'Mùng 3 Tết thầy' trong tâm thức du học sinh Việt tại châu Âu

Google News

Người Việt có câu “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” nhằm tỏ lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và tri ân thầy cô giáo.

Dù Tết này đang ở xa Việt Nam nhưng Đỗ Minh Phương - du học sinh học chương trình Thạc sỹ tại trường Đại học Bristol tại Vương quốc Anh vẫn không quên câu nói ấy. Với Phương, để có được cơ hội học tập lại “biển lớn” như hôm nay là do cô may mắn có những người thầy giỏi.
'Mung 3 Tet thay' trong tam thuc du hoc sinh Viet tai chau Au
Đỗ Minh Phương - du học sinh tại Anh 
“Năm mới là một dịp để mình gửi gắm những lời chúc tốt đẹp nhất đến những người mình yêu quý, trong đó có các thầy cô đã có công dạy dỗ mình.
Không về Việt Nam ăn Tết Nguyên đán được nên năm nay mình không đến chúc Tết các thầy cô được, mình sẽ gửi lời chúc mừng năm mới và lời cảm ơn chân thành nhất đến những người thầy.
Mình may mắn được học những người thầy rất giỏi, quan tâm và thương yêu học trò. Vậy nên cho đến bây giờ, mình vẫn còn giữ liên lạc với những thầy cô dạy mình từ cấp hai, cấp ba hay đại học, từ những thầy cô dạy ở trường cho đến lớp học thêm. Đó cũng chính là những người đã giúp đỡ mình trong quá trình học tập, làm việc và nộp hồ sơ học bổng sau này”, Minh Phương nói.
Phương kể, khi còn ở Việt Nam, mùng 3 Tết sẽ là ngày để cô và các bạn đi chúc tết thầy cô giáo, bày tỏ sự biết ơn đến những người đã dạy dỗ, truyền thụ kiến thức, người lái đò đưa cô đến bến bờ của tri thức và sự thành công.
Ngày mùng 3 Tết thầy luôn gợi nhắc nữ du học sinh này đến truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. “Em nghĩ rằng hiện nay đời sống vật chất của chúng ta ngày càng tốt hơn nên mọi người sống với nhau tình cảm hơn và dù ở thời nào, đạo lý kính thầy cần củng cố, lưu truyền và khẳng định là truyền thống tốt đẹp”, Minh Phương nói.
'Mung 3 Tet thay' trong tam thuc du hoc sinh Viet tai chau Au-Hinh-2
Ngô Hoài Phương - du học sinh Việt tại Ý 
Còn Ngô Hoài Phương (SN 2002, du học sinh Việt tại Ý) nhớ lại mùng 3 Tết năm ngoái nữ sinh này và các bạn đã rủ nhau sang nhà cô chủ nhiệm thời cấp 3 để chúc Tết.
“Đó cũng là khoảng thời gian dài kể từ khi bọn em ra trường mới gặp lại cô nên rất vui và bất ngờ nữa. Năm mới, mọi người cùng ngồi ôn lại về những kỷ niệm ngày còn học cấp 3, những kỉ niệm tuổi học trò mà có đi đâu, làm gì cũng chẳng thể quên nổi”, Hoài Phương kể.
Trong ký ức của nữ du học sinh này thì cô giáo chủ nhiệm cấp 3 là một giáo viên rất tuyệt vời, cô rất tâm lí với học sinh và cũng tâm huyết với nghề. Có lẽ vì thế nên ngay cả những học sinh nghịch ngợm trong lớp cũng bị sự chân thành, quan tâm của cô làm cho thay đổi.
“Em nhớ nhất là đợt cuối năm lớp 12, chúng em đã lên kế hoạch có tổ chức sinh nhật cho cô, vì là tổ chức bí mật nên chúng em cố trang trí trước tiết cô nhưng không kịp. Vì thế nên em cùng vài bạn nữa đã phải xuống phòng cô để “câu giờ” ngăn cô lên lớp.
Hôm đó chúng em còn tự thiết kế một chiếc băng rôn để tặng cô, hôm đó trời mưa nhưng bọn em vẫn cầm băng rôn chạy dưới sân trường để cô đứng từ trên lớp có thể nhìn rõ như một cách cảm ơn cô vì suốt mấy năm vất vả vì tụi em”, Hoài Phương nhớ lại.
Năm nay, không ở Việt Nam, không thể tới chúc Tết cô giáo vào mùng 3 như truyền thống nhưng Hoài Phương dự định sẽ gọi điện hoặc nhắn tin chúc mừng những người giáo viên đã tận tụy chắp cho cô đôi cánh tập bay, dạy cho cô những ước mơ cao đẹp để nữ sinh này có thể trưởng thành như hôm nay.
Có lẽ với Minh Phương, Hoài Phương và những du học sinh Việt trên khắp thế giới thì “Tết thầy” dôi khi chỉ là một tin nhắn hay một cuộc gọi cũng thế hiện tấm lòng chân thành tri ân với người dạy dỗ mình nên người.
Theo Hoàng Thanh/Infonet