Nằm trên yên xe máy đổ đèo Ba Vì: Trách nhiệm xử lý thuộc về ai?

Google News

Vụ một nam tài xế nằm trên yên để điều khiển xe máy điện tại đường đèo Ba Vì, Hà Nội, cơ quan chức năng đang "đùn đẩy" trách nhiệm xử lý.

Mới đây, đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh nam tài xế nằm trên yên xe máy điện đi ở cung đường đèo, dốc tại huyện Ba Vì (Hà Nội) được chia sẻ trên mạng xã hội. Theo hình ảnh trong clip, tài xế điều khiển xe máy điện không có biển kiểm soát, lưu thông với tốc độ cao để đổ đèo. Quá trình lái xe, người này không đội mũ bảo hiểm, nằm trên yên xe. Đáng chú ý, đây là cung đường đèo, dốc với nhiều khúc cua gấp gây mất an toàn giao thông.
Nam tren yen xe may do deo Ba Vi: Trach nhiem xu ly thuoc ve ai?
Nam thanh niên nằm trên xe máy điện đổ đèo gây mất an toàn giao thông. 
Trước những thông tin trên, đại diện Công an huyện Ba Vì cho biết, nếu đoạn đường xảy ra vi phạm nằm trong Vườn Quốc gia Ba Vì thì trách nhiệm xử lý thuộc lực lượng kiểm lâm. Tuy nhiên, phía Vườn Quốc gia Ba Vì, ông Chu Ngọc Quân - Phó Giám đốc cho biết, theo luật định, chức năng nhiệm vụ của đơn vị chỉ là bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và không có chức năng xử lý về an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, căn cứ Quyết định số 571/QĐ-KL-VP quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vườn quốc gia Ba Vì, cơ quan này không có nhiệm vụ quyền hạn xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư 65/2020/TT-BCA, Công an cấp huyện bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính, gồm:
Các tuyến quốc lộ, đoạn quốc lộ không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Thông tư 65; Các đoạn quốc lộ thuộc các tuyến quốc lộ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Thông tư 65 đi qua thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện theo kế hoạch của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Các tuyến đường tỉnh; đường huyện; đường xã; đường chuyên dùng; đường đô thị không thuộc trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 6 Thông tư 65; Phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính theo kế hoạch của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông.
Nam tren yen xe may do deo Ba Vi: Trach nhiem xu ly thuoc ve ai?-Hinh-2
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 
Do sự việc xảy ra trên địa bàn huyện Ba Vì, thuộc tuyến đường huyện, trên địa bàn, vì thế trách nhiệm xử lý thuộc vào Công an huyện Ba Vì. Thiết nghĩ trước những hành vi nguy hiểm và phản cảm khiến người dân bất bình, cơ quan công an cần có các động thái kịp thời, mạnh mẽ hơn, nhằm ngăn chặn và răn đe những hành vi vi phạm pháp luật.
Nam thanh niên nằm trên yên xe máy đổ đèo Ba Vì bị xử lý thế nào?
Cũng trao đổi với PV, Luật sư Chu Quỳnh Vương, thuộc Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo như đoạn clip nam thanh niên nằm trên yên xe máy điện để đổ đèo tại huyện Ba Vì (Hà Nội) mà phóng viên cung cấp có thể khẳng định nam thanh niên đã vi phạm các quy định về các quy tắc khi tham gia giao thông đường bộ. Cụ thể là vi phạm khoản 2, khoản 3 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về việc người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm và vi phạm quy định về việc người điều kiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy không được thực hiện hành vi nằm trên yên xe điều khiển xe.
Nam tren yen xe may do deo Ba Vi: Trach nhiem xu ly thuoc ve ai?-Hinh-3
 Luật sư Chu Quỳnh Vương, thuộc Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 
Luật sư Vương phân tích, hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của nam thanh niên có thể sẽ bị xử phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm, 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nằm trên yên xe điều khiển xe. Cụ thể quy định tại Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Chính phủ ngày 30/12/2019.
Cũng theo luật sư Vương, đoạn clip chỉ ghi lại một phần vi phạm của nam thanh niên, chưa rõ trong quá trình đổ đèo nam thanh niên có gây tai nạn hay không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, cản trở người thi hành công vụ… trong những trường đó nam thanh niên còn có thể bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng (quy định tại điểm 9 điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Ngoài việc bị phạt tiền theo quy định nêu trên, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng; tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi thì bị bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng, tịch thu phương tiện.
Trong trường hợp nằm trên yên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) là hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ và nếu thực hiện hành vi này mà gây thiệt hại cho người khác như làm tổn thương sức khỏe cho người khác, làm chết người, gây thiệt hại về tài sản… thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017.
>>> Xem thêm video: Nghĩ bị 'nhìn đểu', nhóm thanh niên vác dao phóng lợn, bom xăng đi hỗn chiến

Nguồn: VTV 24.

Gia Đạt