Hùng kê quyền, hay võ gà, tương truyền do Ðông Ðịnh vương Nguyễn Lữ thời nhà Tây Sơn sáng tạo nên. Trong 3 anh em Tây Sơn gồm Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, tên tuổi của Nguyễn Lữ ít được bàn tới nhất. Ðiều này có lẽ xuất phát một phần từ đại võ công của vua Quang Trung Nguyễn Huệ, hào quang đã át quần hùng đương thời, bao gồm cả Ðông Ðịnh vương.
Một miếng võ gà, tranh hùng thiên hạ
Sớm một ngày đông se lạnh, cơ duyên thế nào lại ngồi chung chén trà với ông Hoàng Vĩnh Giang, một tên tuổi cũng lừng lẫy trong giới thể thao và cả võ thuật trong nước và quốc tế. Chuyện đưa, chuyện đẩy, bỗng trở tới những miếng võ gà ác hiểm của bài hùng kê.
Qua nửa cuộc trà, ông Hoàng Vĩnh Giang thủng thẳng “tiến cử”, để bàn về Hùng kê quyền, ắt phải gặp lão võ sư Trương Văn Bảo, mới là “đúng nơi, đúng chỗ”. Ông Bảo danh đại võ sư quốc tế, Phó Tổng thư ký Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam, có thể xem là tay hiệt kiệt trong giới võ lâm. Ấy thế rồi qua ông Giang, mới có dịp được tiếp câu chuyện dở dang về Hùng kê quyền với bậc cao thủ.
“Hùng kê mang tính đặc thù của con vật là con gà. Ðể thể hiện được thì ngoài hình còn phải toát lên được ý. Hình và ý phải hài hoà mới lộ được hết cái ảo diệu, uy lực của Hùng kê”.
Võ sư Nguyễn Thành Chung cho biết
Theo ông Trương Văn Bảo, từ khi xuất thế cho đến lúc nhà Tây Sơn đổ, bẵng một dạo quá 200 năm, Hùng kê quyền biến mất khỏi võ lâm, tưởng đã thất truyền. Cho đến năm 1993, làng võ cổ truyền Việt Nam chấn động với bài quyền võ gà của cố võ sư Ngô Bông. Ông Ngô Bông sinh năm 1923 ở Quảng Ngãi, theo nghiệp võ từ năm 11 tuổi. Võ sư Ngô Bông được xếp vào hàng cao thủ giới võ lâm, thông thạo nhiều ban võ nghệ: côn, kiếm, đao thương, quyền… sự nghiệp suốt cuộc đời có nhiều đóng góp cho võ thuật Việt Nam. Giới võ lâm đồn, mười ngón tay của ông nhờ luyện Thiết sa chưởng, có thể xuyên gạch, phá đá. Ngón quyền Hùng kê của ông vì vậy cũng đủ uy mãnh, khiến người người phải cung kính.
Ðại hội võ cổ truyền toàn quốc tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh năm 1993, lần đầu tiên Hùng kê quyền tái xuất thế với bài biểu diễn của võ sư Ngô Bông. Ông được thừa nhận là truyền nhân của Hùng kê quyền, bài quyền sau đó được đưa vào nhóm 10 bài quy định đầu tiên của võ cổ truyền Việt Nam.
Nhắc tới võ sư Ngô Bông, võ sư Trương Văn Bảo ngậm ngùi, vẫn thương thầy bởi cá tính tình cảm, điềm đạm. Bài Hùng kê có lời thiệu phổ biến như sau:
Lưỡng kê giao nạp thỉ tranh hùng
Song túc tề phi trảo thượng xung
Trấn ải kim thương như bạch hổ
Thủ quan ngân kiếm tợ thanh long
Xuyên hầu độc tiễn tàng ư trác
Hồi thủ đơn câu thọ tự hung
Khiêu, tẩu, dược, trầm thiên sở tứ
Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung.
Dịch nghĩa là:
Hai con gà chọi nhau để tranh hùng
Hai chân cùng bay, móng chân đâm hất lên
Trấn biên ải, cây thương vàng như cọp trắng
Giữ cửa quan, lưỡi kiếm tựa rồng xanh
Mũi tên độc đâm vào hầu được cất giấu từ mỏ gà
Quay đầu móc đâm vào ngực kẻ địch
Chạy, nhảy lên, luồn, hụp xuống là thế trời cho
Mềm, cứng, mạnh, yếu, tất cả đều trong bài quyền này
Theo võ sư Trương Văn Bảo, Hùng kê thuộc loại tượng hình quyền, thủ hình của Hùng kê là kê thủ. Ngón tay đánh ra, tuỳ thế có thể là mỏ gà, móng gà hoặc cựa gà. Ngón tay thầy Ngô Bông khi đánh, không thẳng như Nhất dương chỉ mà ngón trỏ co lại, vận lực rất cứng. Ðòn đánh không như quả thôi sơn, lực không mạnh như thôi sơn nhưng vẫn hiệu quả, vì sao? Vì Hùng kê đánh vào yếu huyệt, chỉ nhắm vào những phần mềm trên người đối phương để đánh, như yết hầu, mắt, hai bên sườn…hoặc đánh cấp tập vào 1 điểm yếu huyệt của đối phương. Một ngón trỏ với 2 ngón giữa bổ trợ, mở ra cong hình móng, thầy Ngô Bông gọi là “Tam công”. Theo võ sư Trương Văn Bảo, con gà khi bay lên dùng lực cánh đuôi lái, hai chân tung cựa đá theo thế “song túc tề phi”, “mổ tới thì thành mỏ gà, xốc lên thì thành cựa gà mà chụp xuống thành móng gà, vừa tấn công, vừa bấu víu”. Thật là biến hoá khôn lường!
Võ học là nhân học, chỉ dạy võ cho người có đức
|
Cố võ sư Ngô Bông với những chiêu thức Hùng kê quyền lừng danh. Ảnh sưu tầm |
Tương truyền trong “Tây Sơn tam kiệt”, Ðông Ðịnh vương Nguyễn Lữ vốn người thư sinh, yếu hơn các anh mình. Ông nhận thấy võ Thiếu Lâm thiên về cương dương, đòi hỏi công phu rèn luyện nhiều năm, không phù hợp với thể trạng. Một ngày xuân, Nguyễn Lữ có dịp quan sát một cuộc đấu gà chọi. Ông nhận thấy trong 2 con gà, một con nhỏ nhưng linh hoạt, liên tục chạy vòng quanh, rúc vào nách đối thủ to cao, rồi tung ra các đòn ác hiểm, khiến cho đối phương phải hoảng sợ mà bỏ chạy. Từ đó, Nguyễn Lữ đã sáng tạo ra Hùng kê quyền, thâu gom tất cả những gì tinh tuý nhất của con gà chọi.
Trở lại câu chuyện với võ sư Trương Văn Bảo, ông Bảo cho biết gà không phải con vật vô địch, đánh với đồng loại thì được nhưng với loại khác thì phải dùng mẹo. Hùng kê vì vậy để hiệu quả, thường phải phối hợp với La hán quyền, là quyền thực chiến. Nếu chỉ dùng Kê quyền thì không đủ uy lực. Bài Hùng kê có đủ cương, nhu, biến ảo, phối hợp với La hán quyền, sự lợi hại càng tăng lên bội phần.
Bàn thêm chuyện này, võ sư Nguyễn Thành Chung, Chưởng môn phái Lạc Việt Võ đạo cho biết, người tập võ muốn tập Hùng kê phải đạt ngưỡng nhất định. “Hùng kê mang tính đặc thù của con vật là con gà. Ðể thể hiện được thì ngoài hình còn phải toát lên được ý. Hình và ý phải hài hoà mới lộ được hết cái ảo diệu, uy lực của Hùng kê”-võ sư Nguyễn Thành Chung cho biết. Ông Chung nói thêm trong quá trình chiến đấu, con gà tuỳ đối thủ, có thể thoái thể lùi, công thủ bất kỳ, nhưng chỉ nhằm vào các yếu huyệt của kẻ địch. “Thủ có thể vững vàng như bạch hổ trấn ải, công thì ác hiểm, khả dĩ đả bại cường địch”.
Lạc Việt Võ đạo hiện có tới 62 võ đường, theo võ sư Nguyễn Thành Chung, môn sinh phải qua được mức căn bản mới bắt đầu được tập Hùng kê. Tập bao lâu mới thuần thục thì lại tuỳ tố chất từng người, chưa nói thể hiện được hết tinh tuý của bài quyền.
Theo võ sư Trương Văn Bảo, hậu sinh nhiều người đánh nhanh, mạnh, nhưng chưa ai thể hiện bài Hùng kê quyền mà lột tả hết được tinh tuý của nó như cố võ sư Ngô Bông. Danh tiếng lẫy lừng, nhưng cả cuộc đời cố võ sư sống thanh đạm, hướng tới truyền bá đạo học cho thế hệ sau. Võ sư Ngô Bông luôn tâm niệm, võ học là nhân học, học võ là để giúp đời nên chỉ truyền dạy cho người có nhân cách, không truyền tràn lan.
Người cũ đã đi xa, ngày xuân kể lại, âu cũng là góp một câu chuyện vào dòng chảy võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Theo Nguyên Phong - Trọng Đạt/Tiền Phong