Mưa to, lũ lên nhanh, hàng ngàn căn nhà ở Bình Định bị ngập sâu

Google News

Nhiều nơi ở Bình Định ngập sâu 1 m, còn tại Quảng Nam, địa phương đang khắc phục sạt lở.

Chiều 29-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân (Bình Định), cho hay đã có hơn 1.500 căn nhà ở địa phương này bị ngập trong nước.
Mua to, lu len nhanh, hang ngan can nha o Binh Dinh bi ngap sau
 

Đáng chú ý là khu vực huyện Hoài Ân tiếp tục có mưa rất to, lũ nhiều vùng đang lên nhanh, dâng cao khiến tình hình rất nguy cấp.
Hàng trăm căn nhà bị ngập sâu 1 m
Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, mưa lớn kéo dài đã gây ngập nặng nhiều xã như Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Tín… của huyện Hoài Ân. Hàng trăm căn nhà bị ngập sâu trong nước gần 1 m.
Mua to, lu len nhanh, hang ngan can nha o Binh Dinh bi ngap sau-Hinh-2
Nhiều căn nhà ở Bình Định bị ngập sâu trong lũ. Ảnh: HỮU KHÚC 
Phần lớn các tuyến giao thông trọng yếu ở Hoài Ân đều bị tê liệt, không thể đi lại do ngập sâu trong nước. Rất nhiều khu dân cư bị cô lập, chia cắt, không thể tiếp cận. Hầu hết đường liên xã, liên thôn đều bị ngập, chia cắt.
Cũng theo chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương đã hỗ trợ sơ tán người dân ở các vùng bị ngập sâu, các điểm có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
“UBND huyện Hoài Ân đã yêu cầu chính quyền các địa phương tổ chức lực lượng ứng trực tại những nơi bị ngập để cảnh báo, không cho người, phương tiện qua lại, đảm bảo an toàn cho người dân” - ông Khúc thông tin.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Khúc, đợt lũ này huyện Hoài Ân có nguy cơ bị ngập nặng do lượng nước từ thượng nguồn đổ về rất lớn. “Chúng tôi đã yêu cầu chính quyền các xã, các lực lượng chức năng khẩn trương kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu, các vùng bị ngập sâu, triển khai các phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn” - ông Khúc nói.
Mua to, lu len nhanh, hang ngan can nha o Binh Dinh bi ngap sau-Hinh-3
Chính quyền huyện Nam Trà My đang tổ chức khắc phục sạt lở để người dân qua lại tạm. Ảnh: THANH NHẬT 
Còn theo văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đến chiều 29-11, nhiều vùng thuộc các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ đã bị ngập do lũ. Nước tràn vào các khu dân cư, gây ngập hàng trăm căn nhà. Nhiều đường tỉnh, đường huyện bị chia cắt khiến giao thông bị ách tắc.
Tại huyện Tuy Phước, nhiều khu dân cư bị ngập sâu hơn 0,5 m. Trong khi đó, nước vẫn tiếp tục chảy xuống rất xiết, người dân không thể đi lại.
Theo ông Trương Tứ, Chủ tịch UBND huyện An Lão, đến nay vẫn chưa thể khắc phục đoạn sạt lở trên đường từ xã An Trung đến xã An Vinh do mưa lớn kéo dài.
Nhiều tuyến đường bị sạt lở
Sáng 29-11, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) tiếp tục ghi nhận lượng mưa lớn, một số khu vực, tuyến đường xảy ra sạt lở, ngập sâu, người dân băng dòng nước chảy xiết về nhà.
Mưa lớn, nước từ sông Leng tràn về gây sạt lở mố cầu bê tông dẫn vào làng tái định cư Bằng La (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My). Hiện nay, chính quyền địa phương đã cho rào chắn, nghiêm cấm người qua lại.
“Vào tuần trước, mố cầu này bị sạt lở lớn, huyện đã cho bố trí đất khắc phục tạm thời để bà con qua lại làng Bằng La” - một người dân nói.
Mưa lớn làm tuyến đường Trà Linh - Măng Lùng sáng nay cũng bị sạt lở. Sáng nay, lượng mưa vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Trên tuyến quốc lộ 40B, tại Km62+378 đoạn ngầm Sông Trường nước ngập sâu hơn 1,5 m; Km62+880 đoạn ngầm Nước Oa nước ngập hơn 0,7 m, giao thông ách tắc. Đoạn Km110+550 đến Km110+620 sạt lở taluy dương, đất chảy tràn mặt đường, xe qua lại khó khăn, đơn vị tiến hành khắc phục.
Ngoài ra, tuyến quốc lộ 40B tại xã Trà Giác lên Nam Trà My, xã Trà Dơn lên Trà Mai cũng bị sạt lở.
Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất
Chiều 29-11, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã phát thông báo khẩn, cảnh báo:
Trong 3-6 giờ tới, lũ trên các sông ở Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận tiếp tục lên, sau đó có dao động.
Trong 6-12 giờ tiếp theo, lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai tiếp tục lên; riêng lũ trên sông Vệ (Quảng Ngãi) và sông Kôn (Bình Định) lên trên mức báo động (BĐ) 3 0,6-0,8 m.
Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai có dao động ở mức BĐ 1-BĐ 2, có sông trên BĐ 2, riêng sông Vệ và sông Kôn dao động trên mức BĐ 3; các sông ở Khánh Hòa và Ninh Thuận xuống chậm ở mức BĐ 1 và trên BĐ 1.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo: Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên.
Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2.

Theo PLO