Cùng với thế giới, cả nước đã chính thức bước vào năm mới 2020 với những kỳ vọng. Nhìn lại năm 2019, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới đây đã nói: “Nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có thể nói là toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực, tốt hơn năm 2018”.
Người dân cả nước ghi nhận và đánh giá cao những chuyển biến, tích cực toàn diện trên tổng thể tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước khi năm 2019 kinh tế đã làm được “điều chưa từng có trong lịch sử khi tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7%, cao hơn mức kế hoạch (6,6-6,8%), thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và trên thế giới, nâng quy mô kinh tế lên 266 tỷ USD, bình quân đạt gần 2.800 USD/người…
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ nét. Các chính sách đối với người có công, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững được tập trung quan tâm, tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh…
Những kết quả, thành tựu vô cùng đáng tự hào trong năm 2019 tạo động lực mới, khí thế mới cho việc kỳ vọng sẽ đạt được nhiều kết quả tổng thể cao hơn nữa trong năm 2020.
Mong không phải nghe thêm các đại án tham nhũng
Năm 2019, cũng là năm tiếp tục ghi nhận sự quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc xử lý nhiều vụ việc, đại án tham nhũng nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Cụ thể, đã tập trung điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, như: vụ án "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Vinashin, vụ án "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma; vụ án "cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương. Vụ án "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á, vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", liên quan đến Dự án 15 Thi Sách, TP.HCM…
|
Trong vụ AVG cũng lần đầu tiên có người nhận hối lộ 3 triệu USD, VKS phải đề nghị tử hình. Nhưng khi người này nộp lại tiền đã được giảm xuống hình phạt tù chung thân. |
Đặc biệt là mới đây, TAND TP Hà Nội đã tiến hành xét xử và tuyên án các bị cáo trong đại án Mobifone mua AVG. Như lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước mới đây đánh giá, vụ AVG là một vụ điển hình, nói lên rất nhiều điều, như ngoài việc có nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý còn là vụ số tài sản tham nhũng thu hồi được nhiều nhất.
Đáng chú ý, cuối năm 2019, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất bổ sung 2 vụ án Nhật Cường và "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước mới đây cho biết: “Tới đây còn tiếp tục xử lý. Sắp tới các đồng chí chờ xem”.
Năm 2019 cũng là năm tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" được phát huy khi hàng loạt cán bộ cấp cao, trong đó có cả ủy viên Trung ương, tướng lĩnh bị kỷ luật. Đáng chú ý, cuối năm 2019, ông Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội - bị đề nghị kỷ luật vì có vi phạm, khuyết điểm trong thời gian giữ cương vị Phó thủ tướng, đã cho một số ý kiến chỉ đạo đối với Dự án TISCO II; Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Vũ Văn Ninh, nguyên Phó thủ tướng; Ban Chấp hành Trung ương Đảng khai trừ Đảng hai cựu ủy viên Trung ương, cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn; hàng loạt lãnh đạo Bộ ngành, địa phương bị xử lý kỷ luật…
Việc xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm, được nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân mong muốn tiếp tục xử lý các vụ đại án tham nhũng, xử lý cán bộ vi phạm pháp luật “bất kể người đó là ai”, đồng thời kỳ vọng sẽ không phát sinh thêm những đại án tham nhũng mới trong năm 2020.
Không còn những vụ tai nạn thảm khốc vì… ma men
Năm 2019 tình trạng lái xe say rượu gây tai nạn thảm khốc vẫn diễn ra phổ biến, phức tạp.
Các vụ TNGT kinh hoàng do ma men như vụ lái xe Lexus 570 say rượu tông chết 4 người, 6 người bị thương trong đám tang xảy ra tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vào đầu tháng 4/2019; vụ tài xế xe Mercedes say rượu tông tử vong 2 phụ nữ ở hầm Kim Liên (TP Hà Nội) đầu tháng 5/2019; vụ xe container tông những người đang chờ đèn đỏ cuốn hàng chục xe máy vào gầm, 4 người chết tại huyện Bến Lức (tỉnh Long An) đầu 2019; Tài xế “xe điên” đâm chết nữ công nhân môi trường tại Hà Nội vào tháng 4/2019…
Ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực. Đáng chú ý theo quy định mới, đã uống rượu bia không được phép lái xe máy, xe đạp chỉ có đi bộ mới được nếm ít rượu bia. Đây được cho là kỳ vọng sẽ giảm thiểu, chấm dứt những vụ tai nạn giao thông thảm khốc do lái xe say xỉn gây ra trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
|
Hiện trường vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Long An. |
Liên quan đến tai nạn giao thông, người dân cũng mong muốn trong năm 2020 sẽ không còn những tai nạn đau thương do phụ nữ lái xe. Bởi năm 2019, đã xảy ra nhiều vụ phụ nữ lái xe gây tai nạn dẫn đến những hậu quả thương tâm. Điển hình là vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra tại ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Ngọc Vũ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vào sáng 20/11, khi một chiếc ô tô Mercedes do người phụ nữ điều khiển đâm lao vào nhiều phương tiện dừng chờ đèn đỏ khiến 1 phụ nữ tử vong.
Xã hội không còn thảm án
Năm 2019, người dân ghi nhận lực lượng công an đã chủ động, tích cực trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm, điều tra, xử lý kịp thời những vụ án, hành vi vi phạm pháp luật gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra nhiều thảm án thương tâm với những hành vi tàn ác, giết nhiều người như vụ bắt cóc, hiếp dâm, sát hại nữ sinh giao gà xảy ra ở Điện Biên đầu năm 2019, vụ thảm sát cả gia đình xảy ra tại Bình Dương khiến 3 người tử vong; vụ án anh truy sát cả nhà em trai ở Đan Phượng (Hà Nội) xảy ra ngày 1/9/2019 khiến 4 người chết; bà nhẫn tâm giết cháu nội ở Nghệ An; thảm sát 5 người chết ở huyện Định Hóa, Thái Nguyên ngày 26/12 mới đây…
|
Vụ nữ sinh giao gà bị sát hại gây chấn động dư luận. |
Ngoài những vụ thảm án trên, những vụ việc cố ý gây thương tích, bạo hành phụ nữ, xâm hại lạm dụng tình dục trẻ em vẫn xảy ra; tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, cầm đồ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật vẫn diễn biến phức tạp gây lo lắng, bất an trong nhân dân; nhiều vụ việc lừa đảo thủ đoạn tinh vi với số lượng hàng ngàn tỷ đồng, hàng ngàn người là nạn nhân; tội phạm sử dụng công nghệ cao, đánh bạc, tội phạm về ma túy với số lượng rất lớn có chiều hướng gia tăng…
Người dân mong muốn Bộ Công an, các ngành chức năng, các địa phương có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm, xử lý nghiêm đối tượng phạm tội để đảm bảo cuộc sống bình yên trong nhân dân.
Người dân mong muốn môi trường không bị ô nhiễm
Năm 2019, hàng loạt vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân, dư luận lo lắng bức xúc, điển hình là vụ xả dầu thải Sông Đà, phát tán thủy ngân vụ cháy nhà máy Rạng Đông, mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh gây nguy hại đến sức khỏe nhân dân, hàng loạt các doanh nghiệp tại nhiều địa phương xả thải gây ô nhiễm môi trường…
Điều này cho thấy, tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị rất chậm; việc xử lý của chính quyền địa phương đối với sự cố môi trường, nhất là đối với các vụ cháy, nổ còn lúng túng.
Năm 2020, người dân kỳ vọng tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ được giảm thiểu đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra ngoài trung tâm thành phố; ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xả chất thải trực tiếp ra môi trường; thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để nhân dân chủ động phòng tránh.
Lương tăng… mong giá đừng tăng
Năm 2020, người lao động được nhận nhiều chính sách tiền lương có lợi hơn với việc Quốc hội điều chỉnh lương cơ sở lên mức 1.600.000 đồng/tháng, lương tối thiểu vùng tăng từ 150.000-240.000 đồng trên 4 vùng và lương hưu tối thiểu cũng điều chỉnh tăng theo lương cơ sở mới.
Tuy nhiên, người dân lo lắng việc lương chưa kịp tăng giá cả đã leo thang. Bởi thực tế, như một “kịch bản” định sẵn, mỗi lần tăng lương, giá cả thị trường lại leo thang. Người dân mong muốn, Chính phủ cần có những chính sách phù hợp để tăng lương được thực chất, đời sống người lao động được cải thiện, không còn nỗi lo “tăng lương, tăng giá”.
Người nghèo được quan tâm tốt hơn
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam luôn quan tâm, chăm lo đến an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội cho các đối tượng chính sách, những người có công và người nghèo theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” được Thủ tướng Chính phủ phát động từ cuối năm 2016 và đến nay tiếp tục đẩy mạnh, điều này thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với người nghèo.
Tuy nhiên, dù tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng cả nước vẫn còn 2,53 triệu hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới. Tỷ lệ tái nghèo rất cao khi gặp biến cố, thiên tai bão lũ...
Người dân mong muốn Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội tiếp tục quan tâm đến người nghèo, có thêm những chính sách giúp các hộ dân thoát nghèo. Đồng thời, cần có biện pháp xử lý, ngăn ngừa chấm dứt tình trạng ăn chặn quà cáp, chế độ của người nghèo.
Năm 2019, nhiều vụ việc ăn chặn của người nghèo đã được phát hiện gây bức xúc dư luận như vụ việc Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội (Thuỵ An, Ba Vì) "tuồn" hàng từ thiện do các cá nhân, tổ chức trao tặng ra ngoài bán, Phó Chủ tịch HĐND huyện Châu Thành, Tây Ninh dù có xe hơi vẫn nhận nhà tình nghĩa, 3 trưởng khoa và 2 điều dưỡng viên Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa đã bị khởi tố vì ăn chặn thuốc của người tâm thần, đem ra ngoài bán, lấy tiền chia nhau…
Người nghèo cần được quan tâm và chế độ tốt hơn... chứ đừng kiểu quan ăn chặn quà cáp, chế độ của người nghèo như trên.
>>> Mời độc giả xem video TPHCM: Lễ hội ánh sáng chào năm mới 2020:
Tâm Đức