Trong bối cảnh phát triển kinh tế nhanh chóng hiện nay, vấn đề đảm bảo an toàn lao động và sức khỏe cho người lao động trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của xã hội.
|
PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc. Ảnh: Mai Loan. |
Hội thảo “Nâng cao kiến thức, giải pháp, chế độ chính sách cho các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm trong môi trường lao động trong giai đoạn hiện nay do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức với mục tiêu nâng cao nhận thức về tình hình lao động trong các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Từ đó, tìm kiếm giải pháp hiệu quả nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Cần có nghiên cứu sâu căng thẳng tâm lý lao động trong hầm lò
Đưa ra tổng quan một số nghiên cứu về căng thẳng tâm lý lao động của người lao động trong hầm lò, TS Nguyễn Anh Thơ, Viện khoa học an toàn và vệ sinh lao động cho hay, khai thác mỏ là một ngành lao động đặc thù, được xếp loại lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
|
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Mai Loan. |
Người lao động khai thác mỏ luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ tai nạn lao động do lở đất đá, sập hầm, bục nước, nhiễm độc khí mêtan và mắc các bệnh nghề nghiệp phổ biến trong ngành khai thác mỏ như bệnh bụi phổi-silic, bệnh bụi phổi-amiăng, bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, bệnh rung cục bộ tần số cao, bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân, bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, bệnh phóng xạ nghề nghiệp, bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp, nhiễm độc mangan nghề nghiệp, nhiễm độc cacbonmonoxit nghề nghiệp, nhiễm độc TNT (trinitrotoluen) và bệnh da nghề nghiệp.
Cùng với đó, khai thác mỏ có thể khiến một bộ phận đáng kể người lao động phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng và rủi ro tại nơi làm việc. Theo các tài liệu nghiên cứu, 4 chủ đề nổi lên có liên quan tới sức khoẻ tâm thần người lao động, đó là các vấn đề về tâm lý và các yếu tố cá nhân, các vấn đề tâm lý xã hội và các yếu tố công việc, các vấn đề về sức khỏe và thể chất và các yếu tố quản lý đã được nêu bật để kiểm soát, cải thiện và thúc đẩy tình trạng sức khỏe tâm thần và đảm bảo sức khỏe tâm lý ở người lao động ở hầm mỏ.
Người lao động có thể gặp rủi ro tâm lý xã hội tại nơi làm việc (ví dụ: nhu cầu công việc cao, căng thẳng trong công việc), sự thoả mãn cá nhân(ví dụ: chất lượng cuộc sống, sự hài lòng trong công việc), lạm dụng chất gây nghiện, các đặc điểm tính cách, vốn tâm lý, tình cảm thể chất và tinh thần.
Tuy nhiên cho đến nay chưa có nghiên cứu nào về tâm sinh lý lao động của người lao động hầm lò, nhất là căng thẳng tâm lý.
“Vì thế, rất cần có nghiên cứu sâu về vấn đề căng thẳng tâm lý lao động trong hầm lò. Vì căng thẳng tâm lý là một nguy cơ rủi ro ẩn, nó không gây tai nạn hay bệnh tật ngay, mà diễn biến từ từ làm suy giảm sức khoẻ người lao động, dẫn đến một số bệnh lý và ảnh hưởng đến chất lượng lao động cũng như chất lượng sống của người lao động”, TS Thơ nêu ý kiến.
Mối nguy ở nơi làm việc có thể phá hủy sức khỏe
TS Nguyễn Đắc Diện, Khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp (Đại học Công đoàn) cho hay, có nhiều mối nguy ở nơi làm việc có thể phá hủy sức khỏe và sự an toàn cho người lao động, bao gồm hóa chất, tác nhân sinh học, các yếu tố vật lý, điều kiện lao động không thuận lợi, chất gây dị ứng và các rủi ro phức tạp khác. Thời gian lao động kéo dài cũng là rủi ro nghề nghiệp mà gây ra gánh nặng bệnh tật. Riêng năm 2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã ước tính có khoảng 745 nghìn ca tử vong do nhồi máu cơ tim và đột quỵ do làm việc quá sức và đây là yếu tố rủi ro sức khỏe nghề nghiệp hàng đầu thế giới.
Các hóa chất nguy hiểm gồm chất độc thần kinh (neurotoxin), chất gây dị ứng da liễu, chất gây ung thư, chất độc sinh sản, thuốc trừ sâu, chất gây hen suyễn, chất gây bệnh phổi, chất làm nhạy, kim loại nặng, halogen hữu cơ... Chúng sẽ tích tụ dần trong cơ thể theo thời gian và cuối cùng sẽ lên mức nguy hiểm nếu ta tiếp xúc với lượng nhỏ chúng mỗi ngày. Các cơ quan quản lý cần thiết lập giới hạn tiếp xúc để giảm rủi ro hóa chất.
Rủi ro tâm lý, tinh thần, cảm xúc như mối lo mất việc làm, thời giờ làm việc kéo dài, cân bằng công việc và cuộc sống, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (sự cảnh giác quá mức, sự ám ảnh, hành vi lảng tránh), quấy rối tình dục hoặc bạo lực…
Mỗi loại hình nơi làm việc có rủi ro sức khỏe riêng. Công việc văn phòng ít di chuyển, thời gian ngồi một chỗ kéo dài có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như béo phì, căng thẳng, quá tải công việc và tình trạng bắt nạt ở nơi làm việc, có ảnh hưởng xấu đến cả thể chất và tinh thần.
Nhân viên y tế cũng gặp nhiều rủi ro sức khỏe như giờ làm việc kéo dài, dịch chuyển ca làm việc, công việc đòi hỏi thể chất, bạo lực, bệnh truyền nhiễm và hóa chất độc hại có thể gây bệnh tật hoặc thương tích.
Một số mối nguy mới trong thời hiện đại do trí tuệ nhân tạo (AI), vật liệu nano, bất bình đẳng về sức khỏe nghề nghiệp liên quan đến các yếu tố dân số, xã hội, kinh tế…
Hệ thống quản lý an toàn – sức khỏe – môi trường (hệ thống SMS) dựa trên chu trình Deming hay nguyên lý PDCA, các tiêu chuẩn quốc tế ISO giúp xác định mối nguy, đề ra các biện pháp ứng phó với rủi ro, giảm thiểu nguy cơ thương tích và vai trò, nhiệm vụ của cán bộ OSH.
Theo TS Diện, các công ty có thể thực hiện hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe (SMS) một cách tự nguyện để giải quyết theo một cách có hệ thống và có cấu trúc các rủi ro sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc.
“Hệ thống SMS cho phép đánh giá và ngăn ngừa tai nạn và sự cố tại nơi làm việc. Nó có thể thích ứng với thay đổi trong hoạt động kinh doanh của tổ chức và yêu cầu của luật pháp”, ông Diện cho hay.
Một số chuyên gia cũng đã dẫn những kinh nghiệm từ các nước. ThS Nguyễn Thị Hải Hà, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho hay, Việc xây dựng danh mục nghề nghiệp nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm trên thế giới cho thấy mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau trong việc đánh giá và xác định các nghề nghiệp có nguy cơ cao cho sức khỏe và an toàn của người lao động.
Hàn Quốc đã phát triển một công cụ đánh giá điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thông qua việc đánh giá và phân tích Stress nghề nghiệp SNN cho người HQ. Công cụ đo Stress nghề nghiệp được cấu thành bởi 43 mục câu hỏi, trong đó có các câu hỏi để đánh giá các yếu tố Stress nghề nghiệp chung và phổ biến. Ngoài ra, công cụ đo Stress nghề nghiệp được cấu thành bởi 8 yếu tố: Môi trường vật lý; yêu cầu công việc; tự chủ công việc; tính ổn định của công việc; mâu thuẫn trong các mối quan hệ; hệ thống tổ chức; tính thỏa đáng của đãi ngộ; văn hóa doanh nghiệp.
Để đề ra quy chuẩn ngành nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, Hàn Quốc, đã chuyển đổi công cụ đo thành 100 điểm theo từng yếu tố và biểu diễn cho 4 phân vị trên cả nước. Vì thế cho nên bảng đánh giá stress nghề nghiệp Hàn Quốc đã biểu diễn điểm số thực tế của người lao động và điểm số bình quân của doanh nghiệp và 4 phân vị của người lao động trên cả nước để cung cấp các thông tin về điểm số stress nghề nghiệp của người lao động nằm ở phạm vi nào và làm chuẩn đánh giá và quản lý.
Theo quy định của Hàn Quốc, các chỉ số môi trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép không được coi là một yếu tố yếu tố trong đánh giá mức độ nguy hiểm của công việc, bởi vì bất kỳ phân xưởng sản xuất nào có môi trường yếu tố trường vượt ngưỡng cho phép sẽ không được phép hoạt động. Điều này giúp đảm bảo rằng môi trường làm việc phải được bổ sung tiêu chuẩn an toàn cao ngay từ đầu. Thay vào đó, Hàn Quốc xác định độ nặng đột phá, độc hại và nguy hiểm của một ngành nghề chủ yếu dựa trên hai yếu tố chính: gánh nặng thể lực và gánh nặng tâm lý, mà người ta đưa vào đại lượng đánh giá là Stress nghề nghiệp.
Mai Loan