Sáng 28-6, sau khi môn thi ngữ văn kết thúc, thầy Lê Duy Tân, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Gia Định (TP HCM), cho rằng phần đọc hiểu có sự phân hóa tốt giữa các mức độ nhận biết - thông hiểu - vận dụng; câu 4 của phần này khá thú vị từ ý thơ cho đến cách đặt vấn đề.
Thú vị đề văn
Ở câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh nghị luận về vấn đề sự cần thiết của việc phải biết cân bằng cảm xúc khá thú vị và thiết thực với học sinh (HS). Đây là ngữ liệu thơ hay và phù hợp, những em có sự cảm thụ tốt chắc chắn sẽ làm phần đọc - hiểu có chiều sâu.
Riêng câu nghị luận văn học rơi vào tác phẩm "Vợ nhặt", là một trong những tác phẩm được HS đặc biệt quan tâm, tuy nhiên đề thi lại không chọn các đoạn văn bản/ phần nội dung quen thuộc mà thí sinh yêu thích. Điều này dĩ nhiên gây không ít khó khăn cho một số em. Tuy nhiên sẽ phân hóa được các thí sinh chỉ thi môn ngữ văn với tư cách là bài thi tốt nghiệp và thí sinh thi môn ngữ văn như là bài thi tuyển vào đại học. Nhìn chung là đề thi có sự phân hóa tốt, hy vọng với xu hướng dạy kỹ năng được chú trọng trong những năm gần đây, thí sinh nào cũng sẽ hoàn thành tốt bài thi của mình.
|
Thí sinh dự thi môn ngữ văn sáng 28-6 .Ảnh: TẤN THẠNH
|
"Với đề thi này, HS với mục tiêu tốt nghiệp sẽ làm tốt các phần cơ bản, bài làm sẽ có mức điểm trung bình đến khá; các em có năng khiếu và năng lực văn chương sẽ lên được hệ thống luận điểm tốt để khai thác và đạt được mức điểm cao hơn" - thầy Tân dự đoán.
Cô Văn Trịnh Quỳnh An, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Gia Định, cũng nhận định câu hỏi số 4 phần đọc hiểu là câu khá thú vị. Từ hình ảnh cơn giông của thiên nhiên đến cơn giông của riêng mình, HS cần rút ra được bài học, đó có thể là bài học đối diện, chấp nhận với những khó khăn, thử thách; bài học về niềm tin…
Ở câu nghị luận xã hội, đây là câu khá gần gũi với thế hệ HS hôm nay. Nhiều HS hiện đang đối diện với không ít áp lực, căng thẳng, các em đang có nhiều vấn đề tâm lý. Chính vì thế, với câu hỏi về cân bằng cảm xúc, HS có thể bày tỏ những suy nghĩ, quan điểm về vai trò của việc cân bằng cảm xúc đến bản thân các em.
Đề toán: dữ kiện mới
Đối với môn toán chiều 28-6, thầy Lê Bá Trần Phương, giáo viên môn toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, cho rằng nhìn chung cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn toán giữ được tính ổn định, gần như không có sự thay đổi so với đề thi chính thức năm 2022 và tương đồng với đề tham khảo đã công bố.
Tuy nhiên, trong đề vẫn có một số câu hỏi có cách cho dữ kiện đề bài mới lạ, mang tính thử thách dành cho những thí sinh muốn lấy điểm tuyệt đối. Khoảng 45 câu hỏi trong đề (90%) là các dạng bài quen thuộc, HS đã được làm quen trong quá trình ôn tập. Trong đó, 38 câu đầu là các câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết - thông hiểu, chỉ cần nắm vững nền tảng kiến thức là có thể dễ dàng giải quyết. Đề có 5 câu hỏi mang tính phân loại và nằm ở phần kiến thức lớp 12 thuộc các chủ đề số phức, hàm số, mũ - logarit, hình Oxyz và tích phân (tương tự đề tham khảo 2023). Các câu hỏi vận dụng - vận dụng cao hầu hết là các dạng bài quen thuộc đã từng xuất hiện trong các đề thi chính thức hoặc đề thi thử của các trường.
Ngoài ra, đề thi có các câu hỏi vận dụng cao, cực khó, có tính phân loại cao như câu 43, câu 50… (mã đề 124). HS cần có tư duy tốt để có thể xác định hướng giải đồng thời kết hợp nhiều kiến thức liên chuyên đề để có thể giải quyết các câu hỏi này.
"Nhìn chung, đề thi bám sát đúng yêu cầu của kỳ thi nhưng vẫn có sự phân hóa ở nhóm các câu hỏi cuối. Với đề thi này, đỉnh của phổ điểm sẽ dao động ở mức 6-7, số lượng điểm 10 sẽ không nhiều" - thầy Phương nhận định.
Theo Người Lao Động