Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lai Châu đang hoàn chỉnh thủ tục khởi tố điều tra vụ án vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên và điều tra hành vi khai thác vàng trái phép của Lò Văn Ương (SN 1975, trú tại xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ) và các tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Vụ việc được phát hiện khi anh Lò Văn Hại (SN 1993, bản Noong Hẻo 1, xã Noong Hẻo) làm thuê cho Lò Văn Ương tại khu vực khai thác vàng trái phép thuộc bản Phiêng Trạng trượt chân ngã tử vong vào chiều 8/3. Quá trình xác minh vụ việc này, cơ quan công an đã triệu tập Ương.
Tại cơ quan điều tra, Ương khai từ tháng 8/2023, Ương đã cùng 6 người khác góp tiền mua phương tiện, tuyển “phu” lén lút đến khu vực bãi 6, bãi 7 thuộc xã Noong Hẻo lập lán rồi tổ chức đào xới những hầm lò cũ đã từng bị đánh sập để khai thác vàng. Ương và những người tham gia đã thu được số lượng lớn vàng.
|
Ương cùng số vàng khai thác trái phép. |
Đáng chú ý, Ương nhiều lần mang đến bán cho tiệm vàng Tuấn Tuyền ở Thành phố Lai Châu và một số cửa hàng vàng khác thu được số tiền hơn 6 tỷ đồng. Điều tra cũng xác định, từ tháng 9/2023 đến 11/2023, Lò Văn Ương đã nhiều lần đến cửa hàng vàng bạc Tuấn Tuyền để cân, xác định tuổi vàng và bán số vàng khai thác trái phép cho cơ sở này, lần nhiều nhất thu được số tiền trên 700 triệu đồng.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, hành vi khai thác vàng trái phép tại xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ, Lai Châu diễn ra nhiều năm nay và hiện vẫn nhức nhối. Vụ việc trên tiếp tục là căn cứ để các cơ quan chức năng quyết liệt hơn trong việc xử lý các đối tượng khai thác vàng trái phép, lập lại an ninh trật tự an toàn xã hội cho địa phương.
Theo quy định của pháp luật, vàng là là kim loại quý, việc khai thác phải có sự cấp phép của cơ quan nhà nước và phải đảm bảo quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản, phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Đặc biệt, khai thác vàng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao và có nguy cơ phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người lao động. Bởi vậy, công tác quản lý đối với hoạt động khai thác khoáng sản vàng rất quan trọng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương và quản lý loại tài nguyên quý giá.
Đối với hành vi khai thác vàng trái phép, theo luật sư Cường, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 22 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP. Hành vi khai thác tài nguyên trái phép thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tới 7 năm tù theo điều 227 bộ luật hình sự về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đối với đơn vị kinh doanh vàng mà mua và nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ thì cũng bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường cho biết, doanh nghiệp mua vàng nguyên liệu không rõ nguồn gốc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 143/2021/NĐ-CP).
Cụ thể, phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; Thực hiện xuất khẩu hoặc nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật; Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.
Ngoài các mức phạt tiền trên, cá nhân, tổ chức còn có thể chịu thêm các hình thức phạt bổ sung và có trách nhiệm thực hiện các biện pháp khắc phục như sau:
Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu số vàng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, c khoản 8 Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP; Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong thời hạn từ 6 tháng đến 9 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 6 Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.
Ngoài ra, với hành vi mua vàng không rõ nguồn gốc sẽ kéo theo việc không đủ giấy tờ chứng từ để bán ra thị trường, chính vì vậy có thể có dấu hiệu của hành vi trốn thuế. Cơ quan chức năng cần làm rõ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật
>>> Mời độc giả xem thêm video Khai thác khoáng sản 'bỏ quên' lợi ích người dân
Hải Ninh