Chiều 29/11, sau khi HĐXX và VKS kết thúc phần thẩm vấn 24 bị cáo trong đại án DAB, các luật sư bắt đầu tham gia chất vấn. Sáng mai (30/11), Phan Văn Anh Vũ và Nguyễn Thị Ái Lan sẽ được trích xuất từ trại giam đến tòa để phục vụ việc xét hỏi.
DAB đòi thêm lãi
Được xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án, có mặt tại tòa, đại diện Ngân hàng Đông Á cho rằng thống nhất với kết luận điều tra cũng như nội dung cáo trạng nêu về hành vi vi phạm của các bị cáo, gây thiệt hại cho DAB hơn 3.608 tỷ đồng.
Dựa vào cáo trạng, DAB tính tổng thiệt hại mà ông Bình phải có trách nhiệm bồi thường là hơn 219 tỷ và hơn 66.000 lượng vàng . Ngoài ra, do Đông Á là ngân hàng huy động cho vay tiền tệ, nên DAB yêu cầu tính lãi cho các hành vi vi phạm của các bị cáo. Theo đó, lãi về tiền là 1.888 tỷ, lãi về vàng là 6.620 lượng vàng tính tới thời điểm 30/9/2018. Đây là thời điểm DAB nhận quyết định đưa ra vụ án ra xét xử.
|
Trần Phương Bình tại tòa. Ảnh: Lê Quân. |
“Đối với tất cả những thiệt hại Ngân hàng Đông Á đã gánh chịu trong thời gian vừa qua, tôi đề nghị ông Bình và các đồng phạm chịu quy kết của cáo trạng VKS Tối cao”, đại diện DAB nói trước tòa.
Tiếp sau đó, luật sư bào chữa cho Trần Phương Bình đề nghị đại diện DAB cung cấp văn bản Đại hội đồng cổ đông năm 1992-2007 và số liệu vốn tăng trưởng của DAB qua các năm cùng thời gian trên..
Tuy nhiên, DAB cho biết biên bản đại hội cổ đông đã cung cấp, còn số liệu về vốn thì “khất” lại chờ xin ý kiến chủ tịch HĐQT.
Luật sư của ông Bình tiếp tục hỏi DAB về phương pháp tính thiệt hại của ngân hàng này. “Tài sản thất thoát còn hiện hữu bằng nghĩa vụ thông qua hợp đồng dân sự, thương mại có thể thu hồi thì có bị xem là thất thoát không?”, vị luật sư thắc mắc.
Đại diện DAB cho biết đã chứng minh rõ qua quá trình điều tra và cáo trạng VKS, số liệu thiệt hại là số liệu bị thất thoát dựa vào văn bản kiểm quỹ trên thực tế. Vàng ngoại tệ nằm trong tổng số quỹ bị lệch thực tế, bị mất nên DAB xem đó là thiệt hại. Do vậy, nguyên đơn dân sự yêu cầu được bồi thường.
Trả lời câu hỏi của luật sư về những cổ phần Bình đứng tên mua với tư cách Bình và người thân đang bị kê biên, hiện nay DAB quản lý có bị xem là tài sản bị chiếm đoạt không? DAB nhấn mạnh cơ quan điều tra đã yêu cầu trưng cầu giám định những tài sản này. Tuy nhiên, do những cổ phiếu này chưa được đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán nên không thể xác định được giá trị thức tế để tính thiệt hại.
Lúc này, chủ tọa ngắt lời, cho rằng về quan điểm có chiếm đoạt hay không, hợp đồng vô hiệu hay không thuộc quyền đánh giá của HĐXX, đề nghị luật sư đặt câu hỏi chứ không đặt câu hỏi đưa ra quan điểm.
Lỗ nhưng vẫn chia lãi
Luật sư Trương Thị Hòa (cũng là người bào chữa cho ông Bình) thẩm vấn thân chủ của mình về nguyên nhân chính khiến ông Bình có những sai phạm. Cựu Tổng giám đốc DAB nhắc lại nguyên nhân bắt nguồn từ việc muốn nâng cao uy tín của DAB, ông Bình phải thực hiện tốt việc nâng vốn điều lệ. Khi ngân quỹ bị âm, ông phải sử dụng biện pháp kinh doanh vàng tài khoản, ngoại hối,... gây nên sai phạm.
Trần Phương Bình cho rằng nếu không thực hiện chi lãi ngoài thì tình trạng huy động vốn của DAB sẽ sụt giảm, thậm chí sụp đổ, khả năng mất thanh khoản trong thời điểm khách hàng rút tiền ào ạt gửi qua ngân hàng khác.
Giọng ông nghẹn lại khi nói bản thân lúc nào cũng muốn toàn tâm toàn ý thực hiện hoạt động của DAB nhưng vì suy nghĩ không đến nơi nên mới để xảy ra hậu quả. “Mặc dù thành viên HĐQT có nhiều người nhưng các thành viên khác không chuyên trách, một mình bị cáo vừa làm công việc của thành viên HĐQT, vừa làm công việc điều hành. Xuất phát từ cái tâm của mình nhưng sức người có hạn…”, ông Bình nghẹn ngào trình bày.
|
Sáng 30/11, HĐXX thẩm vấn Vũ "nhôm". Ảnh: Lê Quân. |
Bị cáo 59 tuổi cho biết nguyên nhân lớn nêu trong cáo trạng dẫn đến thiệt hại là ở số tiền lớn mua cổ phần cho Bình và người thân. Trong số 27 hành vi bị truy tố đều xuất phát từ tăng vốn điều lệ DAB.
Vào năm 2007, với giá trị cổ phiếu DAB tính trên sổ sách thì chỉ có thể tăng vốn khoảng 1-1,3 lần. Tuy nhiên, khoản thặng dư DAB không lớn mà thời điểm đó hoạt động mua bán chứng khoán ở Việt Nam mới bắt đầu hình thành sơ khai, giá cả lung tung; do đó, đầu năm 2007 DAB đưa ra quyết sách tăng vốn với giá cổ phiếu gấp 13 lần, cuối 2007 tăng vốn với giá 6 lần.
"Vào thời điểm đó, quyết sách như thế là sai nhưng với cương vị thành viên HĐQT, bị cáo chỉ suy nghĩ nếu không tăng được vốn thì ảnh hưởng uy tín của DAB, đó là nói mà không làm được. Bị cáo với suy nghĩ chưa đúng của mình đã phải gánh chịu hậu quả", cựu Chủ tịch HĐQT DAB nói.
Việc nhờ vợ, con gái và người thân đứng tên mua cổ phần rồi nhận cổ tức, ông Bình cho biết sử dụng cho rất nhiều hoạt động. Lúc đó, việc âm quỹ lớn khiến Bình bấn loạn, cộng thêm các khoản vay phải trả nên ông Bình dùng tiền đó để giải quyết hoạt động gây ra ở DAB chứ không hề sử dụng cho cá nhân và gia đình ông.
“Bản thân bị cáo cho đến năm 2014 còn nợ DAB mười mấy tỷ nằm ở 2 tài khoản khấu chi của bố mẹ vợ. Lãi suất khấu chi là lãi suất cao nhất. Đến khi vợ bán miếng đất ở quận 2, chuyển tiền vào 2 tài khoản này, ngân hàng tự động trừ. Lúc này vợ bị cáo mới biết bị cáo còn nợ mười mấy tỷ đồng vào năm 2014”, lúc này Trần Phương Bình lại một lần nữa nghẹn ngào, giọng đứt quãng.
"DAB làm ăn thua lỗ nhưng vẫn trả cổ tức cho cổ đông có trái với luật Doanh nghiệp không, vì theo luật phải có lời mới trả cổ tức?", luật sư Hòa hỏi ông Bình.
"Với tình hình âm quỹ thì rất khó lòng hoạt động hiệu quả. Nhưng bị cáo phải thực hiện hoạt đông kinh doanh mới có khoản thu nhập bù đắp chi phí. Nếu nói DAB có lãi thì không hề có, nhưng từ năm 1992-2014, DAB đều chia lãi cho cổ đông. Thời gian sau khi bị cáo nghỉ ở DAB và bị tạm giam thì bị cáo suy nghĩ tại sao mình lại làm điều này: Lỗ nhưng chia lãi khiến tình hình tài chính DAB ngày càng xấu đi", ông Bình phân trần.
Ngày mai, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần xét hỏi Vũ "nhôm" và nguyên Trưởng phòng quản lý tài sản nợ DAB.
Theo Hoài Thanh - Lê Trai/ZVN