Miền Bắc đón đợt rét đậm thứ 3

Google News

Gió mùa đông bắc rất mạnh kết hợp với gió tây trên mực 5000m và gió đông ẩm khiến nền nhiệt giảm sâu, độ ẩm lớn, trời rét buốt, nhiệt độ trung bình ngày rất thấp. Trên biển, gió mạnh như bão cấp 8.

Mien Bac don dot ret dam thu 3
 Người dân vùng cao Nghệ An sưởi ấm bên bếp lửa chống chọi giá rét. Ảnh: Cảnh Huệ
Rét kéo dài nhiều ngày
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, một đợt không khí lạnh rất mạnh đang tràn xuống nước ta. Dự báo từ sáng 7/1, đợt không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến vùng núi Bắc Bộ, chiều và tối 7/1 ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ. Từ ngày 8/1, không khí lạnh ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ.
Từ đêm 7/1, Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh trời chuyển rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất vùng đồng bằng phổ biến từ 8-11 độ, vùng núi 4-7 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ. Trọng tâm rét hại ở Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Khu vực Hà Nội từ đêm 7/1 trời chuyển rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 8-11 độ.
Từ ngày 8/1, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi trời chuyển rét, phía Bắc có nơi rét đậm với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13-17 độ. Các tỉnh Tây Nguyên trời chuyển lạnh, có nơi chuyển rét. Từ ngày 9/1, các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ chuyển lạnh vào đêm và sáng sớm.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, không khí lạnh kết hợp với gió đông ẩm, gió tây trên mực 5000m nên khi tràn xuống nước ta sẽ gây mưa nhỏ trong ngày và đêm 7/1 tại Bắc Bộ. Từ ngày 8/1, Trung Bộ xuất hiện mưa, mưa vừa, có nơi mưa to.
Do tác động của độ ẩm không khí cao nên dù cường độ đợt không khí lạnh này không mạnh bằng đợt trước nhưng cảm giác rét buốt hơn rất nhiều. Trời âm u cả ngày với nền nhiệt trung bình rất thấp. Cũng do rét ẩm nên nguy cơ xuất hiện mưa tuyết diện rộng, đặc biệt là tại Lào Cai và Hà Giang.
Ông Lâm cho biết thêm, đợt rét này sẽ chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu từ đêm 7/1 đến ngày 10/1, trời rét ẩm, không có nắng, nhiệt độ ban đêm và ban ngày đều thấp.
Giai đoạn thứ 2 từ ngày 11 đến ngày 13/1, không khí lạnh được tăng cường thêm, trời chuyển sang trạng thái rét khô, ban đêm nhiệt độ thấp, rét buốt, ban ngày nắng, nhiệt độ cao nên cảm giác ấm hơn. Trong thời kỳ này có khả năng băng giá, sương muối ở vùng núi cao.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, cùng với mưa rét là gió mạnh như bão trên biển. Trong ngày 7-8/1, gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền ở Bắc Bộ và Trung Bộ cấp 3-4, vùng ven biển cấp 5. Ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển Trung Bộ, Nam Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 3-5m. Khu vực bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 7, có nơi cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh, sóng biển cao từ 5-7m, tương đương với bão cấp 8 trên biển.
Ông Lâm cho biết, trong khoảng thời gian rét nhất từ đêm 7 đến đêm 10/1, các địa phương cần cập nhật bản tin thời tiết hằng ngày do Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phát lúc 6h15 sáng để lên phương án cho học sinh nghỉ học hoặc lùi giờ học, nhất là vùng núi.
Ô nhiễm nghiêm trọng nhất từ đầu mùa đông
Hôm qua (5/1) được là ngày ô nhiễm không khí nhất từ đầu mùa đông đến nay tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ghi nhận hầu hết các điểm đo ở ngưỡng rất xấu (rất có hại cho sức khỏe mọi người), một số điểm đo ở ngưỡng xấu (có hại cho sức khỏe mọi người).
Hệ thống quan trắc của Mạng lưới theo dõi chất lượng không khí PAM Air cũng cho kết quả ô nhiễm không khí trải dài khắp các tỉnh miền Bắc kéo dài đến Bắc Trung Bộ, trong đó các tỉnh phía Bắc, tỷ lệ điểm đo lên ngưỡng nâu (ngưỡng nguy hiểm nhất do ô nhiễm không khí gây ra) chiếm tỷ lệ lớn, hầu hết các điểm đo còn lại ở ngưỡng xấu đến rất xấu. Bốn địa phương ghi nhận ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất gồm Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hưng Yên. Các chuyên gia của PAM Air nhận định, đợt ô nhiễm hiện tại sẽ kéo dài đến khoảng ngày mai (7/1).

Theo Nguyễn Hoài/Tiền phong