Vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng tại chung cư mini ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) khiến 56 người tử vong, nhiều người bị thương và thiệt hại lớn về tài sản. Bên cạnh dấu hỏi về trách nhiệm chủ chung cư, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng, PCCC, dư luận cũng quan tâm đến việc hỗ trợ, giúp đỡ cũng như các khoản bồi thường mà gia đình các nạn nhân có thể được nhận để sớm ổn định cuộc sống.
|
Các nạn nhân được đưa ra khỏi đám cháy. |
Mới đây, hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự (Hà Nội) đã phát đi thông báo về việc nhận hỗ trợ pháp lý miễn phí cho toàn bộ nạn nhân trong vụ hỏa hoạn ở Khương Hạ và chia sẻ cú sốc tâm lý nặng nề, kèm theo những thách thức pháp lý và tài chính đối với gia đình nạn nhân.
Nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân có thể liên hệ trực tiếp luật sư Lê Hồng Hiển theo số điện thoại 𝟎𝟗𝟏𝟑 𝟖𝟑𝟏 𝟕𝟖𝟗.
Hiện, cơ quan CSĐT – Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nghiêm Quang Minh, chủ chung cư mini xảy ra hỏa hoạn để điều tra về tội vi phạm quy định về PCCC theo Điều 313 BLHS.
Theo luật sư Lê Hồng Hiển, với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sau vụ việc, Nghiêm Quang Minh sẽ đối diện với khung hình phạt cao nhất của tội danh nêu trên là từ 7 đến 12 năm tù, với một loạt các tình tiết định khung tăng nặng, đó là: “Làm chết từ 03 người trở lên” , “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên” và “Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên”.
Theo quy định tại Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự thì “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”.
Do đó, trong vụ án này các nạn nhân xấu số được xác định là bị hại và có các quyền quy định tại Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự. Một trong các quyền của bị hại hoặc người đại diện của họ đó là quyền đề nghị mức hình phạt đối với người phạm tội, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường; tranh luận tại phiên toà; tự bảo vệ hoặc nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình.
Theo đó, quyền bồi thường có thể liệt kê sơ lược như sau:
Đối với nạn nhân tử vong: Các khoản chi phí cấp cứu, mai táng, cấp dưỡng cho người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng (nếu có), tiền bù đắp tổn thất về tinh thần…
Đối với nạn nhân bị thương, tổn hại sức khỏe: Các khoản chi phí cấp cứu, bồi dưỡng, hồi phục sức khỏe…, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, chi phí và thu nhập thực tế đối với người chăm sóc, khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần…
Đối với thiệt hại tài sản: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc hư hỏng, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất hoặc giảm sút, chi phí để ngăn chặn, hạn chế hoặc khắc phục thiệt hại…
Ngoài ra đối với trường hợp các nạn nhân tử vong có bảo hiểm xã hội, sẽ được trợ cấp tiền mai táng (nếu đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014); tiền tuất hằng tháng hoặc tiền trợ cấp tuất một lần nếu đáp ứng một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67, khoản 1 Điều 69 Luật BHXH; tiền trợ cấp thôi việc trong trường hợp người lao động đã làm việc từ 12 tháng trở lên…
>>> Mời độc giả xem thêm video Chàng shipper lao vào biển lửa cứu người vụ cháy chung cư mini:
Thiên Tuấn