Nam sinh bị kỷ luật công khai MXH: Xử lý lãnh đạo THCS Ngô Quyền thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Trường THCS Ngô Quyền kỷ luật học sinh, yêu cầu học sinh phải đọc bản kiểm điểm, xin lỗi trước toàn trường, quay lại và đăng clip xin lỗi này lên mạng xã hội là không phù hợp, phản giáo dục, thậm chí sai quy định. Vậy Ban giám hiệu nhà trường có bị xử lý?

Vụ việc một học sinh trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình, TP.HCM) phải đọc kiểm điểm trước toàn trường vì xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, học sinh vi phạm bị nhà trường kỷ luật là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, cách nhà trường kỷ luật học sinh, yêu cầu học sinh phải đọc bản kiểm điểm và xin lỗi trước toàn trường, sau đó đăng clip xin lỗi này lên mạng xã hội là không phù hợp, phản giáo dục, thậm chí sai quy định.
Bởi dù học sinh có vi phạm nhưng khi áp dụng biện pháp kỷ luật cần phù hợp, nên vận động, thuyết phục các em là chính, không làm tổn hại đến danh dự, tinh thần và sức khỏe của học sinh.
Mới đây, Phòng GD&ĐT quận Tân Bình cho biết, Ban giám hiệu trường THCS Ngô Quyền phải kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân liên quan vụ việc nam sinh bị kỷ luật công khai trên MXH. Đồng thời, thầy Nguyễn Ngọc Thụ, Phó hiệu trưởng nhà trường cùng đã thừa nhận sai lầm và nóng vội trong việc xử lý khi đưa video quay cảnh nam sinh xin lỗi lên mạng.
Nam sinh bi ky luat cong khai MXH: Xu ly lanh dao THCS Ngo Quyen the nao?
 Nam sinh phải đọc bản kiểm điểm trước 1.400 học sinh chiều 5/11. (Ảnh chụp màn hình)
Dư luận đặt câu hỏi, với việc xử lý kỷ luật học sinh vi phạm như trên Phó Hiệu trưởng Nhà trường phải chịu trách nhiệm và Hiệu trưởng trường THCS Ngô Quyền cũng phải chịu trách nhiệm khi đồng ý để xảy ra sự việc trên?
Trao đổi với Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, có hai việc đáng buồn đã và đang xảy ra trong ngành giáo dục là quy định về kỷ luật học sinh được ban hành 30 năm nay chưa có sự thay đổi, điều thứ hai là nhiều giáo viên, cán bộ giáo dục không quan tâm đến các quy định này mà thường tự mình đưa ra các hình thức kỷ luật (thậm chí đánh đập) một cách tùy tiện.
Trong số rất nhiều các vụ việc kỷ luật học sinh bằng cách đánh đập, hành hạ sai quy định pháp luật thì việc bắt học sinh đọc bản kiểm điểm trước toàn trường rồi quay lại video đăng công khai trên mạng xã hội như tại trường THCS Ngô Quyền cũng là một hành vi sai quy định pháp luật.
“Học sinh là những người chưa thành niên, đang trưởng thành, chưa phát triển đầy đủ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của bản thân mình đối với người khác, với xã hội. Bởi vậy, việc học sinh mắc lỗi, vi phạm các quy định, quy tắc, ứng xử chưa chuẩn mực là chuyện hết sức bình thường. Người lớn, bố mẹ, nhà trường, thầy cô giáo có trách nhiệm phát hiện, chỉ ra, khuyên bảo những học sinh vi phạm, nếu cố ý vi phạm mà việc nhắc nhở, khuyên răn không có tác dụng thì mới áp dụng các hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật. Việc kỷ luật nhằm mục đích giáo dục, phát huy vai trò giáo dục và không được làm tổn hại đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của học sinh, không để việc thi hành kỷ luật tác động xấu đến tâm lý và hình thành nhân cách của trẻ”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Đồng thời, luật sư Cường cho rằng, việc giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm của học sinh phải tuân thủ các quy định của luật giáo dục và các văn bản có liên quan, việc giáo dục cũng cần phải phù hợp với đạo đức, văn hóa, xu hướng phát triển của xã hội.
“Ngày nay, sự phát triển của công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông và đặc biệt là mạng xã hội khiến thông tin rất đa dạng, đa chiều, truyền tải nhanh chóng, điều này cũng sẽ tác động tích cực hoặc tiêu cực đến với con người và đời sống xã hội. Bởi vậy, mỗi thông tin được truyền đi, được phát đi từ mỗi tổ chức, cá nhân đều phải hết sức thận trọng, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và chuẩn mực xã hội”, Luật sư Cường cho biết.
Do vậy, việc bắt học sinh xin lỗi rồi công khai hình ảnh, clip trên phương tiện thông tin đại chúng, để rồi lan truyền trên mạng xã hội sẽ khiến học sinh đó cảm thấy xấu hổ, thậm chí có thể nảy sinh những suy nghĩ và hành động tiêu cực.
Hình thức này của nhà trường là một hình thức kỷ luật tự phát, không có trong các quy định của pháp luật. Việc làm này sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của học sinh, thậm chí đến phụ huynh, những người thân trong gia đình của học sinh này.
Bởi vậy Sở GD&ĐT có quan điểm cho rằng Ban giám hiệu trường THCS Ngô Quyền phải kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân. Sau khi có báo cáo kiểm điểm từ trường, Phòng sẽ gửi lên Sở GD&ĐT để báo cáo về Bộ GD&ĐT; chờ ý kiến chỉ đạo từ các bên liên quan là có cơ sở.
Hiện nay, các hình thức kỷ luật học sinh vẫn được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 08/TT của Bộ giáo dục và đào tạo ban hành 21/3/1988. Theo đó, các mức kỷ luật học sinh gồm các mức: Phê bình trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần lễ, đuổi học một năm.
Theo điều 42 của Thông tư 12, các hình thức kỷ luật gồm: Phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi vào học bạ; buộc thôi học có thời hạn. Tuy nhiên, không có quy định nào về việc đăng tải clip kỷ luật học sinh lên mạng, cũng không có nội dung buộc học sinh đọc bản kiểm điểm trước toàn trường.
Nam sinh bi ky luat cong khai MXH: Xu ly lanh dao THCS Ngo Quyen the nao?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường.
“Từ đó đến nay, đời sống kinh tế, chính trị, xã hội đã có rất nhiều thay đổi, các hình thức kỷ luật như trên không còn phù hợp nữa, không phát huy được hiệu quả, tác dụng trong việc quản lý học sinh, xử lý các trường hợp vi phạm. Nhiều hành vi vi phạm mới phát sinh chưa được dữ liệu trong văn bản pháp luật, không phù hợp với thời đại công nghệ số. Bởi vậy việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi các quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh là rất cần thiết để đảm bảo cho hoạt động giáo dục được thực hiện một cách nghiêm túc, có hiệu quả và đúng hướng”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Đồng thời, Luật sư Cường cho rằng, hiện nay có rất nhiều văn bản pháp luật tác động trực tiếp đến đời sống xã hội như Luật công nghệ thông tin, Luật an ninh mạng, Luật trẻ em... Hoạt động giáo dục cũng không nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của các văn bản pháp luật này.
Bởi vậy, mỗi hành vi, việc làm, hoạt động trên các phương tiện thông tin đại chúng của các thầy cô giáo, của ngành giáo dục sẽ tác động không nhỏ đối với lĩnh vực giáo dục, tới các học sinh và các phụ huynh. Do đó, những hành động, hoạt động đó phải phù hợp với các quy định của pháp luật và không được gây phương hại đến sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ, vi phạm các quy định của pháp luật về Quyền trẻ em.
>>> Mời độc giả xem clip Học sinh bị kỷ luật vì xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc: Bộ GD&ĐT nói gì? Nguồn VTC14:
 
Hải Ninh