫn chưa nhận được thông tin chính thức nào từ phía Anh.
Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây cho biết đã nhận được thông tin vụ phát hiện 39 thi thể ở Anh và chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh làm việc với cảnh sát Anh xác minh thông tin về quốc tịch của các nạn nhân.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao chỉ đạo Cục Lãnh sự làm đầu mối phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, các địa phương, cung cấp thông tin liên quan từ Việt Nam để hỗ trợ xác nhận quốc tịch nạn nhân. Bộ Ngoại giao khẳng định Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đang theo dõi sát tình hình và sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp có nạn nhân là công dân Việt Nam.
|
Ngày 23/10, cảnh sát Anh phát hiện 39 thi thể ở khu công nghiệp Waterglade thuộc hạt Essex, phía đông bắc London, Anh. |
Ngày 26/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan liên quan xác minh, làm rõ vụ việc để có biện pháp xử lý phù hợp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, các địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế; điều tra phát hiện các vụ việc đưa công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh theo dõi tình hình, phối hợp chặt chẽ, làm việc với các cơ quan liên quan phía Anh để xác nhận danh tính nạn nhân trong trường hợp là công dân Việt Nam, thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân theo quy định.
Dù hiện chưa rõ trong số 39 người chết có công dân Việt Nam hay không tuy nhiên, liên quan vụ việc trên, dư luận đặt ra giả thiết, nếu có công dân Việt Nam trong số các nạn nhân bị thiệt mạng trên thì cần điều tra làm rõ “đường dây” đã đưa các công dân này qua Anh quốc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật?
Xử lý hình sự nếu có đường dây, tổ chức cho người khác đi nước ngoài trái phép
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, sự việc 39 người thiệt mạng được tìm thấy trong container tại nước Anh là một câu chuyện hết sức đau lòng về tình trạng nhập cư bất hợp pháp và số phận mong manh của những người dân nhập cư.
Điều bất ngờ và đau buồn hơn nữa là trong số đó có người Việt Nam, thậm chí có thể sẽ có nhiều người Việt Nam trong số các nạn nhân. Vấn đề này cơ quan chức năng của nước Anh sẽ điều tra làm rõ và có hình thức xử lý theo quy định pháp luật.
“Cho dù vấn đề pháp lý được giải quyết như thế nào thì những đau đớn, mất mát đối với gia đình các nạn nhân là những vấn đề đã xảy ra và không gì có thể bù đắp được”, luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.
Theo luật sư Cường, cơ quan chức năng sẽ làm rõ danh tính của các nạn nhân, nguyên nhân các nạn nhân thiệt mạng. Đồng thời, làm rõ hành trình, mục đích ra nước ngoài của những người này và trách nhiệm của những người có liên quan.
Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy những nạn nhân trong vụ việc này là những người ra nước ngoài một cách tự nguyện để tìm việc làm hoặc nhập cư vào các quốc gia Châu Âu nhưng không tuân thủ và thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật thì đây là hoạt động nhập cư bất hợp pháp, vi phạm pháp luật Việt Nam và nước sở tại.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới quy định hành vi nhập cư bất hợp pháp của cá nhân người nước ngoài là tội phạm, nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý hình sự bị phạt tiền hoặc phạt tù.
Còn theo quy định của pháp luật Việt Nam, trước đây theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1985 hành vi vượt biên trái phép, ở lại nước ngoài trái phép sẽ bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, những hành vi này hiện nay đã được phi hình sự hóa, không còn là tội phạm. Bộ luật hình sự năm 2015 còn tội vượt biên trái phép, tội trốn ở lại nước ngoài trái phép. Hành vi xuất cảnh, nhập cảnh, trái phép sẽ bị xử phạt hành chính, nếu đã bị phạt hành chính mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 347 Bộ luật hình sự với mức xử phạt có thể đến 03 năm tù.
“Việc đi nước ngoài, trở về Việt Nam thì phải thực hiện theo thủ tục suất nhập cảnh, có sự quản lý của nhà nước nhằm quản lý dân cư, đảm bảo an ninh quốc gia. Hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép của công dân, người nước ngoài, người không quốc tịch sẽ bị xử phạt hành chính nếu như vi phạm lần đâu, nếu tiếp tục vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn đối với những người tổ chức cho người khác đi nước ngoài trái phép thì đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam”, luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Đồng thời, Luật sư Cường cho rằng, với hành vi tổ chức cho người khác đi nước ngoài trái phép theo quy định của pháp luật Việt Nam thì đây là hành vi phạm tội, sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 349 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
Vụ việc này xảy ra ở nước ngoài (Anh quốc) nên sẽ do cơ quan điều tra của nước đó xử lý. Trong trường hợp có hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước Anh thì sẽ thực hiện theo nội dung hiệp định tư pháp đó. Trong trường hợp xác định đối tượng đã thực hiện hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép là người Việt Nam thì có thể xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Việc công dân Việt Nam trốn đi nước ngoài trái phép thông thường sẽ có sự tiếp tay, môi giới của các đối tượng là người Việt Nam. Bởi vậy gia đình các nạn nhân cũng cần trình báo sự việc cho cơ quan công an để xác minh làm rõ nhóm đối tượng nào đã thực hiện hành vi môi giới, tổ chức cho những công dân Việt Nam vượt biên sang nước ngoài trái phép.
Trong trường hợp có đủ căn cứ xác định đối tượng đã tổ chức, môi giới cho người khác đi nước ngoài hoặc ở lại Nước ngoài trái phép thì cơ quan an ninh điều tra công an Việt Nam có thể phối hợp với cảnh sát của nước Anh để xem xét xử lý những người vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật của nước sở tại.
Nếu bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam tại điều 349 Bộ luật hình sự thì các đối tượng môi giới, tổ chức người khác đi nước ngoài trái phép có phải bị phạt đến 15 năm tù theo quy định tại khoản 3 điều 349 bộ luật hình sự (nếu hậu quả là làm chết người, thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc đối với 11 người trở lên). Ngoài ra đối tượng thực hiện hành vi phạm tội còn phải bồi thường thiệt hại, Bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng và bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Còn trường hợp kết quả xác minh cho thấy những nạn nhân trong vụ việc này là nạn nhân của hoạt động mua bán người thì những đối tượng mua bán người sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam thì những đối tượng thực hiện hành vi mua bán người sẽ bị xử lý hình sự theo điều 150, Bộ Luật hình sự 2015 về tội mua bán người với mức án từ 5 đến 20 năm tù.
“Cơ quan chức năng sẽ làm rõ trong trong số đối tượng tổ chức người khác đi nước ngoài trái phép, môi giới người khác đi nước ngoài trái phép có đối tượng nào có hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội mua bán người hay không. Nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội mua bán người thì sẽ xử lý về tội danh này với mức hình phạt có thể lên đến 20 năm tù theo quy định tại khoản 3 điều 150 Bộ luật hình sự”, Luật sư Cường cho hay.
Cần làm rõ “đường dây tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép”
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng VPLS Trung Hòa – Đoàn LSTP Hà Nội cho rằng, cơ quan an ninh của Việt Nam, nhất là cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an cần sớm yêu cầu Công an các tỉnh Nghệ an và Hà Tĩnh liên hệ các gia đình nạn nhân bị nghi ngờ thiệt mạng tại Anh quốc để nắm bắt thông tin.
Từ thông tin các gia đình cung cấp việc tổ chức xuất cảnh trái phép, môi giới xuất cảnh, đưa tiền cho ai, có giấy tờ gì không để làm rõ ngăn chặn những “đường dây tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép”.
Từ các đối tượng do gia đình các nạn nhân cung cấp thông tin sẽ truy ra những người cầm đầu tròn đường dây tổ chức xuyên quốc gia này.
Đồng thời, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, cần khởi tố vụ án hình sự về hành vi “tổ chức hoặc môi giới người khác xuất cảnh trái phép” theo điều 348 BLHS hoặc hành vi “ Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” theo điều 349 BLHS xảy ra tại các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Từ đó có căn cứ để xem xét khởi tố những bị can đối với những đối tượng liên quan để trừng trị nghiêm mình theo quy định pháp luật với khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù gian cho những đối tượng này.
Bên cạnh đó, các gia đình nạn nhân cần phối hợp thông tin với cơ quan công an địa phương mình và cơ quan, số điện thoại của cơ quan bảo hộ công dân Việt Nam tại Anh.
Đồng thời, ngay lập tức lưu sao các giấy tờ liên quan tới việc này và cung cấp các thông tin về người môi giới người nhận tiền cho cơ quan công an địa phương mình, phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền để tiến hành thủ tục đưa thi hài người thân về Việt Nam an táng.
Qua sự việc này, các cơ quan chức năng cần cảnh tỉnh xã hội, ngăn chặn hành vi bất lương của các đối tượng lừa đảo, tổ chức, xúi giục, môi giới xuất cảnh hoặc trốn đi nước ngoài trái phép.
Hải Ninh