Cái chết oan khuất của cháu bé có đủ để thức tỉnh lương tâm?
Đến thời điểm này, khi hai đối tượng Nguyễn Minh Tuấn (SN 1989, trú Nguyễn Đình Chiểu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1991, trú thôn Võng La, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) đã bị khởi tố về hành vi giết người khi bạo hành đến chết bé gái nhưng dư luận vẫn vô cùng bức xúc với tội ác mà các đối tượng đã gây ra cho cháu bé.
Có lẽ không một từ ngữ nào có thể diễn đạt được hết tội ác mà hai đối tượng, trong đó có cả người mẹ ruột đã gây ra cho cháu bé. Mỗi một thông tin về hành vi bạo hành của các đối tượng này với cháu bé đều như những nhát dao cứa vào trái tim của những người có lương tri. 24 ngày sống chung với mẹ đẻ và bố dượng có lẽ là 24 ngày địa ngục trần gian với một đứa trẻ thơ ngây trong sáng và ngoan ngoãn.
Không ai có thể lý giải được vì sao con mình dứt ruột đẻ đau mang nặng 9 tháng 10 ngày mà người mẹ lại có thể cùng bố dượng hành hạ, đánh đập với những hành vi không ai nghĩ sẽ xảy ra ở thời văn minh như bắt quỳ vào chậu nước, dùng kim châm vào tay, đánh vào đầu vào mặt khiến cháu bé tử vong do tổn thương não, trên người có nhiều vết bầm tím.
|
Hai đối tượng tại cơ quan công an. |
Bởi ở trên đời, không có tình cảm nào thiêng liêng như tình mẫu tử. Bất cứ hoàn cảnh nào với những người phụ nữ, con cái với họ luôn quan trọng nhất. Con cái chỉ cần xước da do bị ngã, người mẹ cũng vô cùng đau xót. Thế nhưng người mẹ này lại nhẫn tâm và vô cùng ác độc khi cùng người tình đánh đập, hành hạ con ruột mình với những thủ đoạn vô cùng tàn ác.
Hổ dữ không ăn thịt con nhưng người mẹ này còn hơn cả hổ dữ. Nghiện ma túy có thể là lý do để đưa ra biện minh cho mọi hành vi của tội ác, còn nguyên nhân sâu xa lại thuộc về bản chất khi người cha ruột vốn có tính côn đồ còn người mẹ cái ác cũng nảy sinh từ lối sống buông thả, thiếu trách nhiệm với con cái từ khi lọt lòng nên không có tình mẫu tử thiêng liêng.
Trong vụ án này, nạn nhân đau đớn nhất là cháu bé. Đứa trẻ này từ khi còn trong bụng mẹ đã không ít lần bị dọa bỏ nếu bà ngoại không kịp thời can ngăn. Một đứa trẻ vừa lọt lòng đã thiếu vắng tình thương yêu của mẹ cha, sống với bà ngoại đến mức khi gặp người đàn ông nào đi qua cũng đều gọi cha mình, đến mức luôn nói với bà ngoại là nhớ mẹ. Như lời bà ngoại kể, mỗi khi trước khi đi ngủ, cháu thường hỏi “bà ơi, mẹ đâu?, mỗi lần được đi chơi với mẹ, bé đều khoe với bà “Mẹ Lan Anh đấy, mẹ Lan Anh đón con đi chơi”.
Bất cứ một đứa trẻ nào trên đời cũng cần có hơi ấm của người mẹ, cũng cần sự chăm sóc của người cha. Bé M. cũng vậy. Nhưng có lẽ trên đời này không có đứa trẻ nào bất hạnh như cháu M.
Khi được mẹ đón về tưởng rằng bé sẽ được yêu thương, chăm sóc chở che như lời người mẹ đã nói với bà ngoại “đón về cho cháu có tương lai”. Thực tế những ngày ở bên mẹ lại là những ngày ác mộng lớn nhất cuộc đời của cháu khi thay vì yêu thương, bé lại bị đánh đập, thay vì được chăm sóc chở che, bé lại bị bạo hành tra tấn đến chết trong đau đớn.
Một đứa bé 3 tuổi vẫn như một tờ giấy trắng, lẽ ra bé xứng đáng được mẹ ruột viết lên trên đó những ước mơ, khát vọng về hiện thực tương lai đầy ắp tình yêu thương thì ngược lại là những cảnh bạo hành mà có lẽ thời trung cổ người ta cũng không nghĩ đến.
Hình ảnh cuối cùng về cháu bé với những vết bầm tím chi chít trên khắp cơ thể, ôm chú gấu bông bên chiếc bàn lạnh lẽo có lẽ là hình ảnh ám ảnh nhất với tất cả những người chứng kiến.
Cái chết oan uổng đầy bi đát của cháu bé có lẽ đã là quá đủ để thức tỉnh những “con thú” đã hành hạ cháu trong thời gian chìm trong ma túy và bạo lực. Nhưng tất cả đã là quá muộn cho mọi sự sám hối, bởi cháu bé sẽ mãi không thể tỉnh dậy để nghe những lời hối hận từ những kẻ mang danh cha mẹ nhưng thực chất là những “con thú” đội lốt người. Những kẻ mang danh cha mẹ giờ ở trong ngục tù liệu có bị ám ảnh về những hành vi đã gây ra cho cháu bé? Những con “quỷ dữ” giờ đã tỉnh ngộ hay chưa?
Đau đớn khi phải chứng kiến cháu mất, phải tố cáo con gái ruột
Trong vụ án trên, có lẽ người đau đớn nhất chính là bà ngoại khi bà vừa phải chứng kiến cảnh cháu mất đầy oan khuất vừa phải tố cáo chính người con gái ruột của mình.
Từ ngày xảy ra vụ việc cháu bị con gái bạo hành đến chết, bà Vũ Thị D. (thôn Võng La, xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội, bà ngoại cháu bé) đã khóc cạn nước mắt. Nỗi đau quá lớn khiến bà nhiều khi không thiết sống trên đời này nữa.
Bà D. vốn là một người mẹ đơn thân và chỉ có duy nhất Lan Anh là con gái. Tuy nhiên, chính cô con gái này đã khiến bà lo âu, phiền muộn trong suốt thời gian dài khi con gái trắc trở tình duyên khi bỏ đến hai đời chồng và về ở chung với kẻ xăm trổ không hôn thú.
Bé M. là con ruột của Lan Anh với người chồng thứ 2 quê ở Hải Dương. Khi lễ cưới chuẩn bị tươm tất thì Lan Anh bỏ trốn và người chồng này cũng mất tích từ đó đến nay. Khi thai 6 tháng tuổi, Lan Anh nói bỏ con, bà D. lại hết mực can ngăn con, khuyên nên sinh ra đứa bé. Bởi bà là mẹ đơn thân từng sinh được mỗi người con nên muốn giữ cháu bé lại để gia đình còn có phúc.
|
Bà D đau đớn như cắt từng khúc ruột. |
Tuy nhiên, khi sinh con ra, Lan Anh không cho con bú, không chăm sóc hay quan tâm con, để mặc cho bà ngoại rồi bỏ đi. Mới đầu tháng 3, con gái sang đón cháu về nuôi, bà D. cũng đành chấp nhận để cháu có tương lai hơn nhưng chỉ sau ít ngày bà ngoại nhận được hung tin về cái chết của cháu bé, nỗi đau đớn phẫn nộ hơn khi kẻ gây ra cái chết cho cháu bé không ai khác chính là con gái bà.
Hành vi của Lan Anh và chồng hờ trời không dung đất không tha, lòng người căm phẫn. Bà D. cũng vậy. Bà không thể chấp nhận được những hành vi bất nhân ấy lên đã nhờ đăng tải thông tin về cái chết của cháu mình lên mạng xã hội để đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Không khó để lý giải việc bà ngoại đi tố cáo con gái và con rể. Bởi hành vi này xuất phát từ tình cảm thương yêu mà bà ngoại đã dành cho cháu mình rất sâu nặng, còn hơn cả con ruột của mình. Từ khi bé trong bụng mẹ đã bị dọa bỏ đi, bà là người khuyên can nên giữ bé lại. Từ ngày bé lọt lòng, bà là người một tay chăm sóc, nuôi dưỡng bé.
Bản thân bà cũng là một người phụ nữ và cũng là một người mẹ đơn thân. Do vậy, khi cháu bé chào đời đó là niềm vui, hạnh phúc rất lớn lao làm động lực cho bà trong cuộc sống. Bao nhiêu yêu thương, tình cảm sâu nặng là bà dành hết cho cháu.
Bà ngoại coi cháu như con mình, chăm lo từng ly từng tí, bao nhiêu yêu thương bà dành hết cho cháu. Ngày ngày bà chứng kiến cháu bé lớn lên ngoan ngoan nghe lời, những lúc buồn vui đau khổ trong cuộc sống đều có bà cháu bên nhau. Cùng với đó, cháu bé càng lớn lên trong cảnh thiếu vắng người cha, người mẹ thì càng quấn lấy bà và rất tình cảm.
Do vậy, khi xảy ra sự việc đau lòng trên, bà ngoại cháu bé rất sốc và khi chứng kiến cháu mình bị chết trong đau đớn, bà cũng là một người rất bất bình trước tội ác của người con gái và con rể khi họ có những hành xử vô nhân đạo, nhẫn tâm đến như thế.
Bà D là người có hiểu biết, có lương tri nên không thể chấp nhận được khi mà con gái và con rể mình đánh đập, hành hung dã man cháu gái, người mà bà đã nhiều công chăm sóc, nuôi nấng hết lòng hết sức như thế.
Do vậy, dù là người mẹ đã vất vả chăm con khôn lớn, bà vô cùng bất bình trước tội ác ghê rợn của con gái và con rể mình đối với cháu. Đau lòng nhìn cháu chết thương tâm với những vết thương trên người chằng chịt, bà ngoại đã không cầm nổi nước mắt và nhiều khi đến bản thân bà còn không thiết sống trên đời nữa.
Trước tội ác dã man như thế bà phải lên tiếng bất bình, lên án hành vi tội ác của con gái cùng con rể là tâm lý dễ hiểu. Bởi đó, xuất phát từ tình cảm quá lớn của bà với cháu, trong lúc cô đơn, buồn tủi trong cuộc sống chỉ có hai bà cháu với nhau. Giờ cháu ra đi trong đau đớn như thế. Không thể chấp nhận được hành vi mất nhân tính của con gái nên bà mới đề nghị xử lý nghiêm dù đó là con gái bà.
Bé gái đã sang một thế giới khác, thế giới không còn bạo hành, đớn đau nhưng với bà ngoại cháu bé, nỗi đau sẽ theo bà đến suốt cuộc đời còn lại khi vừa mất cháu lại phải là người tố cáo tội ác của con gái mình. Những kẻ thủ ác rồi sẽ phải đền tội nhưng liệu chúng có nghĩ đến sự đau đớn mà những người sinh thành ra chúng đang phải trải qua?
Tâm Đức