Trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 13 bị can bị đề nghị truy tố về các tội đưa, nhận hối lộ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
|
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Phan Quốc Việt, ông chủ Công ty Việt Á.
|
Tỉ lệ hưởng lợi 40% giá trị gói thầu
CQĐT xác định bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng các bị can khác thông đồng, nâng giá gói thầu, gian lận, cố ý làm trái quy định pháp luật để tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu, gây thiệt hại gần 95 tỉ đồng.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty AIC, là người thành lập, điều hành Công ty AIC và các công ty thành viên (Công ty Mopha, Công ty Công nghệ cao, Công ty Uy tín toàn cầu).
Thông qua các mối quan hệ, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thỏa thuận, thống nhất với bị can Dương Hoa Xô, cựu giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM cho Công ty AIC thực hiện các gói thầu Dự án 12 PTN, thông đồng nâng giá để hưởng lợi 40% giá trị gói thầu.
Nhờ đó, Công ty AIC và Công ty Mopha (thuộc hệ sinh thái AIC) trúng 6 gói thầu và các công ty do AIC chỉ định gồm Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á, Công ty Vimedimex trúng 3 gói thầu.
Theo kết quả điều tra, Công ty AIC đã thông đồng với chủ đầu tư là Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM thỏa thuận cho Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á tham gia liên danh, Công ty Vimedimex đứng tên trúng thầu thay liên doanh.
Trước đó, quá trình thực hiện giai đoạn 1, bà Nhàn đồng ý cho Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á được liên danh thực hiện 3 gói thầu.
Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Công ty Việt Á, khai đầu năm 2015, ông Việt biết Công ty AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã đồng ý cho Công ty Gene Việt (có 10% vốn góp của Công ty Việt Á) tham gia liên danh thực hiện 3 gói thầu giai đoạn 1 dự án 12 phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên, điều kiện tham gia là phải đảm bảo giữ nguyên lợi nhuận của Công ty AIC còn Công ty Gene Việt phải chịu trách nhiệm toàn bộ các thủ tục đấu thầu.
Do Công ty Gene Việt mới thành lập chưa đủ năng lực nên Công ty Việt Á đứng tên liên danh và thực hiện các thủ tục thay.
Nhờ Vimedimex đứng tên để không bị khiếu kiện
Ông Việt đã giao cho 2 phó giám đốc là Đồng Sỹ Huy nghiên cứu điều chỉnh danh mục thiết bị để đưa vào các thiết bị mà nhóm Công ty Gene Việt có thế mạnh, còn Võ Anh Triết phối hợp với Trần Vinh Vũ (Giám đốc Công ty tư vấn Hồng Hà) xây dựng hồ sơ mời thầu tạo lợi thế cho liên danh AIC-Việt Á và tìm đơn vị đứng tên trúng một gói thầu tránh khiếu kiện.
Phía Việt Á đã liên hệ với ông Lê Hữu Lễ, trưởng phòng kinh doanh Công ty Vimedimex, nhờ doanh nghiệp này đứng tên trúng thầu gói thầu số 4.
Đồng thời, ông Việt cũng giao Đồng Sỹ Huy lập hồ sơ dự thầu cho các công ty “quân xanh” để đảm bảo liên danh AIC-Việt Á đủ điều kiện trúng thầu, tránh bị hủy thầu.
Sau khi trúng thầu, Việt Á mua thiết bị rồi bán lại cho Công ty Gene Việt và Công ty Mopha theo đúng giá mua. Sau đó, 2 đơn vị này lại bán lại cho Công ty AIC và Công ty Vimedimex trước khi bàn giao cho Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM nên Công ty Việt Á không được hưởng lợi gì.
Trong khi đó, ông Lê Hữu Lễ khai sau khi được Đồng Sỹ Huy liên hệ, nhờ Vimedimex đứng tên trúng hộ 1 gói thầu, ông Lễ đã giới thiệu để Huy làm việc trực tiếp với ông Bạch Quốc Chính - phó tổng giám đốc.
Nội dung trao đổi cụ thể giữa 2 người này, ông Lễ không được biết và cũng không thừa nhận đã đồng ý để Công ty Vimedimex đứng tên trúng thầu thay liên danh AIC-Việt Á.
Chưa lấy được lời khai của hai nhân vật quan trọng
Theo xác minh thì ông Bạch Quốc Chính, người ký hồ sơ dự thầu, biên bản thương thảo hợp đồng, hợp đồng thực hiện gói thầu, hiện bị sa sút tâm thần ở bệnh nhận teo não mức độ nặng, tỉ lệ tổn thương cơ thể 63% nên chưa lấy được lời khai.
Còn ông Nguyễn Quốc Cường (tổng giám đốc Vimedimex) có hành vi ký các phụ lục hợp đồng, đã xuất cảnh ra nước ngoài từ tháng 1-2023, hiện không có mặt ở nơi cư trú nên CQĐT cũng chưa lấy được lời khai.
Theo Bùi Trang/PLO