Liên quan thông tin người Việt tử vong trong container ở Anh, dù đến thời điểm hiện tại chưa rõ có nạn nhân là người Việt hay không nhưng dư luận trong nước đặt nhiều câu hỏi xung quanh việc có nên bằng mọi giá, mọi cách để xuất khẩu lao động hay không? Kinh tế đất nước đang trên đà phát triển và đã đạt được những thành tựu nhất định, bài toán lao động cũng đang dần được giải quyết, có cần nhất thiết phải bỏ đến 900 triệu đồng để đi lao động chui sang Anh hay không? Bởi với số tiền 900 triệu đồng ở Việt Nam có thể kinh doanh buôn bán, làm giàu cũng không khó.
Kinh tế đất nước còn nghèo vẫn phải đi xuất khẩu lao động
Trao đổi với PV Kiến Thức, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, vụ việc 39 người chết trong container ở Anh là rất đau lòng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định có người Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam ở Anh vẫn chưa xác nhận có người Việt trong số các nạn nhân hay không nên phải chờ bên Anh công bố chính thức, có hay không nạn nhân Việt Nam.
Nói về việc nhiều người Việt Nam chọn con đường xuất khẩu lao động với giấc mơ đổi thay cuộc sống đang ngày một gia tăng, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, nhu cầu xuất khẩu lao động ở Việt Nam hiện nay là rất lớn dù kinh tế đang trên đà phát triển nhưng đang tồn tại tình trạng thừa lao động, tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao.
|
Vụ 39 thi thể được tìm thấy trên xe tải ở Essex đang gây chấn động dư luận trong và ngoài nước Anh. Ảnh: Sky News.
|
“Do vậy nếu Việt Nam không kết hợp với các quốc gia khác hợp tác lao động đưa người lao động xuất khẩu thì ở Việt Nam tình trạng thừa lao động còn tăng cao. Trong khi một thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện trả lương không cao và không thể bằng các doanh nghiệp ở nước ngoài trả lương”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nói và dẫn chứng ngay ở tỉnh Đồng Tháp, nhiều lao động sang Nhật Bản và Hàn Quốc rất nhiều.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Việt Nam cũng phải tính thị trường mình hợp tác lao động ở nước ngoài là thị trường nào để cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của người lao động Việt Nam và giúp họ có nguồn thu nhập cao.
“Họ đi xuất khẩu lao động nước ngoài 3 năm, 5 năm về có một số vốn tương đối để phát triển kinh tế gia đình, có vốn để sản xuất kinh doanh. Tất nhiên những người đi xuất khẩu lao động phải có trình độ, có năng lực và biết ngoại ngữ, đặc biệt các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Âu. Trong khi đó, tôi cũng cho rằng chúng ta nên hạn chế đến mức tối đa không nên đưa lao động sang thị trường Đài Loan, Malaysia. Bởi hai thị trường này thu nhập không cao, không hơn những doanh nghiệp ở trong nước chúng ta”, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.
Do vậy, hiện nay nhu cầu xuất khẩu lao động của Việt Nam là phải có vì Việt Nam vẫn trong ngưỡng một quốc gia trung bình thấp trong khi dân số vàng, lực lượng lao động đông. Nếu không đưa đi thì bài toán giải quyết công ăn việc làm rất là lớn. Từ dân số vàng và điều kiện kinh tế hiện nay, việc đưa người lao động đi các thị trường có thu nhập cao là rất quan trọng. Đặc biệt, hiện nay, các tỉnh có chủ trương đưa cán bộ y tế qua Hàn Quốc và Nhật để làm việc chăm sóc sức khỏe gia đình và có thu nhập cao.
“Chỉ khi kinh tế Việt Nam thực sự phát triển, đến tầm một quốc gia ở mức trung bình, đáp ứng cuộc sống của người lao động thì mới không nên đi xuất khẩu lao động. Còn thực tế hiện nay nước ta còn nghèo lắm, tỷ lệ người lao động không có việc làm ổn định vẫn còn rất cao”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Người Việt Nam ồ ạt ra nước ngoài lao động, kết hôn là một hiện thực đáng buồn
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, qua vụ việc xảy ra tại Anh quốc khiến 39 người chết, nhìn lại trong nước cũng cho thấy những khó khăn đối với thanh niên vùng nông thôn, các vùng quê trong việc tìm kiếm việc làm, cải thiện đời sống.
Theo Luật sư Cường, tình trạng người lao động Việt Nam ra nước ngoài theo hình thức xuất khẩu lao động hoặc kết hôn những năm gần đây là rất lớn, đây không phải là vấn đề đáng mừng mà thực sự là vấn đề đáng lo và đáng buồn.
“Vấn đề xuất khẩu lao động, đưa người Việt Nam ra nước ngoài kết hôn là một hiện thực đáng buồn và thể hiện những khó khăn trong vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động ở trong nước”, Luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Bên cạnh những trường hợp xuất khẩu lao động hợp pháp thì còn nhiều trường hợp trốn ra nước ngoài, trốn ở lại nước ngoài trái phép làm ảnh hưởng đến công tác quản lý dân cư, an ninh quốc gia cũng như ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam đối với các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra việc xuất cảnh trái phép, trốn ở lại nước ngoài trái phép cũng đẩy công dân Việt Nam vào hoàn cảnh cư trú bất hợp pháp, trở thành tội phạm ở nước sở tại, không được pháp luật bảo vệ và rất dễ bị bóc lột, cướp bóc, xâm hại, có thể bị bỏ mạng ở nước ngoài bất cứ lúc nào.
Bởi vậy, sự việc này là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho những lao động người Việt Nam khi thực hiện giấc mơ “đổi đời”. Cần cẩn trọng để tránh bị các nhóm đối tượng môi giới lừa đảo đưa ra nước ngoài trái phép. Việc xuất khẩu lao động, xuất nhập cảnh phải tuân thủ quy định pháp luật, phải có sự bảo vệ, can thiệp của các cơ quan ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam theo các chương trình hợp tác lao động mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia khác, không nên vì khó khăn mà bất chấp pháp luật để trốn đi nước ngoài trái phép.
Cần nêu cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng đối với hoạt động du lịch, xuất nhập cảnh để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra. Đồng thời cần xử lý nghiêm minh các đối tượng môi giới, tổ chức người khác trốn đi nước ngoài theo quy định pháp luật.
Tâm Đức