Năm 1975, việc xây dựng khách sạn Thắng Lợi đi vào giai đoạn cuối cùng. Gồm 156 phòng, đây là khách sạn có quy mô lớn nhất miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ. Để xây dựng khách sạn này, phía Cuba đã cử đoàn kiến trúc sư, kĩ sư, công nhân, trong đó có cả 20 phụ nữ sang Việt Nam, còn phía Việt Nam có khoảng 100 người tham gia xây dựng.
|
Khách sạn Thắng Lợi là món quà của Chủ tịch Cuba Fidel Castro dành tặng cho Việt Nam |
"Ở Cuba lúc đó dấy lên phong trào ủng hộ Việt Nam rất sôi nổi. Ai ai cũng muốn đóng góp sức mình. Trong suốt những năm tháng chiến tranh thời kì đó, Cuba đã đưa phong trào ủng hộ Việt Nam đi vào đời sống của nhân dân. Ví dụ, hồi đó, tôi còn nhờ ở Hội Liên hiệp phụ nữ Cuba, chúng tôi gắn liền các phong trào sản xuất, các hoạt động phát triển đất nước, xuất với Việt Nam.
Chúng tôi có nhiều khẩu hiệu như "Từ cánh đồng Cuba, chúng tôi chào mừng nhân dân Việt Nam Anh hùng", và với khẩu hiệu đó chúng tôi ra đồng làm việc. Tôi cho rằng với người Cuba, đàn ông hay phụ nữ nếu đã sang Việt Nam làm việc với nhân dân Việt Nam, với họ luôn là một vinh dự to lớn", bà Yolanda Ferrer, Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam chia sẻ.
Ở Hà Nội lúc bấy giờ có 5 khách sạn, nhưng tất cả đều được xây dựng từ 1910 tới 1920 vào thời kỳ Pháp thuộc. Đây đều là những khách sạn tương đối ít phòng, rất khó để chúng ta tổ chức các sự kiện quốc tế.
Bởi vậy khách sạn Thắng lợi được gấp rút hoàn thành với mong muốn có thể đón tiếp các đoàn khách nước ngoài đến thăm Việt Nam nhân dịp kỉ niệm 30 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Theo thiết kế, toàn bộ khách sạn được lắp điều hòa nhiệt độ, ở khu vực trung tâm có đặt bể bơi, bên cạnh có bưu điện. Để xây dựng khách sạn này, phía Cuba trực tiếp lo từng thiết bị nội thất, không ít trong số đó được mua từ Nhật Bản và chở sang Việt Nam.
"Nhân dân Cuba quyên góp các vật dụng gửi sang Việt Nam. Tôi cho rằng ngoài những đóp góp về mặt vật chất thì điều đáng quý ở đây là tình cảm của người dân Cuba sẵn sàng làm mọi thứ vì Việt Nam. Điều này được thể hiện qua câu nói của đồng chí Fidel, đó là "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình.
Ngày nay ở Hà Nội có nhiều khách sạng khang trang hơn, rộng rãi hơn, nhưng bất cứ khi nào nhìn vào Thắng Lợi, người ta cũng có thể thấy được giá trị quý báu về mặt tinh thần và tình cảm giữa hai dân tộc", bà Ferrer nói thêm.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Cuba trong chiến tranh có thể xem là sự gắn kết tự nhiên giữa những dân tộc xung kích đi đầu trong cuộc chiến chống thực dân đế quốc, là biểu hiện tiêu biểu của chủ nghĩa cách mạng quốc tế thời bấy giờ.
Nhưng mối tình hữu nghị giữa Việt Nam và Cuba còn là biểu hiện sinh động nhất của tình cảm thủy chung, trong sáng giữa 2 dân tộc, như lời Chủ tịch Fidel từng tuyên bố sau năm 1975: "Nếu trước đây Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình, thì ngày nay chúng ta sẵn sàng đổ mồ hôi để giúp Việt Nam xây dựng lại đất nước".
Theo Diệu Hoa/VTV