Một đêm trong nhà “đất vàng” 16m2 ở Hà Nội: 70 người chung một nhà vệ sinh

Google News

Chuyển về Hàng Bông năm 2011, cô Ánh mang theo hy vọng đổi đời, trở thành một thị dân phố cổ. Nhưng suốt 13 năm nay, không một đêm nào cô thôi nỗi lo sợ sẽ bị "chôn vùi" trong chính căn nhà của mình.

Mot dem trong nha “dat vang” 16m2 o Ha Noi: 70 nguoi chung mot nha ve sinh
Giữa trưa, cô Nguyễn Ngọc Ánh (55 tuổi) nằm co ro trên chiếc ghế gỗ ở phòng khách. Nhà cô Ánh không có giường, chính xác là không có chỗ nào để kê vừa một chiếc giường tử tế.
Nằm ở tầng 3, tầng cao nhất của khu tập thể Hàng Bông (đoạn ngã tư Hàng Bông giao với Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội) căn nhà rộng 16m2, "có sổ đỏ" theo giới thiệu của gia chủ, từng được định giá lên đến 120 triệu đồng/m2.
"Theo mức giá này, tôi đang sống trong căn nhà tiền tỷ, giữa trung tâm phố cổ một bước ra hồ Gươm. Hồi mới chuyển về đây tôi cũng nghĩ vậy, kỳ vọng một cuộc sống mới khác những ngày ở xa tít ngoại thành. Nhưng chỉ mất vài tháng để tôi nhận ra, thực ra chẳng ai muốn bước chân vào cái bể khổ này", cô Ánh nói.
Nhật ký một đêm trong căn nhà phố cổ 16m2
Cô Ánh về nhà lúc 20h30p.
Để lên được nhà cô Ánh phải đi qua một con ngõ rộng chưa đến 1m. Những năm gần đây, ngõ này hiện đại hơn vì có hệ thống đèn tự động, đi đến đâu, đèn sáng đến đó. Nhưng dù vậy, ánh sáng chỉ giúp người ta nhìn rõ hơn… phía trước là một ma trận.
Hai lần rẽ trái, một lần rẽ phải, lên một đoạn cầu thang ngắn, rồi lên tiếp một đoạn cầu thang dài, rẽ phải lần cuối sẽ đến của nhà cô Ánh. Chủ nhà đã quá quen với việc mọi đồ đạc trong phòng tràn ra tận cửa, đứng từ cửa chính, có thể nhảng một bước chân ngồi gọn trên ghế ở phòng khách.
Mot dem trong nha “dat vang” 16m2 o Ha Noi: 70 nguoi chung mot nha ve sinh-Hinh-2
Lối lên nhà cô Ánh là con ngõ hun hút, kín bưng như địa đạo. Con ngõ chạy dích dắc chia thành 2-3 nhánh, mỗi nhánh lại dẫn lên những dãy nhà xếp chồng lên nhau.
Căn nhà 16m2 được gia đình cô Ánh chia thành ba gác xép, mỗi mặt sàn rộng khoảng 5 ô gạch, chiều ngang chưa đến 2,5m2. Tầng một là phòng khách, bếp, kiêm chỗ ngủ của hai mẹ con. Tầng hai là kho, không ở được "vì đây là cái ao chứa nước mỗi khi trời mưa", cô Ánh tả.
Tầng ba có phòng vệ sinh, một téc nước dung tích 1.000 lít đều là những món đồ chủ cũ đã để lại, chính cô Ánh cũng không biết họ đã vận chuyển vào đây bằng cách nào. Trước đây, khu vực này là nơi ở của bố mẹ cô, nhưng hiện ông bà đã chuyển đi nơi khác nên cũng thành chỗ chứa đồ.
"Từ ngày bố mẹ tôi chuyển đi năm 2019, hai mẹ con tôi chỉ coi căn nhà này là nơi tá túc qua đêm. Cái bếp để mốc, hai tầng trên có khi cả tuần trời không mò lên", cô Ánh cho biết.
Mot dem trong nha “dat vang” 16m2 o Ha Noi: 70 nguoi chung mot nha ve sinh-Hinh-3
Mot dem trong nha “dat vang” 16m2 o Ha Noi: 70 nguoi chung mot nha ve sinh-Hinh-4
Căn nhà 16m2 được chia nhỏ thành 3 gác xép để tận dụng tối đa diện tích.
Không ở nhà nhiều, tối về, cô Ánh chỉ dọn dẹp qua loa rồi sẽ nằm thượt trên ghế đợi con trai tan làm vào lúc 22h. Con trai cô, 31 tuổi, mắc bệnh thiểu năng trí tuệ từ nhỏ, hiện làm bảo vệ ca đêm cho một tòa nhà ở Hàng Bông, thu nhập 2,5 triệu/tháng.
Hai mẹ con mỗi người một chỗ lăn ra ngủ ngay, tranh thủ được lúc nào chợp mắt lúc đó. Cái tĩnh lặng của đêm trong lòng phố cổ, theo lời cô Ánh, thỉnh thoảng lại bị xé nát bởi tiếng còi xe, tiếng dép lê dài loẹt quẹt của ai đó về muộn, tiếng đóng mở cửa, tiếng xối nước ào ào từng đợt từ nhà vệ sinh công cộng.
Khó mà chợp mắt ngủ liền một giấc vì đủ thứ âm thanh hỗn tạp. Nhà ở đây san sát nhau, ai làm gì cũng biết. Có khi nghe tiếng bước chân, cô cũng đoán được đấy là bước chân của ai, vào lúc mấy giờ.
Rất lâu rồi, hai mẹ con cô Ánh không có một giấc ngủ tử tế nhất là khi căn nhà mỗi ngày một xuống cấp, chất lượng nhà ở tạm bợ dưới mức cơ bản. Có đêm đang thiu thiu ngủ, nghe tiếng động mạnh, cô Ánh giật mình tỉnh dậy ôm con vì ám ảnh nỗi lo nhà sập, lo hai mẹ con bị "chôn vùi" trong chính căn nhà của mình, bất cứ khi nào.
"Nếu đêm nào trời mưa thì cả đêm đấy sẽ thức trắng. Nước dột trên mái, thấm qua tường khiến tầng 2, tầng 3 của căn nhà như cái ao chứa nước. Hai mẹ con sẽ căng bạt, lấy khăn, quần áo cũ trải khắp sàn nhà để thấm nước. Nước mưa cứ đầy chậu phải mang đi đổ ngay để hứng đợt mới, nhiều lần tôi bật khóc vì quá mệt mỏi cảnh sống này", cô Ánh kể lại.
Đến khoảng 3h, cô Ánh sẽ nghe thấy tiếng lục đục mở nắp thùng nước, tiếng múc nước, tiếng bác hàng xóm sát vách gọi con: "Dậy mở khóa bơm nước đi", và ngày mới của mẹ con cô cũng bắt đầu.
Nước ở đây khan hiếm, sống giữa nội đô phố cổ mà "khát" nước chẳng kém gì dân vùng cao. 3h là giờ nhà máy bắt đầu bơm nước, vì nhà ở tầng cao nhất, nước chảy rất chậm nên những hộ dân ở tầng 3 của khu tập thể Hàng Bông thường phải dậy ngay khi có nước.
Mất vài tiếng để nước đầy téc 1.000 lít, cô Ánh tắt vòi rồi cũng dậy sửa soạn cho con đi làm. "Dù có cố nằm ngủ cũng khó vì từ 5h thì mọi người đã lục đục dậy. Lại đủ thứ âm thanh hỗn tạp trong cái khu này", cô Ánh thở dài.
Hơn 10 năm sống trong lòng phố cổ, đêm nào với cô cũng là một đêm dài.
70 người dùng chung một nhà vệ sinh xây từ thời Pháp
Khu tập thể Hàng Bông trước đây từng là một khách sạn cao cấp do người Pháp xây dựng. Về sau, khi đất nước mở cửa, toàn bộ khu này được chia làm hai phần, phần trên là sàn nhảy của Tây, bên dưới là hợp tác xã.
Mot dem trong nha “dat vang” 16m2 o Ha Noi: 70 nguoi chung mot nha ve sinh-Hinh-5
Khu tập thể Hàng Bông được mệnh danh là một trong những khu đất đắt đỏ bậc nhất phố cổ khi giá đất mặt đường lên tới 300-400 triệu/m2, đất nhà dân khoảng 110 triệu/m2.
Trải qua gần một thế kỷ, khu tập thể hiện là nơi ở của hơn 10 hộ dân với các phần đất chia cắt không đồng bộ. Người dân sống ở đây thường ở từ đời này qua đời khác. Nhưng đa phần, giờ chỉ còn lại người già vì giới trẻ không ai chịu nổi cảnh sống này.
Toàn khu có gần 70 người nhưng chỉ có một nhà tắm và một nhà vệ sinh từ thời Pháp. Nói là tự hoại nhưng không có chế độ tự động mà phải dội nước. Có người không ý thức, dội bẩn hoặc không dội thì người vào sau phải chịu.
Quy định của khu là mỗi người chỉ được sử dụng nhà vệ sinh 15-20 phút vào buổi sáng và chiều tối. Cứ đến giờ cao điểm, lũ lượt người trong ngõ lại cầm khăn tắm, xà phòng,… đứng trước cửa nhà vệ sinh chờ tới lượt.
Mot dem trong nha “dat vang” 16m2 o Ha Noi: 70 nguoi chung mot nha ve sinh-Hinh-6
Mot dem trong nha “dat vang” 16m2 o Ha Noi: 70 nguoi chung mot nha ve sinh-Hinh-7
Khu vệ sinh xuống cấp trầm trọng, chỉ có một nhà vệ sinh và một nhà tắm cho 10 hộ dân, gần 70 người dùng chung.
"Ngày nào cũng có cãi cọ, người đi lâu, người đi nhanh. Mùa hè muốn tắm sớm hai ba bà phải rủ nhau tắm chung cho tiết kiệm thời gian, có khi phải đến 12h đêm mới được tắm", cô Ánh kể.
Nhà cô Ánh có một nhà vệ sinh riêng nhưng liên tục bị tắc cống. Đi vệ sinh hay tắm giặt không thoát nước được, mỗi lần như thế cô Ánh lại mất vài triệu đồng để thông hút bể phốt, nên có cũng như không.
Ám ảnh đưa người đi cấp cứu vì cầu thang nhỏ
Năm 2019, bố cô Ánh bất ngờ bị tai biến, lúc đó ông đang nằm ở tầng 3. Cô Ánh kể: "Người ông cứng đơ lại, nằm thẳng đuột ở giữa sàn". Cô và mẹ ôm bố đi cấp cứu nhưng cầu thang gác xép nhỏ quá, một người đi còn bị cộc đầu. Dù đổi tư thế nào cũng không thể đưa ông xuống được.
Mot dem trong nha “dat vang” 16m2 o Ha Noi: 70 nguoi chung mot nha ve sinh-Hinh-8
Cầu thang gác xép dựng đứng, bề ngang chưa tới 1m.
Mot dem trong nha “dat vang” 16m2 o Ha Noi: 70 nguoi chung mot nha ve sinh-Hinh-9
Con ngõ "mật đạo" được chia thành nhiều nhánh nhỏ không đồng bộ về kết cấu cũng như diện tích.
"Người tôi run lên bần bần, lóng ngóng, tôi không biết nên làm gì để cứu bố, tôi sợ bố tôi sẽ chết mất. Lúc đó mẹ tôi bình tĩnh hơn đã bảo bế bố về lại chỗ cũ, bà tự làm sơ cứu để người bố giãn ra, nóng lên. Câu đầu tiên ông nói được là "cứu bố", cô Ánh nhớ lại, bật khóc vì cùng cực.
Sau cơn bạo bệnh, bố mẹ cô chuyển về một căn nhà ở Bưởi (Lạc Long Quân, Hà Nội) sinh sống. Hàng ngày, cô Ánh bắt xe buýt về nhà chăm bố mẹ, nấu cơm cho con trai và tắm giặt vệ sinh ở đó. Đến tối cô mới về lại căn nhà ở Hàng Bông chỉ để ngủ.
Hồi mới chuyển về đây, cô Ánh biết dân phố cổ không sướng, nhưng người ta bảo, ở trung tâm có thể hái ra tiền nên cô vẫn nuôi hy vọng đổi đời. Khi đã trở thành một thị dân "có sổ đỏ" ở phố cổ Hà Nội, cô mới hiểu, huyền thoại về sự khổ sở là có thật, và mọi thứ vượt quá sức tưởng tượng của cô.
"Hóa ra, người ta bao đời cố bám rễ ở đây vì họ không thể "thoát" ra được, họ cứ chờ đợi điều gì đó sẽ thay đổi", cô Ánh nói.
Theo Thanh Thúy/Dân Trí