MC Phan Anh nói gì về "cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng"?

Google News

MC Phan Anh có những chia sẻ rất chân thực khi tham gia tọa đàm trực tuyến “Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?” chiều 24/9 cùng Tiến sĩ luật Lưu Bình Nhưỡng, ca sĩ Thái Thuỳ Linh...

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, từ thiện liên quan lòng tốt, uy tín cái tâm con người, nếu chúng ta hiểu được quyền của chúng ta, có lý chí, câu chuyện nó khác.
Xã hội hóa công tác từ thiện nhưng phải có cơ chế kiểm soát
“Lòng tốt là một thứ vô hạn không có không gian và thời gian, chưa cần nói đến có trục lợi hay không, việc cá nhân đứng ra vận động lập một quỹ chính thức riêng, chỉ cần không thực hiện đúng quy định của pháp luật đã là một vấn đề rồi. Có những người không hề trục lợi nhưng vẫn vi phạm pháp luật. Tôi muốn nói, lòng tốt nếu thiếu ý chí sẽ dẫn đến hậu quả xã hội. Chính lòng tốt đôi khi lại là nguồn nguy hiểm cao độ về vấn đề vi phạm” - ông Nhưỡng nêu ý kiến.
MC Phan Anh noi gi ve
 Ông Lưu Bình Nhưỡng.
Ông Nhưỡng khẳng định về mặt pháp lý, làm từ thiện là vấn đề mang tính trách nhiệm xã hội. Hiện nay, việc làm từ thiện thường dựa trên cơ sở uy tín của những người nổi tiếng. Do đó, cần phải có xã hội hóa về công tác từ thiện chứ không chỉ Mặt trận hay Hội Chữ thập đỏ.
“Chúng ta phải mở rộng, không nên cấm các cá nhân làm từ thiện nhưng phải tạo được cơ chế pháp lý. Cơ chế pháp lý ở đây là tạo ra cơ chế thực hiện có hiệu quả” - ông Nhưỡng nói và cho rằng, cần quy định rõ con người nào đủ năng lực làm từ thiện, làm bằng cách nào, phương thức cho người ta làm, hướng dẫn cho người ta làm, không để cho người ta mò mẫm.
Ông Nhưỡng kể lại việc khi rộ lên chuyện Thủy Tiên làm từ thiện, trao đổi với báo chí, ông có có nói một ý: “Thủy Tiên tốt nhất nên phối hợp với những tổ chức cá nhân để làm, chứ một mình rất vất vả có thể dẫn đến rủi ro”. Do đó, ông Nhưỡng cho rằng, đầu tiên pháp luật phải có cơ chế cho người dân làm từ thiện. Việc tốt ai cũng có thể làm, không thể chỉ người này làm, người kia không được làm, đấy là điều phi lý.
Cũng theo ông Nhưỡng, cần tạo ra cơ sở pháp lý để kiểm soát. Ví như ông Đoàn Ngọc Hải, chi bao nhiêu công bố hết, giúp đỡ bao nhiêu người. Ông Hải đã làm rất tốt cho bà con dân tộc thiểu số, rất là vĩ đại.
“Chúng ta phải tạo điều kiện cho người đó minh bạch bằng cách nào, chứ không phải sao kê. Đồng thời, tạo cơ sở để xử lý để người làm từ thiện biết rằng nếu làm chệch đường ray ấy là sai và sẽ bị xử lý. Tạo điều kiện cho người ta làm nhưng cũng phải có cơ sở để kiểm soát. Nhà nước không thể không kiểm soát bởi vì người dân đang sống trong một xã hội có trật tự”- ông Nhưỡng nêu quan điểm.
Dẫn ý kiến nhiều người cho rằng, để tránh tình trạng có thể dẫn đến tiêu cực, trục lợi tốt nhất không cho cá nhân làm từ thiện, ông Nhưỡng cho rằng, đấy là quan điểm cực đoan, đi ngược với những gì xuất phát từ trái tim.
“Anh bất lực hoàn toàn, anh không quản lý được mà lại cấm tất cả như thế. Do đó, tôi cho rằng, khi ra một chính sách cần phải nghiên cứu kỹ. Quan điểm của tôi, xã hội hóa công tác từ thiện nhưng phải có cơ chế pháp lý để kiểm soát” - ông Nhưỡng nói.
Trước đó, nêu ý kiến dưới góc nhìn pháp lý về cá nhân làm từ thiện, ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết, hiện rất nhiều cử tri và người dân đang quan tâm vấn đề này.
“Vấn đề từ thiện không ai có thể phản bác được, bởi đây là vấn đề liên quan tâm đức. Con người có lòng tốt làm từ thiện là điều vĩ đại. Chúng ta không chỉ có một quy định duy nhất về làm từ thiện. Hiện nay, mọi người hay nói đến Nghị định 64 năm 2008 và đã có nhiều ý kiến sửa đổi, chính chúng tôi cũng có nhiều ý kiến nhưng đến bây giờ Bộ Tài chính chưa có thể sửa đổi được”- ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Ông Nhưỡng lưu ý, có hai điều quan trọng liên quan nghị định 64 là điều 4 cho phép kêu gọi vận động đóng góp tiền cứu trợ bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cả Trung ương và địa phương, Hội chữ thập đỏ, các quỹ xã hội từ thiện, các cơ quan thông tin đại chúng hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ. Các cơ quan tiếp nhận là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ ở Trung ương và địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng và cơ quan, tổ chức được Mặt trận cho phép đứng ra tiếp nhận. Như vậy, theo quy định, không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác được đứng ra tiếp nhận. Pháp luật có quy định rất chặt chẽ.
Theo Nghị định 93, các quỹ xã hội được tổ chức tiếp nhận như Quỹ trẻ em, Quỹ Hộ nghèo… thực hiện theo chương trình, có điều lệ, được Nhà nước công nhận.
Ông Nhưỡng dẫn Nghị định 20 ngày 15/3/2021 về vấn đề tổ chức vận động để thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội và cho biết, các cá nhân có thể nuôi các trẻ mồ côi nếu được chính quyền cho phép thì có quyền để nuôi, những ai đóng góp tiền, hàng hóa, vật chất, thậm chí tặng nhà như ông Đoàn Ngọc Hải tặng nhà cho người phụ nữ mù, vô gia cư… đều có thể làm từ thiện. 
Sao kê, minh bạch trong từ thiện là cần thiết
Nói về việc minh bạch trong từ thiện, MC Phan Anh chia sẻ, thời điểm năm 2016 khi làm từ thiện, nhiều người hỏi, Phan Anh có vi phạm pháp luật không? đến nay đã có câu trả lời rất rõ ràng.
Nam MC cho rằng làm từ thiện là từ tâm, người dân được làm những việc pháp luật không cấm. Những cá nhân đứng lên kêu gọi mọi người không phải là việc làm trái pháp luật mà là việc được pháp luật, lòng người khuyến khích.
“Nếu bạn làm không đúng thì bạn vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm” - MC Phan Anh nói
Theo Phan Anh: "Bản thân tôi ủng hộ tuyệt đối phải minh bạch, không phải chỉ trong chuyện từ thiện. Minh bạch không chỉ bảo vệ mình mà còn bảo vệ niềm tin của mọi người rằng những điều tử tế trong xã hội này còn tồn tại. Chuyện minh bạch, sao kê là chuyện đương nhiên”.
MC Phan Anh noi gi ve
 MC Phan Anh.
MC Phan Anh chia sẻ bản thân hiểu rõ điều đó. Do đó, mọi sao kê, hóa đơn, chứng từ của hành trình thiện nguyện từ năm 2016, nam MC đã phải lập một trang web, 5 năm rồi vẫn còn để một phần bảo vệ mình.
“Mọi người muốn tìm hiểu có thể soi từng giao dịch, chứng từ để chỉ ra rằng, Phan Anh ăn chặn tiền từ thiện ở đâu, nếu có xin làm ơn báo công an đi, khởi kiện ra tòa đi. Tôi hi vọng pháp luật vào cuộc để khẳng định, ông này làm sai ở đâu để thị phi đó chấm dứt đi, để những người làm thiện nguyện chân chính có một tấm lòng vì cộng đồng có thể vững bước để làm tiếp” - nam MC nói.
Nói về điều khó khăn nhất khi làm từ thiện, MC Phan Anh cho rằng, đó là phải chế ngự được những tham, sân, si.
“Hành trình đến với bà con năm 2016, mọi người hỏi tôi rằng bạn có tham không. Chắc chắn tôi sẽ trả lời tôi có tham đấy nhưng thời điểm đó tôi không nhận ra cái tham của mình đâu. Tham ở đây không phải lấy tiền của mọi người mà tham được mọi người ghi nhận, ủng hộ nhiều hơn”- nam MC nói.
Theo chia sẻ của Phan Anh, ngày đầu tiên làm từ thiện, trong 24 tiếng, tài khoản nhận được 8 tỷ đồng. Khi đó, Phan Anh sợ quá sức, sợ không làm được. Bản thân thấy mình không làm được nhưng lại tham và có cái sướng, mọi người tin mình mới chuyển tiền như vậy và bị cái ham đấy đưa mình đi.
Nam MC cũng cho biết: "Bản thân cũng từ sân, si, khi ai đó có ý kiến về mình và mình bắt đầu ghét người ta. Tôi đi tranh đấu để chứng minh mình trong sáng và trở thành hành trình không chỉ làm thiện nguyện nữa mà còn những việc khác. Một thời gian dài, tôi đau khổ vì làm việc tốt nhưng vẫn có thị phi. Nhưng sau đó tôi nhận ra, tôi làm cho bà con, muốn chia sẻ với bà con, khi bà con nhận được món quà, tôi phải hạnh phúc và cảm thấy ấm áp”.
Phan Anh cho rằng, có thời điểm không ghi nhận được cái tham, sân si của mình, không nhìn ra cái sai của mình trong quá trình đó. Đây là khó khăn nhất cho những người làm từ thiện bởi phải hiểu rõ được bạn đang làm gì, làm cho ai và mong muốn nhận được điều gì.
Nói về minh bạch từ thiện, ca sĩ Thái Thùy Linh cho rằng, trong hơn 10 năm làm thiện nguyện, Linh có một ban kế toán, kiểm toán riêng của mình.
“Quỹ càng lớn càng cần nhiều người giám sát chéo. Hiện nay, chiến dịch Người Việt thương nhau của tôi đang triển khai có ban kiểm toán gồm 7 người, kiểm tra chéo các thu chi. Tôi cũng được Ngân hàng Quân đội cấp một tài khoản minh bạch thiện nguyện. Điều hay của nó, tất cả mọi người đều có thể vào xem sao kê 24/7, bất kỳ lúc nào, không cần mật khẩu. Đây là một bước tiến sang một trang mới trong việc thiện nguyện, không ai đòi phải sao kê nữa vì rất minh bạch” - ca sĩ Thái Thùy Linh nói.
Nữ ca sĩ chia sẻ, trong hành trình thiện nguyện hơn 10 năm qua và từng đi qua thời điểm khó khăn, đi tìm câu trả lời “Tại sao mình ở hiền mà không gặp lành”?
“Khi không trả lời được, năng lượng tụt đi rất nhiều, hoang mang giữa biển khi không biết đâu là bờ và không biết bơi đi đâu. Tại sao mình nhận được rất nhiều thị phi, lời đồn ác ý từ những người mình không biết họ là ai. Khi đi qua được khúc đó, tôi hiểu ra “không có bùn thì không có sen” - Thái Thùy Linh nói.
MC Phan Anh noi gi ve
Ca sĩ Thái Thùy Linh. 
Nói về thời gian gần đây, khi mà có nhiều thị phi liên quan nghệ sĩ, từ thiện, Thái Thùy Linh cho biết, cô vẫn vững vàng và tin vào con đường mình đang đi và những việc mình đang làm.
“Linh hiểu xã hội luôn luôn là vậy có những người yêu, có người ghét, có những người chưa hiểu, không muốn hiểu. Do đó xác định khi làm thiện nguyện vì ai? muốn giúp gì cho họ? giúp được họ chưa và không quá quan tâm các lời đồn, thị phi. Nếu quá quan tâm chắc chắn không thể đi được con đường này và sẽ phải dừng lại sớm” - nữ ca sĩ nêu ý kiến.
Nữ ca sĩ cho biết, làm thiện nguyện cần hiệu quả, minh bạch và phải đóng góp cho cộng đồng bằng tư duy, giải pháp thiện nguyện hiệu quả.
“Không có cách nào hết thị phi, chỉ khi cùng nhau xây dựng một cộng đồng thích những hoạt động hiệu quả, minh bạch, khi đó sẽ đỡ thị phi” - Thái Thùy Linh nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem video "Thủy Tiên - Công Vinh livestream sao kê từ thiện":

Nguồn: FB Thủy Tiên.

Hải Ninh