Chiều 8/2, tin từ Uỷ ban ATGT Quốc gia, theo báo cáo của Bộ Công an, trong ngày 8/2 (tức ngày đầu kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn), toàn quốc xảy ra 79 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 33 người, bị thương 73 người.
So với ngày 7/2, số vụ TNGT không tăng, không giảm, số người chết giảm 4 người, tăng 17 người bị thương.
Trong đó, các vụ TNGT đều xảy ra trên đường bộ; đường sắt, đường thủy, đường hàng không, đường hàng hải không xảy ra TNGT.
Cùng ngày, Cảnh sát giao thông (CSGT) công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 8.540 trường hợp vi phạm; phạt tiền 21,145 tỷ đồng; tạm giữ 138 xe ô tô, 3.015 xe mô tô và 23 phương tiện khác; tước 1.930 giấy phép lái xe các loại.
Trong đó, vi phạm nồng độ cồn xử lý 2.457 trường hợp, tốc độ 2.254 trường hợp, ma tuý 10 trường hợp. Đường sắt, đường thuỷ không phát hiện vi phạm.
Theo Uỷ ban ATGT Quốc gia, ngày 8/2/2024 (tức ngày 29 tháng Chạp) ngày đầu tiên của kì nghỉ lễ tết Nguyên đán Giáp Thìn có 8 cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia trong đó có phản ánh về việc ùn tắc giao thông trên tuyến đường Vành đai 3.Các cuộc gọi đã được chuyển tới các cơ quan chức năng để xác minh và xử lý kịp thời.
|
Ảnh minh hoạ. |
Về tình hình TTATGT qua phương tiện thông tin đại chúng, tại Hà Nội, ngay từ đầu giờ chiều ngày 07/2/2024 (tức 28 Tết) một lượng lớn phương tiện di chuyển ra khỏi thành phố khiến nhiều tuyến đường cửa ngõ Thủ đô bị ùn ứ.
Tại tuyến đường vành đai 3 đoạn từ Big C đến Pháp Vân hướng ra khỏi thành phố đã xảy ra ùn ứ kéo dài khoảng 10km. Nhiều phương tiện đã đi vào làn đường khẩn cấp làm cho giao thông càng thêm hỗn loạn.
Việc ùn ứ nghiêm trọng trên tuyến đường Vành đai 3 kéo dài cho đến rạng sáng ngày 8/2 (tức ngày 29 Tết).
Từ khoảng 15h ngày 7/2, cửa ngõ phía Tây cũng xuất hiện một số đoạn ùn tắc cục bộ. Các tuyến đường xung quanh Ga Hà Nội và các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước ngầm, lưu lượng phương tiện tăng cao do người dân ùn ùn đến bến xe để đón xe về quê ăn Tết.
Ở các bến xe, tuy lượng khách tập trung khá đông khoảng 12.000-15.000 người/ngày/bến (tăng khoảng 300% so với ngày thường) nhưng hành khách cũng không phải chờ quá lâu do các bến xe đã chủ động tăng cường thêm nhiều phương tiện để phục vụ người dân về quê đón Tết.
Càng về tối, lượng người đổ về các bến xe càng đông hơn. Ga Hà Nội đông nghẹt khách, nhưng ở khu vực ke ga khá thông thoáng do các chuyến tàu được giãn cách xa (từ 30 phút trở lên).
Tại 2 trạm thu phí cửa ngõ Thủ đô trên tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ và Hà Nội – Hải Phòng, lượng phương tiện rời Thủ đô tăng lên nhanh chóng, tuy nhiên không bị xảy ra ùn tắc do các trạm thu phí không dừng hoạt động ổn định và sự trực chốt, phân luồng của các lực lượng chức năng.
Tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài, lượng hành khách tăng cao, tuy nhiên sân bay đã tổ chức phân luồng chống ùn tắc, tăng cường nhân lực nên không xảy ra tình trạng chen chúc.
Sáng ngày 8/2/2024 (tức ngày 29 Tết) trên tất cả các tuyến đường nội đô cũng như cửa ngõ của Thủ đô các phương tiện di chuyển dễ dàng, không xảy ra tình trạng ùn ứ.
Trong khi đó, tại TP.HCM, chiều 7/2/2024 (tức ngày 28 Tết) trên các tuyến đường cửa ngõ phía Đông và phía Tây của thành phố, lượng người và phương tiện lưu thông tăng cao, nhất là người đi xe máy tuy nhiên không xảy ra tình trạng ùn tắc.
Dịp này, "đinh tặc" lại hoành hành trên tuyến quốc lộ 1 hướng về Đồng bằng sông Cửu Long. Trên các tuyến đường nội đô, tình trạng giao thông thông thoáng, xe cộ đi lại dễ dàng.
Tại Ga Sài Gòn, khu vực dãy nhà chờ của ga và sảnh chính khu vực cổng soát vé đông đúc người tuy nhiên tình hình an ninh trật tự được đảm bảo.
Tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, việc ứng dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) đã giúp rút ngắn thời gian trả tiền, giảm ùn ứ tại các khu vực ra/vào sân bay, tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông dễ dàng. Trong khu vực sân bay cũng không xảy ra tình trạng chen chúc.
>>> Mời độc giả xem thêm video Trở về Hà Nội xưa qua bức tranh giao thông thú vị năm 1973:
Thiên Tuấn