Bức tranh lợi nhuận với những gam màu trái ngược của 3 "ông lớn" ngành Viễn thông
Trước bối cảnh thị trường viễn thông đã trở nên bão hòa, Bộ Thông tin và Truyền thông siết chặt quản lý thông tin thuê bao di động trả trước, ngăn chặn SIM “rác” và dịch vụ giá trị gia tăng “bẫy” người tiêu dùng... việc phát triển thuê bao di động và phấn đấu tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận của các “ông lớn” viễn thông Việt Nam trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Điều này cũng phần nào phản ánh trên kết quả sản xuất kinh doanh của VNPT, MobiFone và Viettel.
Trong báo cáo tổng kết cuối năm 2016 của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), các nhà mạng lớn gồm VNPT, MobiFone và Viettel đều cho biết đã hoàn thành kế hoạch đề ra của năm 2016. Tuy nhiên, bức tranh tăng trưởng lợi nhuận lại hoàn toàn khác nhau.
Cụ thể, năm 2016, Viettel đạt lợi nhuận trước thuế 43.200 tỷ đồng, giảm 2.600 tỷ đồng so với năm 2015. Cũng trong hoàn cảnh tương tự, năm 2016, MobiFone đạt lợi nhuận trước thuế 5.204 tỷ đồng, giảm 2.191 tỷ đồng so với năm trước.
|
Năm 2016, VNPT là doanh nghiệp viễn thông duy nhất giữ được mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%. |
Trong khi đó, ở một bức tranh hoàn toàn ngược lại, lợi nhuận của VNPT đạt 4.380 tỷ đồng, tăng khoảng 900 tỷ, tương đương tăng hơn 20% so với năm 2015. Không chỉ vậy, đây là năm thứ 3 liên tiếp VNPT giữ được mức tăng trưởng lợi nhuận năm sau so với năm trước trên 20%. Nếu so giữa giai đoạn trước tái cấu trúc (2013) thì lợi nhuận của VNPT năm 2016 đã tăng gần gấp đôi. Đây là một con số ấn tượng với VNPT. Nó minh chứng cho thành công của việc tái cấu trúc toàn diện Tập đoàn này.
Tuy nhiên, trong một khía cạnh khác, việc sụt giảm khá mạnh lợi nhuận của Viettel và MobiFone cũng là điều cần được phân tích, tránh đi vào vết xe đổ của các doanh nghiệp nhà nước nói chung, đó là khi phát triển lớn thì trở nên chủ quan, tự mãn, lỏng trong quản lý dẫn tới giảm hiệu quả.
Đặc biệt năm 2016, sau nhiều năm Viettel đã đẩy mạnh ra thị trường viễn thông quốc tế để tìm kiếm nguồn thu mới, thì đây là năm dự báo sẽ có mức lỗ khá "khủng" từ thị trường quốc tế của nhà mạng này.
Tăng trưởng chỉ dành cho nhà mạng phát triển vì khách hàng
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường dịch vụ viễn thông năm 2017 rơi vào bão hòa sâu, việc cạnh tranh giữa các nhà mạng để phát triển thuê bao và tăng thị phần sẽ ngày càng khốc liệt. Đặc biệt trong bối cảnh Bộ TT&TT siết chặt quản lý thông tin thuê bao trả trước, ngăn chặn SIM “rác” quyết liệt trong thời gian vừa ra thì để giữ chân được khách hàng cũ và phát triển được thuê bao mới chỉ còn cách buộc nhà mạng phải nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Đây chính là lợi thế để các nhà mạng tạo dựng được niềm tin đối với khách hàng, là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp viễn thông hiện nay và sau này.
|
Ngày 28/10/2016, 5 doanh nghiệp gồm VNPT, Vietnamobile, Viettel, MobiFone và Gtel. |
Ngày 28/10/2016, 5 doanh nghiệp gồm VNPT, Vietnamobile, Viettel, MobiFone và Gtel đã ký cam kết với Bộ TT&TT thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên hệ thống.
“Khi chính sách của Bộ TT&TT quản lý chặt chẽ hơn việc đăng ký thông tin thuê bao trả trước, SIM rác...thì chỉ nhà mạng nào có thực lực đem lại được chất lượng, đem lại được sự hài lòng khách hàng thì nhà mạng đó sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh hết sức quyết liệt hiện nay”, Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long khẳng định tại Hội nghị triển khai kế năm 2017 của Tập đoàn này diễn ra sáng 27/2017.
Đây được coi là mục tiêu quan trọng đã được VNPT bền bỉ thực hiện từ năm 2016 và kết quả là đến hết năm 2016, VinaPhone đã phát triển được 6,5 triệu thuê bao di động thực tăng phát sinh cước và phát triển 6 triệu thuê bao Internet băng rộng cáp quang, tới thời điểm này, hàng tuần VNPT có khoảng 40 nghìn thuê bao cáp quang mới. Điều này chứng tỏ niềm tin của khách hàng đã quay lại với VNPT.
Năm 2017, VNPT tiếp tục kiên định đi theo mục tiêu lấy khách hàng làm trọng tâm. VNPT đặt mục tiêu nỗ lực trở thành nhà mạng đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng theo ba chỉ tiêu: Tiên phong trong việc triển khai công nghệ mới, dịch vụ mới; Nhà cung cấp có chất lượng mạng, dịch vụ tốt nhất; Nhà cung cấp có chất lượng phục vụ tốt nhất.
Theo B.H/VnMedia