Nguy cơ vi phạm pháp luật từ thực tiễn
Ngày 15/11, góp ý về dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi) tại Quốc hội, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo quy định của Điều 21, "gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do cần phải đảm bảo tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua bán từ các nhà thầu khác. Gói thầu cung cấp hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế trong trường hợp trang thiết bị, máy móc chỉ sử dụng được duy nhất loại hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế này mới vận hành được".
|
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội góp ý kiến về Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: QH. |
Quy định này phù hợp với thông lệ đấu thầu quốc tế cho phép áp dụng chỉ định thầu đối với các trường hợp có tính độc quyền, bảo hộ sáng chế. Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ "duy nhất vận hành được" chưa phản ánh hết được thực tiễn hiện nay và có thể dẫn đến nguy cơ vi phạm quy định pháp luật đấu thầu khi áp dụng điều này.
Ví dụ, các hãng sản xuất máy xét nghiệm không cung cấp tài liệu chứng minh máy này chỉ sử dụng duy nhất một loại hóa chất, vật tư tiêu hao của chính hãng đó, mà chỉ khuyến cáo việc phải sử dụng đúng hóa chất của hãng. Thực tế, một số hóa chất có thể đưa vào máy của các hãng khác, máy vẫn vận hành được nhưng lại cho kết quả không chính xác. Tương tự như vậy, một số linh kiện, phụ kiện thay thế của hãng khác đảm bảo máy vẫn có thể vận hành được nhưng không đạt được yêu cầu về mặt chuyên môn.
Bên cạnh đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên được nhận viện trợ, tài trợ, máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại, trong quá trình vận hành máy móc phải sử dụng các dịch vụ phi tư vấn do cần phải đảm bảo tính tương thích về công nghệ, bản quyền nên không thể mua từ các nhà cung cấp khác.
Từ phân tích trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 21 như sau "gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn phải mua từ nhà thầu, từ nhà cung cấp theo nguồn tài trợ, viện trợ đã thực hiện trước đó, do cần phải đảm bảo tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác. Gói thầu cung cấp hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế trong trường hợp trang thiết bị, máy móc chỉ sử dụng được loại hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế này mới đảm bảo yêu cầu về mặt chuyên môn".
Cần bổ sung quy định mua trang thiết bị y tế đặc chủng
Về chỉ định thầu trong mua sắm trang thiết bị y tế đặc chủng, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết, hiện nay trang thiết bị y tế là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển khoa học rất nhanh, yếu tố công nghệ, bản quyền rất cao. Có một số loại máy móc rất hiện đại như máy robot trong phẫu thuật, trên thế giới có rất ít nhà sản xuất, việc mua sắm sẽ không thể có giá để tham khảo.
“Vì vậy, tôi đề xuất bổ sung thêm trường hợp chỉ định thầu dành cho việc thực hiện mua một số loại trang thiết bị y tế đặc chủng trên thế giới chỉ có 1 hoặc 2 nhà sản xuất, chế tạo và bán thương mại trên thị trường”, đại biểu nêu ý kiến.
Về chỉ định thầu rút gọn, theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát vì tính chất cấp bách của công tác chống dịch, nhiều cơ sở y tế phải triển khai ngay các nhiệm vụ chuyên môn nên đã phải vay mượn trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư tiêu hao của các đơn vị y tế tư nhân. Sau đó, hợp thức hồ sơ đấu thầu để mua sản phẩm của đơn vị đã vay và mượn.
“Như vậy đã có vi phạm quy định tại Luật Đấu thầu. Hình thức chỉ định thầu rút gọn có thể giải quyết được những tồn tại này”, bà Hà nói.
Bà Hà đề nghị cần quy định về chỉ định thầu rút gọn trong trường hợp cấp bách, thiên tai, dịch bệnh, mở rộng các trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn gồm cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm và thuốc. Nội dung dự thảo cần quy định phân biệt các trường hợp chỉ định thầu rút gọn và chỉ định thầu thông thường, không để xảy ra lúng túng trong việc áp dụng pháp luật như hiện nay.
Đấu thầu thuốc tập trung nhiều lúng túng, khó khăn
Về lập kế hoạch vào nguồn vốn cho mua sắm thuốc tập trung, bà Hà cho biết chưa có quy định riêng cho lĩnh vực hết sức đặc thù như mua sắm thuốc dẫn tới nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện đấu thầu mua thuốc.
Hiện nay, nguồn vốn mua sắm thuốc của các đơn vị phụ thuộc vào hợp đồng với bảo hiểm y tế lại được ký vào thời điểm giữa năm. Chính vì vậy, đơn vị được giao đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương thường lúng túng, gặp khó khăn trong việc nêu rõ nguồn vốn.
Mặt khác, theo quy định, trường hợp gói thầu có thời hạn dài hơn 1 năm trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ thời gian thực hiện gói thầu, người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo bố trí kinh phí để thanh toán hợp đồng trong từng năm.
Thực tế, khi Hà Nội tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc tập trung ở cấp địa phương, không những tổ chức cho các cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế mà phải tổ chức đấu thầu cho cả các bệnh viện, bộ, ngành trung ương, cả các bệnh viện tư nhân có ký hợp đồng bảo hiểm y tế đóng trên địa bàn Hà Nội. Hoạt động đấu thầu thuốc tập trung thường dài hơn một năm, thường là 2 đến 3 năm.
Quy định này thực sự gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, vì Chủ tịch UBND thành phố hoặc Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nếu được ủy quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì không thể chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo bố trí kinh phí để thanh toán hợp đồng mua thuốc của các bệnh viện, bộ, ngành trung ương.
“Tôi đề nghị Ban Soạn thảo cần đưa ra nguyên tắc xác định nguồn vốn, căn cứ lập kế hoạch đối với gói thầu mua sắm thuốc tập trung. Đồng thời, cần làm rõ vai trò của đơn vị mua sắm thuốc tập trung trong quá trình đấu thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu”, đại biểu Nhị Hà nêu ý kiến.
Giám đốc Sở Y tế Hà cho biết, hiện nay có một số cơ sở y tế ngoài công lập tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng tăng, tuy nhiên việc đấu thầu thuốc khi sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế chỉ áp dụng đối với các cơ sở y tế công lập. Bà Hà đề nghị Ban soạn thảo xem xét có quy định đối với tất cả các cơ sở y tế có sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế để tạo công bằng, minh bạch trong hệ thống y tế Việt Nam.
Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói về việc cần có quỹ bình ổn giá xăng dầu". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan