Theo báo PLVN, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) vừa quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Võ Văn Huy (SN 1999, ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử chiếm đoạt tài sản”. Bị hại là bà V.T (SN 1958, ở quận Đống Đa).
Trước đó, ngày 16/6, công an quận Đống Đa nhận được trình báo của bà V.T về việc bị chiếm đoạt 300 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.
|
Huy gửi cho bà T một đường link, yêu cầu nhập thông tin tài khoản để nhận tiền. |
Cũng đưa tin về vụ án, báo Lao động đăng tải: "Theo trình bày của bà T, bà từng rao bán một bức tranh trên mạng. Sau khi rao bán, bà được Huy nhắn tin hỏi mua. Quá trình nói chuyện, Huy nói đang ở nước ngoài và hứa chuyển tiền cho bà T. qua tài khoản ngân hàng. Sau đó, Huy gửi cho bà T. một đường link, yêu cầu nhập
thông tin tài khoản để nhận tiền.
Tin tưởng, bà T đã thực hiện theo lời Huy. Khi nhập xong thông tin tài khoản và mật khẩu, người phụ nữ phát hiện bị chiếm đoạt 300 triệu đồng.
Nhận được trình báo của bà T, Công an đã vào cuộc xác minh, bắt giữ Võ Văn Huy. Tại cơ quan công an, Huy thừa nhận hành vi phạm tội của mình."
Tờ Zing thông tin thêm, đây không phải lần đầu tiên Huy phạm tội. Trước đó, Huy từng nhận án về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC - Bộ Thông tin Truyền thông) khuyến cáo:
Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc mua bán hàng online nở rộ, người dân tìm kiếm thông tin về nhu yếu phẩm thiết yếu, các thông tin liên quan đến khám chữa bệnh qua Internet nhiều hơn, nhiều người gặp khó khăn về tài chính, thậm chí có tâm lý hoang mang… Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, trục lợi qua không gian mạng.
Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an chia sẻ: Sử dụng không gian mạng internet để lừa đảo trong giai đoạn vừa qua cũng diễn ra rất là phức tạp. Trong đó tập trung chủ yếu và các loại hình như qua tin nhắn rác từ các số điện thoại lừa đảo; giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam; nhắn tin lừa trúng thưởng đề nghị nộp một số tiền, để sau đó được nhận phần thưởng…
Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, có tới 80% số người sử dụng điện thoại di động dễ dàng cung cấp thông tin về số điện thoại của mình ở siêu thị, các cửa hàng và đặc biệt là trên các nền tảng bán hàng trực tuyến.
Trong số đó, nhiều người không để ý rằng những thông tin mà họ cung cấp có thể trở thành phương tiện để kẻ lừa đảo lợi dụng, trục lợi. Dễ dàng có được thông tin cá nhân để tiến hành lừa đảo chính là một trong những nguyên nhân của việc bùng phát và không thể kiểm soát được hành vi lừa đảo trên mạng.
>>> Mời quý vị xem thêm video: Mất hết tiền trong tài khoản vì truy cập web lạ
Bảo Anh (tổng hợp)