Hơn 4.700 hộ bị chia cắt
Ngày 1/12, báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, từ ngày 27/11 đến 30/12, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và Tây Nguyên có mưa phổ biến từ 300-500mm. Trong 2 ngày 29/11 và 30/11, khu vực từ Quảng Nam đến Ninh Thuận và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 150-300mm. Đêm 30/11, khu vực từ Quảng Nam đến Ninh Thuận có mưa nhỏ, mưa vừa, lượng mưa phổ biến dưới 40mm, riêng tại Trà Giác (Quảng Nam) là 64mm.
Ngày 1/12, khu vực Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, và khu vực Nam Tây Nguyên có mưa rào và dông rải rác, cục bộ. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
|
Cứu hộ người dân tại Bình Định (Ảnh: Báo Bình Định). |
Báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum thiệt hại do mưa lũ đến 6h sáng ngày 1/12 cho biết, có10 người chết và mất tích do mưa lũ (Bình Định 3 người, Phú Yên 6 người, Kon Tum 1 người), tăng 2 người tại Bình Định, 6 người tại Phú Yên).
Mưa lũ đã gây ngập, sạt lở gây ách ách tắc các tuyến đường Quốc lộ 14H, 40B, Đông Trường Sơn (Quảng Nam); Quốc Lộ 24, 24C (Quảng Ngãi); Quốc lộ 1 (tuyến tránh An Nhơn, Bình Định); Quốc lộ 19C, 25, 27, 29 (Phú Yên) và một số tuyến tỉnh lộ, giao thông nông thôn.
Hơn 641 ha lúa bị thiệt hại (Bình Định 176, Phú Yên 455, Đắk Lăk 10); 416.5 ha hoa màu bị thiệt hại (Quảng Nam 228, Quảng Ngãi 26,5, Bình Định 72, Phú Yên 90); 2.858 gia cầm (Bình Định 1.250, Phú Yên 1.608) và 1.540m kè và 17.143m kênh mương hư hỏng (Bình Định), 9.310m bờ sông, bờ suối bị sạt lở (Bình Định 5.410m, Quảng Ngãi 3.900m).
Tính đến 6h30 sáng ngày 1/12/2021, có đến 59.739 nhà bị ngập (Bình Định 31.100, Phú Yên 28.639), 4.704 hộ bị chia cắt (Tuy An, Phú Yên) có nơi ngập sâu từ 1-2m. Hơn 6000 hộ dân phải sơ tán (Quảng Nam 53, Bình Định 439, Phú Yên 5.517, Khánh Hòa 21).
Báo cáo tại cuộc họp ứng phó với mưa lũ miền Trung của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai sáng 1/12, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết đợt mưa lớn tại miền Trung sẽ kết thúc trong hôm nay (1/12).
Không thể cứ mưa lũ thì "bồng bế" nhau lên non
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan nhận định đợt mưa vừa qua kéo dài nhiều ngày gây ngập lụt ở nhiều nơi, vượt quá sức chịu đựng của người dân. Đồng thời chỉ đạo dù tình hình lũ đang xuống nhưng địa phương cần chủ động, không lơ là.
“Cho đến giờ đất đai, núi đồi đã tích nhiều nước, từ người dân đến chính quyền đã mệt mỏi. Chỉ cần một bất cẩn nhỏ thôi cũng có thể xảy ra những điều đáng tiếc.”, ông Hoan nói.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai nói rằng, những ngày tới, người dân, chính quyền địa phương sẽ bắt tay vào dọn dẹp, khôi phục sản xuất sau mưa lũ và yêu cầu ngành chức năng phối hợp với từng địa phương, sớm đưa cuộc sống của người dân bình thường trở lại.
|
Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai họp sáng 1/12 |
“Các địa phương từ thượng nguồn đến vùng hạ du cần chủ động đưa cuộc sống của người dân trở lại điều kiện bình thường một cách sớm nhất. Người dân đang rất khẩn trương để chuẩn bị bước vào mùa vụ mới, khôi phục sản xuất, chăn nuôi sau mưa lũ và chuẩn bị kinh tế để đón Tết. Do đó, địa phương chủ động thống kê mọi thiệt hại một cách đầy đủ, kịp thời, các vấn đề về thiếu giống cây trồng cần báo cáo lại về Bộ để được hỗ trợ. Đó không chỉ là công tác phòng, chống thiên tai mà còn là sự chuẩn bị cho bà con nông dân được đón tết cổ truyền dân tộc một cách tươm tất nhất”, ông Lê Minh Hoan nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu Tổng cục Phòng, chống thiên tai phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đưa chuyển đổi số vào công tác phòng, chống thiên tai, qua đó có thể nắm bắt được tình hình mưa lũ sớm và cụ thể hơn.
“Nếu chỉ dự báo mực nước lũ cao nhiêu milimet, người dân sẽ rất khó hình dung. Vừa qua, các tỉnh ĐBSCL áp dụng chuyển đổi số, chỉ trong 6 ngày ảnh vệ tinh đã có thể quét ra trà lúa phát triển như nào. Thế nên chúng ta cần ứng dụng công nghệ thông tin một cách mạnh mẽ hơn”, ông Hoan nhấn mạnh.
Nhắc lại câu nói của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Thủ tướng Chính phủ) khi phát biểu về sự chủ động, dự báo, quy hoạch hệ thống trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2020: “Chúng ta không thể cứ mưa lũ thì "bồng bế" nhau lên non”, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, cần có kế hoạch để quy hoạch lại không gian sản xuất, không gian ở của người dân khu vực thường xuyên ngập lụt nhằm thích ứng với thiên tai trong thời gian dài.
"Trận lũ vừa qua là cơ sở để địa phương, ngành chức năng nhìn nhận những vấn đề trong công tác ứng phó với mưa lũ ở miền Trung và chuẩn bị cho việc đánh giá, đưa ra chiến lược dài hạn ứng phó thiên tai, ban hành chủ trương tạm gọi là sống chung với lũ", ông Hoan nêu ý kiến chỉ đạo.
Tối 30/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 1659 về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Công điện nêu rõ, trong những ngày qua tại khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã liên tiếp xảy ra mưa lớn kéo dài; nhiều nơi đã xảy ra ngập lụt sâu, sạt lở đường, gây chia cắt giao thông, một số người dân đã bị nạn do lũ cuốn, hàng chục nghìn hộ dân bị ảnh hưởng do ngập lụt. Đặc biệt, các tỉnh Bình Định, Phú Yên đã xảy ra ngập lụt sâu trên diện rộng.
Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do thiên tai, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng lũ.
Trong những ngày tới, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất có thể còn tiếp tục xảy ra, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả và khắc phục hậu quả mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
>>> Mời độc giả xem thêm video Toàn cảnh ngập lụt do mưa lũ ở Hà Nội:
Hải Ninh