Mưa lũ gây thiệt hại khủng khiếp: Học sinh Nha Trang buộc phải nghỉ học

Google News

(Kiến Thức) - Mưa lũ đã và đang gây những hậu quả nghiêm trọng tại tỉnh Khánh Hòa khi có đến 12 người được xác định đã chết. Hiện công tác khắc phục mưa lũ đang được khẩn trương tiến hành.

Mưa lũ gây thiệt hại khủng khiếp ở thành phố Nha Trang
Thông tin mới nhất liên quan tình hình thiệt hại do mưa lũ ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, chiều 18/11, Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống Thiên tai có thông cáo báo chí cho biết, do ảnh hưởng của mưa bão số 8, tại các tỉnh Khánh Hòa đến Bình Thuận đã có mưa to đến rất to.
Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống Thiên tai cho biết, đến 16h ngày 18/11, mưa lũ ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã làm 9 người chết, 04 người mất tích, cụ thể: Phường Vĩnh Thọ: 2 người chết, Phường Vĩnh Trường 1 người chết, 1 người mất tích, Xã Phước Đồng: 4 người chết và 2 người mất tích, Phường Vĩnh Hóa: 2 người chết, 1 người mất tích.
Chiều ngày 18/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – Đào Công Thiên đã trực tiếp đến làm việc với UBND thành phố Nha Trang và các ngành chức năng của tỉnh, chỉ đạo triển khai các công tác ứng phó và khắc phục hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của đợt mưa lớn.
Mua lu gay thiet hai khung khiep: Hoc sinh Nha Trang buoc phai nghi hoc
 Mưa lũ khiến 12 người tử vong tại Nha Trang.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Nha Trang cho biết do, áp thấp nhiệt đới do bão số 8 suy yếu, đã gây trận mưa lớn và kéo dài từ tối ngày 17 đến sáng 18/11, với tổng lượng mưa 380mm, trong đó chỉ trong 3 giờ (từ 6 giờ đến 9 giờ sáng 18/11, lượng mưa đo được lên đến 235mm), đã khiến hệ thống thoát nước của thành phố không đáp ứng, gây ngập nhiều nơi; đồng thời nhiều điểm dân cư xảy ra sạt lở, hư hỏng công trình, khiến 12 người chết, 6 người bị thương và 2 người đang mất tích.
Ngay sáng 18/11, thành phố Nha Trang đã huy động 400 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị Trường Sĩ quan Thông tin, Trường Không quân, Học viện Hải quân… cùng với các ngành chức năng của tỉnh và thành phố triển công tác ứng cứu tại các điểm sạt lở, tìm kiếm người bị vùi lấp, mất tích và đưa người bị thương đi cấp cứu. Đồng thời thành phố Nha Trang đã di dời khẩn cấp 250 hộ với 1.400 nhân khẩu tại khu vực chùa Lâm Tỳ Ni đến nơi an toàn tránh trú.
Bên cạnh đó, sau những vụ sạt lở, sập nhà nghiêm trọng vừa xảy ra vào sáng 18/11 do mưa bão, hiện tại tất cả nạn nhân bị thương đang được chăm sóc và điều trị tích cực tại các bệnh viện, cơ sở y tế trong tỉnh Khánh Hòa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – Đào Công Thiên cho biết, do mưa lớn, nhiều trường học trên địa bàn TP. Nha Trang bị hư hỏng, ngập lụt; các tuyến đường bị ngập lụt cục bộ, giao thông một số tuyến đường bị tê liệt; nhiều hộ dân bị thiệt hại, sập nhà. Cùng với đó dự báo thời tiết còn diễn biến phức tạp.
Do vậy, ông Đào Công Thiên chỉ đạo, để bảo đảm an toàn cho hoc sinh, các trường có thời gian dọn dẹp, khắc phục sự cố hư hỏng, ngập lụt, toàn bộ học sinh các trường học trên địa bàn TP. Nha Trang tạm thời nghỉ học trong ngày 19/11.
Thủ tướng Chính phủ chia buồn cùng các nạn nhân mưa lũ
Chiều 18/11, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 8. Công điện do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký thay Thủ tướng Chính phủ.
Theo nội dung công điện, do ảnh hưởng của Bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, hôm nay (ngày 18/11), trên địa bàn các tỉnh Nam Trung Bộ đã xảy ra mưa lớn gây sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân, đặc biệt là tại tỉnh Khánh Hòa. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng, chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào, chính quyền các địa phương.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa và các địa phương khác ở khu vực Nam Trung Bộ tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ.
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng chân trên địa bàn tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ lực lượng, phương tiện cho địa phương khi có yêu cầu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo rà soát, kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa lũ; thường xuyên cập nhật thông tin để nhân dân biết chủ động phòng, tránh.
Mua lu gay thiet hai khung khiep: Hoc sinh Nha Trang buoc phai nghi hoc-Hinh-2
 
Các Bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai ngay các phương án đối phó với mưa lũ; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.
Khẩn cấp ứng phó với hoàn lưu bão số 8
Chiều ngày 18/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã có công điện số 57/CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và các cơ quan chức năng yêu cầu khẩn trương ứng phó, khắc phục hậu quả.
Theo nội dung công điện, để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại về người và tài sản, khẩn trương khắc phục hậu quả, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, các Bộ, ngành khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Phân công lãnh đạo, tăng cường cán bộ xuống các địa bàn trọng điểm để huy động các lực lượng tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ rủi ro cao về lũ quét, sạt lở đất, càn trở dòng chảy, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn, đặc biệt khu vực đang và sẽ có mưa lớn, sạt lở đất.
Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất; tăng cường thông tin truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là ở tuyến cơ sở để người dân biết, chủ động ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan như đã xảy ra trong quá trình chỉ đạo ứng phó với bão số 12 năm 2017 tại Nha Trang.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục thủy lợi), Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương, chủ hồ chứa vận hành hồ chứa theo quy trình; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa nước; kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn hồ và hạ du.
Bên cạnh đó, thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng trên sông, ven sông, các chủ phương tiện, tàu thuyền vận tải thuỷ và chủ các khu vực khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Riêng đối với tỉnh Khánh Hòa: Khẩn trương huy động các lực lượng, phương tiện tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ gia đình có người bị nạn, cứu chữa người bị thương; khắc phục khẩn trương các điểm bị sạt lở, ngập úng để sớm ổn định đời sống nhân dân.
Tổ chức lực lượng, phân luồng, hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Hải Ninh