Mong ước lần đầu cũng là lần cuối của những người vượt nghìn cây số về quê

Google News

Suốt hành trình gian nan của hàng vạn người về quê, ai cũng mệt mỏi. Có người bế con thơ nheo nhóc, quá buồn ngủ mà cả nhà ngã lăn ra giữa đường.

Tại điểm chốt ở chân núi Dũng Quyết (TP Vinh) có gần 1 vạn người đi xe máy về quê Nghệ An và các tỉnh phía Bắc trong vài ngày nay. Chặng đường mà mọi người vừa trải qua là hơn 1.200 km.
Đến được Nghệ An, họ đều trải qua 3 ngày 3 đêm vật lộn trên đường dài.
Thế nhưng hàng nghìn người khác ở các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang… đang còn phải căng mình vượt thêm khoảng 600 km.
Mong uoc lan dau cung la lan cuoi cua nhung nguoi vuot nghin cay so ve que
Nghệ An tổ chức bố trí tiếp đón tất cả người dân về quê khi qua địa phương ở khu vực dưới chân núi Dũng Quyết. Ảnh: Quốc Huy 
Ngã xe máy vì quá buồn ngủ
Ngồi nghỉ chân ở nhà bạt, chị Trương Thị Mai (SN 1997), trú tại xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc) kể lại hành trình vượt hơn 1.000 km của gia đình. Vợ chồng chị cùng con gái nhỏ 3 tuổi đi suốt 3 ngày đêm mới về đến cầu Bến Thủy.
Chị bảo, vợ chồng cùng con gái vào Bình Dương làm phụ hồ được hơn 1 tháng thì dịch bùng phát. Chị Mai và gia đình đi cách ly. Trong thời gian này, chị Mai được chính quyền hỗ trợ tất cả các chi phí ăn uống và xét nghiệm.
Mong uoc lan dau cung la lan cuoi cua nhung nguoi vuot nghin cay so ve que-Hinh-2
Hai mẹ con chị Trương Thị Mai đi bộ chờ xe dẫn về quê. Ảnh: Quốc Huy 
Khi đủ điều kiện để về quê, vợ chồng chị Mai quyết định cùng con gái đèo nhau trên chiếc xe máy. Chị kể, khi về đến Phan Thiết trời mưa tầm tã, mọi người di chuyển chậm và phải dừng xe lại ven đường. Trời mưa từ 10 giờ tối qua đến trưa nay mới ngừng khi mọi người về đến Hà Tĩnh.
Cũng theo chị Mai, đêm đầu tiên trở về xe máy bị thủng lốp ở Bình Thuận. May mắn, anh chị được người địa phương hỗ trợ sửa xe, kịp chạy theo đoàn.
“Hành trình quá mệt mỏi. Xe máy bị hỏng mấy lần, con nhỏ khóc, trời mưa to, nước xối xả vào mặt. Chạy xe về đến Quảng Trị thì tay lái của chồng không còn vững nên cả nhà ngã lăn ra đường” – chị Mai nhớ lại.
“Nhiều lần chồng em ngủ gà ngủ gật, xe có lúc lạng tay lái sang bên trái vì trời mưa đường trơn. Thương chồng, em bảo ban ngày nằm nghỉ, chạy ban đêm nên không may bị ngã. Khi ngã xuống nền đất nên chồng em chỉ bị xước nhẹ ở chân, 2 mẹ con may mắn không bị thương” – chị Mai bộc bạch.
Mong uoc lan dau cung la lan cuoi cua nhung nguoi vuot nghin cay so ve que-Hinh-3
Hai vợ chồng chị Mai cùng con nhỏ 3 tuổi chuẩn bị theo xe CSGT dẫn đoàn về huyện Nghi Lộc. Ảnh: Quốc Huy 
Cũng theo chị Mai, dọc đường đi về quê, ban đêm hai vợ chồng tranh thủ trải tấm áo mưa ra ven đường rồi nằm chợp mắt vài tiếng. Khi thấy đoàn người đi xe máy thì ngồi dậy nổ máy để đi cùng. Hai vợ chồng bị thất lạc đoàn nên ở lại phía sau. Hơn 10 người trong đoàn đã trở về Nghệ An từ sáng 6/10.
“Hai vợ chồng thay nhau lái xe cả ngày cả đêm. Khi ngủ thì lấy áo mưa trải ra, kê áo cho con nằm. Chân gác vào mái hiên nhà ở dọc đường. Có nhiều điểm người dân họ không cho ngủ vì sợ có dịch bệnh” – chị Mai kể lại.
“Thật sự, em đã khiếp sợ về mấy ngày vừa qua. Em không dám đi như thế này nữa. Hai mẹ con ngồi phía sau cảm giác bị tê liệt vì chật chội. Em bảo chồng bỏ hết đồ cho dễ ngồi mà không chịu. Chồng bảo về gần đến nhà rồi, không nỡ bỏ đồ xuống”- chị nói.
Lần đầu mong là lần cuối
Còn vợ chồng anh Trương Văn Lê (SN 1990, quê ở huyện Quỳ Hợp) làm công nhân ở Bình Dương vừa chạy xe trở về cho biết, mới vào miền Nam được hơn 4 tháng thì 2 tháng không có việc làm vì giãn cách xã hội. Dọc đường về quê, trời mưa to từ Quảng Nam kéo mãi đến Huế.
“Hai tay em giờ bị bong da vì nắng cộng với mưa tạt. Khi buồn ngủ, em trải áo mưa nằm ở bên đường, kể cả lúc trời đang mưa cũng nằm xuống cho đỡ mệt. Giờ chỉ ước sớm được về nhà để ngủ một giấc thoải mái lấy lại sức khỏe” – anh Lê chia sẻ.
Mong uoc lan dau cung la lan cuoi cua nhung nguoi vuot nghin cay so ve que-Hinh-4
Vợ chồng anh Lê và chị Xanh chờ xe dẫn đoàn về Quỳ Hợp cách ly tập trung. Ảnh: Quốc Huy 
Vợ anh Lê là chị Phan Thị Xanh (SN 2001) bộc bạch: “Vượt đỉnh đèo Hải Vân khiến em khiếp sợ. Đường lên xuống dốc cao, nhiều khúc cua làm em liên tục dồn về phía trước. Nhiều lúc mệt quá ngủ gục phía sau lưng chồng. Đây chắc là lần đầu và cũng là lần cuối em đi như thế này”.
Cũng theo vợ chồng anh Lê, dọc đường chứng kiến rất nhiều người đi xe máy cùng đoàn bị ngã chảy máu vì trời mưa. Riêng vợ chồng anh phải sử dụng mỗi người từ 5 đến 6 bộ áo mưa vì gió quật rách.
Vợ chồng chị Vi Thị Cúc quê ở xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn) làm công nhân ở Bình Dương chia sẻ: “Hôm qua khi về đến Đà Nẵng thì chồng mệt vì buồn ngủ. Rất may có xe ô tô giúp đỡ chở ra đến Huế. Trời mưa to nên rất nhiều người bị ngã xe, có trường hợp tông vào cột điện ở Quảng Trị nhìn rất thương”.
Cũng theo chị Cúc, dọc đường đi về quê có rất nhiều người phải đi bộ vì không có xe máy và chưa biết bao giờ mới về đến quê hương.
Mong uoc lan dau cung la lan cuoi cua nhung nguoi vuot nghin cay so ve que-Hinh-5
Hai vợ chồng chị Cúc đang ăn cháo trong khi đợi về huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Quốc Huy

Mong uoc lan dau cung la lan cuoi cua nhung nguoi vuot nghin cay so ve que-Hinh-6
Những chiếc xe chở người và vật dụng không còn chỗ trống. Ảnh: Quốc Huy 

Mong uoc lan dau cung la lan cuoi cua nhung nguoi vuot nghin cay so ve que-Hinh-7
Hơn 100 ô tô được huy động để chở người và phương tiện xe máy. Dự kiến, trong những ngày tới có khoảng 10.000 người Nghệ An tiếp tục trở về quê. Ảnh: Quốc Huy

Theo Quốc Huy/ Vietnamnet