TS Bùi Ðức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội trò chuyện với Tiền Phong sau vụ nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai.
Ðầu tư liên kết siêu lợi nhuận
Vụ việc nâng khống giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Mạch Mai vừa qua đang gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội. Từng tham gia giám sát về hoạt động xã hội hóa lĩnh vực y tế, ông thấy sao về thực trạng này?
Trước tiên, xã hội hóa nói chung và lĩnh vực y tế nói riêng là rất cần thiết. Bởi nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân rất lớn, mức chi ngân sách cho y tế rất lớn, mỗi năm tăng 10% nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Trong khi lĩnh vực khám chữa bệnh, nếu máy móc thiết bị thiếu, phát hiện bệnh chậm thì có nguy cơ đe dọa đến tính mạng, đến sự sống còn của người dân.
Để phát triển ngành Y tế, trong những năm gần đây chúng ta đã thực hiện chủ trương xã hội hóa, xây dựng khuôn khổ pháp lý, khuyến khích đầu tư vào y tế. Nhờ vậy những năm gần đây các bệnh viện tư đã xuất hiện, giải quyết được nhu cầu khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe của nhân dân rất nhiều. Ngay cả trong các bệnh viện công, do nguồn lực nhà nước có hạn, trong khi vẫn phải cần hiện đại hóa trang thiết bị cho bệnh viện. Với mức phí cũng như cơ chế bảo hiểm như hiện nay, để cung ứng lực lượng kinh phí cho hoạt động của các bệnh viện, cũng như nguồn viện phí của người không có bảo hiểm y tế, thì không thể nào đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa đối với các bệnh viện công thuộc quyền sở hữu nhà nước.
|
TS Bùi Ðức Thụ
|
Chính vì vậy chúng ta đã tiến hành xã hội hóa ngay trong bệnh viện công. Chẳng hạn như, thiếu phương tiện thì có thể cho phép các thành phần kinh tế đầu tư cùng với bệnh viện, chia sẻ lợi ích, qua đó bệnh viện có thêm phương tiện, hiện đại hóa ngành và đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Khi còn làm ở Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đi giám sát hoạt động ngành Y tế, tôi thấy nhờ việc đặt máy đó, trang thiết bị ở bệnh viện công có sự chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, chủ trương đúng, nhưng giải pháp và cơ chế thực hiện của chúng ta có vấn đề. Vụ việc vừa qua báo chí đưa tin, mua các loại máy móc thiết bị hiện đại, liên kết liên doanh với bệnh viện. Qua đó thu hồi siêu lợi nhuận dưới hình thức nâng giá máy lên 3 - 4 lần… Đặc biệt, tất cả viện phí đều được phân bổ và đổ lên đầu người bệnh. Việc đầu tư máy móc như vậy là hoạt động phi pháp, không phù hợp với quy định của pháp luật, móc túi trắng trợn đối với người bệnh. Trong số đó có người bệnh hiểm nghèo, ở hoàn cảnh hết sức khó khăn, phải gánh giá quá cao bất hợp lý. Có thể nói đây là một hình thức vô nhân đạo, không thể chấp nhận được.
Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Đối với người dân, dược phẩm và các lĩnh vực khác, nói giá bao nhiêu người ta thanh toán bấy nhiêu thôi. Bệnh nhân hoàn toàn tin tưởng vào người chữa bệnh, tin tưởng vào nhà nước, nhất là đối với bệnh viện công, bệnh viện lớn như Bạch Mai. Trong thời khắc sinh tử, kể cả không có, người dân vẫn phải bán nhà đi lo viện phí, đòi giá bao nhiêu cũng phải trả, trừ khi không lo được nữa mới đành trở về nhà, chấp nhận chờ chết. Người ta đã lợi dụng niềm tin của người bệnh để móc túi trắng trợn.
Chia chác kiểu cổ phần?
Trước thực trạng trên, theo ông cần phải làm gì để ngăn chặn những sai phạm tương tự tại các bệnh viện?
Trước tiên cần phải tuyên truyền cho mọi người dân, các bác sĩ cần tư vấn, mỗi ca bệnh, mỗi lần điều trị như vậy tiền là bao nhiêu, sử dụng cái nào bảo hiểm, cái nào cần phải tự thanh toán… Đặc biệt, đối với thầy thuốc không chỉ là công tác chuyên môn, mà y đức là điều hết sức quan trọng. Thầy thuốc là người trực tiếp sử dụng các phương tiện đó cứu người, phải có lương tâm, trách nhiệm khuyên bảo đối với mỗi người dân. Đồng thời lương tâm cũng phải trỗi dậy để ngăn chặn những trường hợp sống trên lưng người bệnh, như trường hợp ở Bệnh viện Bạch Mai. Đặc biệt, tình trạng trên đã kéo dài trong hàng chục năm chứ không phải bây giờ mới xảy ra.
Bên cạnh đó, giá dịch vụ, chi phí bệnh viện đều do nhà nước quản lý. Để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Bây giờ phải rà soát lại hệ thống quy định pháp luật, khâu tổ chức thực hiện, tại sao một chủ trương trúng và đúng, phù hợp với tình hình thực tiễn phải làm nhưng lại xảy ra những hậu quả đau lòng, buồn phiền như vậy? Phải xem lỗi ở chỗ nào, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong việc quản lý giá thuốc, giá dịch vụ khám chữa bệnh thế nào mà lại để đội giá lên nhiều lần như thế?
Vậy theo ông chúng ta phải bắt đầu từ đâu?
Các cơ quan thanh tra, trước hết Thanh tra Chính phủ, rồi thanh tra tài chính các cơ quan, theo chức năng nhiệm vụ của mình phải vào cuộc làm rõ. Nếu sơ hở về cơ chế chính sách thì kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện, ngăn chặn tình trạng đó. Do đây là mặt hàng nhà nước quản lý, nên trước hết phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, và trách nhiệm của các tổ chức liên quan.
Nếu phát hiện vi phạm phải xử lý công khai, nghiêm minh theo pháp luật. Điều này vừa đảm bảo cho sự tôn nghiêm của pháp luật, vừa có tính chất răn đe, rung lên một hồi chuông cảnh tỉnh những trường hợp tương tự chạy theo lợi nhuận bất chính, gây phương hại đến lợi ích chính đáng của người dân. Đặc biệt, phải tùy theo mức độ vi phạm, nếu vi phạm nghiêm trọng, không chỉ dừng lại ở trách nhiệm kinh tế, mà còn có thể xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự, để thắt chặt kỷ luật, chấn chỉnh công tác xã hội hóa nói chung và lĩnh vực y tế nói riêng.
Trong bối cảnh hiện nay càng cần phải xử lý nghiêm, tạo môi trường thu hút đầu tư lành mạnh, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà đầu tư, bệnh viện cũng như lợi ích của người dân. Phải lấy sự hài hòa lợi ích đó làm cái gốc, làm điểm tựa thì mới duy trì chính sách đảm bảo bền vững, lâu dài được.
Có ý kiến cho rằng, sau vụ việc xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai, cần thiết phải rà soát xem những trường hợp tương tự có xảy ra ở các bệnh viện khác không, đặc biệt đối với các bệnh viện công lớn hiện nay?
Tôi được biết việc đặt máy chiếu chụp, soi, làm xét nghiệm… có biểu hiện của sự gắn kết giữa lãnh đạo bệnh viện, giữa thầy thuốc khám chữa bệnh với người đầu tư, bỏ tiền mua các phương tiện thiết bị đó. Trước kia có việc liên kết, thao túng nhập khẩu thuốc, chúng ta đã xử lý rồi. Bây giờ, theo một số bác sĩ bệnh viện phản ánh, rằng họ cũng muốn bỏ vốn liên kết, cũng muốn bỏ tiền mua máy đặt vào bệnh viện. Tuy nhiên, với cán bộ nhân viên bình thường thì không được, mà ở đây có sự chia chác kiểu cổ phần, ông to được bỏ vốn nhiều, ông bé được bỏ vốn ít. Rồi gắn kết với bên ngoài để hợp thức hóa cũng có.
Như vậy, phải khẳng định việc đầu tư vào các phương tiện khám chữa bệnh ở các bệnh viện, đặc biệt bệnh viện công là lĩnh vực đầu tư béo bở, siêu lợi nhuận bằng con đường bất chính, nâng giá khống máy lên, nâng khống giá dịch vụ khám chữa bệnh, chiếu, chụp cũng như xét nghiệm... qua việc sử dụng các phương tiện đó.
Theo pháp luật quy định, khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hệ thống thanh tra có thẩm quyền, trách nhiệm vào cuộc làm rõ. Bây giờ qua báo chí, qua dư luận và qua thực tiễn phản ánh của một số cán bộ ngành y tế như vậy, tôi cho đã có đầy đủ cơ sở để thanh tra vào cuộc. Ngoài xử lý vi phạm hành chính, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không chỉ dừng ở cơ quan thanh tra, mà cơ quan điều tra cũng có quyền khởi tố điều tra, làm rõ vấn đề.
Cảm ơn ông.
Theo Luân Dũng / Tiền Phong