Mới đây, phản ánh đến Báo Tri thức và Cuộc sống, nhiều người dân xã An Thượng (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cho biết, tại khu dân cư số 1 đang diễn ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp (đất 03) và một phần đất công điền.
Dân mua bán đất nông nghiệp, công điền… xã không biết
Việc mua bán chưa thực hiện bất cứ quy trình thủ tục pháp lý nào tại địa phương mà chỉ tạm ứng tiền đất giữa người mua và bán. Trong khi đó, người mua đã san gạt đất, xây nhà, làm vườn, cải tạo lại ao khiến dư luận địa phương lùm xùm.
|
Công trình được xây dựng trên đất nông nghiệp và đất công điền mua của hai hộ dân. |
Tìm hiểu thực tế của PV cho thấy, phản ánh của người dân về tình trạng mua bán đất nông nghiệp, công điền tại khu vực đầm bãi 2A, khu dân cư số 1, xã An Thượng là có cơ sở.
Bà Vũ Thị Sau, người dân khu dân cư số 1, xã An Thượng cũng là người vừa bán hơn 900m2 đất nông nghiệp tại khu vực trên cho một người phụ nữ tên Huyền (hiện đang trú tại thành phố Hải Dương) với giá hơn 500 triệu đồng và hiện người mua đã trả gần hết.
“Diện tích đó là đất nông nghiệp (đất diện 03), trước đây, gia đình tôi chuyển từ ruộng ra ngoài đấy làm ao. Khi hộ nhà ông Hán bán diện tích đất kế bên, cho chị Huyền, gia đình tôi cũng bán. Bởi ông Hán bán, còn mỗi mình nhà tôi ở giữa nên tôi cũng bán đất. Sau khi đất gia đình tôi và nhà ông Hán, chị Huyền san gạt ra thành vườn và xây dựng công trình nhà cấp 4”- bà Sau cho biết.
|
Công trình hiện đang được hoàn thiện. |
Ông Hán, người dân khu dân cư số 1 cũng thừa nhận đã bán diện tích đất nông nghiệp hàng nghìn m2 cho người phụ nữ tên và hiện đã nhận của người này gần 900 triệu đồng.
Dù người dân cho biết đã bán diện tích đất nông nghiệp trên. Tuy nhiên, khi trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Bích, cán bộ địa chính xã An Thượng lại cho biết, hiện xã chưa nắm được do người mua và người bán chưa làm thủ tục chuyển đổi tại xã.
“Tôi không biết bà Huyền là ai do hiện chưa làm thủ tục chuyển đổi, chuyển quyền gì cả. Hiện vẫn là hai hộ gia đình ông Hán và bà Sau đứng làm thủ tục” - ông Bích nói.
Theo cán bộ địa chính xã An Thượng, diện tích của hộ ông Hán có hai loại gồm đất công điền gần 2.000m2 nhận thầu của UBND xã ở phía gần đê, trước đây là cái đầm và diện tích nông nghiệp trồng cây lâu năm gần 1.000m2 ở phía trong. Hộ gia đình bà Vũ Thị Sau cũng có diện tích đất nông nghiệp 900 m2 tại khu vực này. Năm 1994, UBND xã ký hợp đồng và 5 năm một lần. Người dân chỉ được phép làm nhà trông coi, nuôi trồng thủy sản và làm chuồng trại. Với diện tích làm nhà tạm không quá 20m2.
|
Phía trước nhà, ao cũng được kè và làm hàng rào. |
Xây nhà kiểu… “lách luật”
Ghi nhận thực tế của PV, sau vụ mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp trên diễn ra. Tại khu vực diện tích đất hai hộ dân là bà Vũ Thị Sau và hộ nhà ông Hán, người mua đã xây dựng nhà cấp bốn, san gạt một khoảng đất rộng và xây tường bao quanh. Khu vực ao trước cũng được cải tạo xây dựng kè, hàng rào.
Theo quy định, công trình nhà lán tạm trên đất chuyển đổi không được vượt quá 20m2. Tuy nhiên, để “lách luật”, người mua diện tích đất nông nghiệp trên đã xây dựng hai công trình sát nhau với tổng diện tích hơn 40 m2.
Ông Nguyễn Văn Bích, cán bộ địa chính xã An Thượng cho biết, công trình đó gồm hai nhà. Hộ ông Hán xây dựng một nhà diện tích 20m2, hộ bà Sau cũng xây dựng một nhà diện tích 20m2 và hai nhà liền nhau. Vị cán bộ địa chính này khẳng định, hai hộ ông Hán và bà Sau đều có đơn xin sửa chữa lại lán trại. “Do đất chuyển đổi nên theo quy định họ được xây dựng dựng 20 m2”- ông Bích nói.
|
Một diện tích lớn được san lấp. |
Tuy nhiên, khi trao đổi với PV, bà Vũ Thị Sau cho biết: “Việc xây dựng công trình đó của chị Huyền. Tôi bán rồi nên xây nhà làm gì”.
Ông Phùng Văn Hưởng, Trưởng khu dân cư số 1, xã An Thượng cho biết, diện tích đất mà ông Hán và bà Sau bán cho chị Huyền có cả đất nông nghiệp và đất công điền.
“Việc người mua đất hộ gia đình nhà bà Sau và hộ ông Hán, sau đó san gạt, xây dựng quá diện tích cho phép, tôi có báo cáo với Phó Chủ tịch xã An Thượng. Trên diện tích đất nhà ông Hán, bà Sau vốn là hai lốt đất khác nhau, chủ mới mua lại xây hai nhà nhưng lại liền một khối và vòng về phía sau nữa thành một công trình. Toàn bộ hệ thống ao họ cũng xây dựng kè lại và tường bao xung quanh khu đất” - ông Hưởng cho biết.
|
Hiện trường sự việc. |
Để làm rõ việc mua bán, chuyển nhượng và xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và đất công điền như phản ánh trên của người dân, PV đã đến liên hệ làm việc với ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch UBND xã An Thượng. Tuy nhiên, ông Thắng yêu cầu PV để lại câu hỏi và sẽ trả lời sau.
PV Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin.
Một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định Luật đất đai 2013 là hành vi sử dụng đất sai mục đích.
Theo đó, việc tự ý xây nhà trên đất nông nghiệp là hành vi sử dụng đất sai mục đích, đối với hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP về hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Mức phạt phụ thuộc vào diện tích đất đã chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thanh Hóa: Thầy cúng bị điều tra lừa đảo bán đất:
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.
Tâm Đức