Theo kế hoạch, còn khoảng một tuần nữa học sinh Hà Nội sẽ bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2021. Tuy nhiên, sáng 31/1, để đảm bảo cho sự an toàn của học sinh, UBND TP. Hà Nội đồng ý cho học sinh nghỉ học từ ngày 1/2.
Nhận được thông tin, chị Hồ Mai Loan (32 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) vừa mừng, vừa lo.
“Từ đêm 30/1, khi đọc được tin ca dương tính xuất hiện trong trường học, cả nhà thấp thỏm không yên. Hai vợ chồng tôi bàn nhau nếu có thêm ca nhiễm mới sẽ xin cho con nghỉ học ở nhà để đảm bảo an toàn. Tới nay thì thành phố đã quyết định cho toàn bộ học sinh nghỉ học”.
Mặc dù yên tâm hơn, nhưng cả hai vợ chồng chị Loan lại phải tức tốc gọi điện nhờ “cứu trợ” từ bà nội, do cô giúp việc đã xin nghỉ về quê ăn Tết từ 3 hôm trước.
“Không có người giúp, cả hai vợ chồng rất khó bố trí việc chăm con. Nhưng dịch bệnh phức tạp, bà nội cũng khó di chuyển từ quê lên Hà Nội. Vì thế, tôi đang tính xin nghỉ làm từ tuần tới để ở nhà trông con, vừa có thời gian chuẩn bị lễ Tết. Đây có lẽ là phương án khả thi nhất”, bà mẹ làm trong lĩnh vực tổ chức sự kiện nói.
Chị Loan cho biết thêm, ở khu chung cư nơi chị đang sinh sống, nhiều phụ huynh cũng đang “náo loạn” vì không biết nên gửi con ở đâu khi vẫn phải đi làm gần 10 ngày nữa mới được nghỉ Tết.
Trẻ cắm trại tại nhà để thay đổi không khí trong những ngày nghỉ dịch
Không thể nghỉ việc để ở nhà chăm con, nhưng chị Lê Ánh Minh (Khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai) cũng không mấy lo lắng. Chị cho rằng, “mùa Covid thứ hai này” cả hai vợ chồng đều bớt bị động hơn, do cậu con trai học lớp 3 và cô con gái 5 tuổi đã có thể tự trông nhau.
“Nghe tin bọn trẻ được nghỉ học, cả nhà lại ngay lập tức “bật công tắc” trở về thói quen cũ như đợt dịch Covid-19 thời gian trước. Bố mẹ vẫn đi làm, còn anh trai sẽ ở nhà trông em. Buổi sáng, mẹ sẽ chuẩn bị sẵn thức ăn để hai anh em có thể tự lấy ra, cho vào lò vi sóng hâm lại”.
Để đảm bảo an toàn, chị Minh thường xuyên dặn dò các con những lưu ý cần thiết khi sử dụng thiết bị điện. Bên cạnh đó, vợ chồng chị đã lắp thêm camera để quan sát các con từ xa và gọi điện nhắc nhở khi cần thiết.
“Tôi cho rằng phụ huynh không nên quá lo lắng trong tình huống này. Với trẻ lớn, cha mẹ có thể giao nhiệm vụ cho các con, ví dụ để con tự học trực tuyến ở nhà hoặc chơi với em, đồng thời có thêm một số hình thức động viên, khen thưởng kịp thời, khiến trẻ cảm thấy mình có trách nhiệm hơn”, chị Minh nói.
Phụ huynh chơi với con trong ngày nghỉ dịch
Nhà tại phường Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) - nơi có học sinh dương tính với Covid-19, chị Mai Lan đã lên phương án gửi con về quê cho ông bà chăm.
“Con được nghỉ học giai đoạn này là điều tốt, nhưng bố mẹ vẫn phải đi làm, không có ai chăm. Tôi định đưa con về quê với ông bà nội, đồng thời mua thêm một chiếc máy tính xách tay để con có thể học online”.
Việc để trẻ nghỉ học, phòng dịch bệnh cũng được anh Mai Anh Tú (Long Biên, Hà Nội) ủng hộ, nhưng điều này lại khiến cả hai vợ chồng anh rơi vào tình thế “quá cập rập”.
“Tôi đang cân nhắc để con ở lại Hà Nội, đồng thời theo dõi thêm tình hình dịch bệnh, nếu được kiểm soát sẽ đưa con về quê khi bố mẹ được nghỉ làm.
Phương án thứ hai là nhờ người nhà đi xe riêng từ Vinh ra để đón hai cháu về trước, do sử dụng phương tiện công cộng trong giai đoạn này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nhưng nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, rất có thể bố mẹ sẽ phải ăn Tết một nơi, con lại ở một nơi”.
Theo anh Tú, trong nhóm cư dân tầng chung cư nơi anh sinh sống, có phụ huynh đang đưa ra gợi ý nên thuê một người giúp việc của tầng để chăm sóc cho toàn bộ trẻ vào tuần sát Tết để bố mẹ yên tâm đi làm.
Theo Thúy Nga/Vietnamnet