Mổ xẻ thủ đoạn của Phạm Công Danh khiến ông Trần Bắc Hà “ngậm đắng“

Google News

(Kiến Thức) - Bằng việc lập ra 12 công ty "ma" với các giám đốc là nhân viên, bảo vệ, lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh, Phạm Công Danh đã khiến ông Trần Bắc Hà và dàn lãnh đạo BIDV bị qua mặt dễ dàng.

Một trong những sai phạm khiến ông Trần Bắc Hà - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị Ủy ban Kiểm tra TW đề nghị kỷ luật là do đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay tổng cộng 4.700 tỷ. Qua đó, gián tiếp gây ra thiệt hại khổng lồ lên tới hàng nghìn tỷ cho Ngân hàng Xây dựng VNCB.
Dư luận đặt câu hỏi, vì sao một người sành sỏi về ngành tài chính – ngân hàng như ông Trần Bắc Hà hay các ông Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang – Phó Tổng Giám đốc BIDV đều là những “cao thủ thượng thừa” lại bị Phạm Công Danh dễ dàng qua mặt. Danh đã dùng thủ đoạn tinh quái tới cỡ nào để khiến ông Trần Bắc Hà phải “ngậm quả đắng”?
Cáo trạng của VKSND Tối cao công bố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 (tháng 1/2018) đã hé lộ một phần trò "ma thuật" của Danh khiến ông Hà và các lãnh đạo BIDV phải "chết ngất".
 Ông Trần Bắc Hà.
Theo đó, thời điểm tháng 9/2013, khi thực hiện đề án tái cơ cấu VNCB, do không có tiền để tăng vốn điều lệ nên Phạm Công Danh - Chủ tịch VNCB đã tới hội sở BIDV tại Hà Nội để gặp ông Đoàn Ánh Sáng - Phó TGĐ BIDV đặt vấn đề việc Danh giới thiệu sang BIDV cho khách hàng doanh nghiệp vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng, trường hợp khách hàng do VNCB không có đủ tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ hỗ trợ dùng tài sản của mình để cầm cố, thế chấp, đảm bảo khoản vay theo quy định của BIDV.
Sau khi được lãnh đạo BIDV hội sở chính đồng ý thì Danh về chỉ đạo cấp dưới lựa chọn công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn, công ty cung cấp VLXD đầu vào trong số các công ty do Phạm Công Danh thành lập; lập khống hồ sơ vay vốn để nộp cho BIDV hội sở chính và các chi nhánh sẽ trực tiếp cho vay.
Phạm Công Danh giao cho Mai Hữu Khương lựa chọn các công ty vay vốn BIDV trong số các công ty do Danh thành lập từ tháng 6/2012 trở về trước bằng cách nhờ nhân viên, bảo vệ, lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh hoặc người nhà đứng tên giám đốc ký hồ sơ vay.
Mai Hữu Khương đã chọn 12 công ty gồm: Phong Hiệp, Phước Đại, Quang Đại, Phú Nguyễn, Cường Tín, Tuấn Văn, Thanh Quang, An Phát, Nhất Nhất Vinh, Hương Việt, Thành Trí, Phúc Phạm, Quốc Thắng, Thịnh Quốc, dịch vụ Hương Việt, Thiên Trang Phạm.
Mặc dù biết rõ các công ty nêu trên không có bất kỳ hoạt động kinh doanh gì nhưng theo chỉ đạo của Phạm Công Danh thì các cá nhân Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Phan Minh Tùng…đã tiến hành lập hồ sơ vay vốn cho 12 công ty.
 "Siêu lừa" Phạm Công Danh. Nguồn ảnh: Zing
Khi hồ sơ vay vốn được lập khống xong thì 12 giám đốc các công ty nêu trên được nhân viên phòng tài chính Tập đoàn Thiên Thanh là Nguyễn Thị Quỳnh Trang để ký các hồ sơ vay vốn của công ty do họ đứng tên giám đốc giúp Danh đề nghị BIDV cho vay vốn với mục đích bổ sung vốn kinh doanh thu mua nguyên vật liệu xây dựng phục vụ các dự án theo mô hình 4 nhà với số tiền vay từng công ty từ 320 tỷ đến 460 tỷ. Nguồn trả nợ là từ lợi nhuận, doanh thu của phương án kinh doanh và đề nghị được vay vốn tại 4 chi nhánh gồm: Bến Thành, Gia Định, Sở Giao dịch 2 và Nam Sài Gòn.
Theo chỉ đạo của Phạm Công Danh, Phan Thành Mai đã ký 12 văn bản gửi BIDV Hội sở chính về việc giới thiệu 12 khách hàng. Ban khách hàng doanh nghiệp thuộc hội sở chính BIDV sau đó lập 12 tờ trình phê duyệt chủ chương cho hay mua vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà đối với 12 khách hàng do Trần Hoài Lâm là cán bộ, Nguyễn Cao Minh là trưởng phòng và Nguyễn Hà An là phó giám đốc ban khách hàng doanh nghiệp ký trình ông Đoàn Ánh Sáng là phó TGĐ phụ trách xem xét phê duyệt.
Phó TGĐ Sáng phê duyệt và chỉ đạo tại 12 tờ trình với nội dung như sau: “Đồng ý, xin chủ trương Phó TGĐ Trần Lục Lang và Tổng giám đốc. Ủy quyền cho giám đốc chi nhánh các nội dung về điều kiện cấp tín dụng”.
Sau khi được phó TGĐ phê duyệt tờ trình thì ban khách hàng doanh nghiệp chuyển hồ sơ đến ban quản lý rủi ro tín dụng thẩm định nội dung theo tờ trình. Và sau đó, như chúng ta đã biết, ngày 3/10/2013, ông Trần Bắc Hà – khi đó giữ chức trưởng phân ban Rủi ro tín dụng đầu tư thuộc Ủy ban Quản lý rủi ro của BIDV đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty mà Danh đề xuất cho vay mua vật liệu xây dựng.
Điều đáng nói, giải ngân xong xuôi, BIDV lúc này mới yêu cầu 12 công ty cung cấp bổ sung hồ sơ, hóa đơn chứng minh việc mua bán, giao nhận hàng hóa vật liệu xây dựng và phối hợp để BIDV tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn vay, nhưng các công ty không cung cấp với lý do chưa giao nhận hàng hóa. Thực tế, sau khi vay 4.700 tỷ của BIDV thì các công ty vay vốn đều không kinh doanh theo phương án vay nợ nên không có hóa đơn, chứng từ gì kinh doanh, hồ sơ vay vốn khống hoàn toàn.
Khi đến hạn, 12 công ty không trả được nợ nên BIDV đã tự động trừ tiền trên tài khoản tiền gửi của VNCB. Vì bảo lãnh cho các khoản vay nói trên, VNCB bị thiệt hại hơn 2.500 tỉ đồng.
Đáng chú ý, cũng bằng thủ đoạn tương tự, Phạm Công Danh đã khiến Trầm Bê – nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank phải vướng vòng lao lý.
P.H