Máy bay bị bỏ rơi thuộc dòng “đồ cổ”
Ông Trần Xuân Mùi, nguyên Tổng Giám đốc Công ty bay Việt Nam- chuyên gia hàng không cho biết, máy bay Boeing 727-200 bị “bỏ rơi” ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) thuộc dòng máy bay “đồ cổ”, hiện nay còn rất ít hãng hàng không trên thế giới sử dụng loại máy bay này. Tại Việt Nam, không có hãng hàng không nào sử dụng loại máy bay này vào mục đích thương mại.
Phụ tùng của Boeing 727-200 không thể sử dụng thay thế cho loại máy bay khác được bởi vì dòng máy bay này đã cũ, để quá lâu ở sân bay Nội Bài.
|
Chiếc máy bay Boeing 727-200 bị “bỏ quên” tại sân bay Nội Bài. Ảnh Báo Người lao động. |
“Cái quan trọng hơn, các quy định về kiểm soát phụ tùng của ngành hàng không rất chặt chẽ, không cho phép sử dụng phụ tùng không được quản lý. Thậm chí, có những phụ tùng máy bay còn mới tinh nhưng hết niên hạn sử dụng cũng phải bỏ đi chứ đừng nói gì đến các phụ tùng cũ, không bảo dưỡng gần 10 năm nay”, ông Mùi nói.
Theo vị này, khi không còn giá trị sử dụng, chiếc máy bay chỉ có thể bán với giá sắt vụn. Hoặc sử dụng máy bay làm nhà hàng hoặc quán cà phê đều được.
Ông Lưu Trung, Phó Giám đốc Học Viện Hàng không Việt Nam cho biết, chiếc máy bay bị bỏ rơi có thể để làm mô hình trong các trường đào tạo về ngành hàng không để sinh viên thực hành, thực tế.
“Mới đây, chúng tôi có ý kiến xin Cục hàng không Việt Nam chiếc máy bay bị bỏ rơi này đưa về trường làm mô hình để sinh viên thực hành. Tuy nhiên, phía Cục Hàng không không đồng ý đề xuất này. Nếu đưa được chiếc máy bay này về trường sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc giảng dạy, thực hành. Sinh viên có thể xem tận mắt từng chi tiết của chiếc máy bay”, ông Trung nói.
Ông Trung cho hay, hiện nay trong trường của ông chỉ có mô hình 3 máy bay trực thăng loại nhỏ, chưa có một chiếc máy bay cỡ lớn nào. Về việc vận chuyển máy bay, ông Trung cho rằng không quá khó, có thể thuê chuyên gia tháo rời các chi tiết không cần thiết ở máy bay sau đó chọn vận chuyển bằng đường thủy hoặc đường sắt.
Chưa chốt thời gian đấu giá máy bay bỏ quên ở Nội Bài
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT (phụ trách lĩnh vực hàng không) thông tin, việc đấu giá máy bay sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về đấu giá tài sản. Cục Hàng không Việt Nam sẽ là cơ quan thực hiện việc bán đấu giá máy bay.
“Tuy nhiên, hiện nay Cục hàng không vẫn đang trong quá trình xây dựng kế hoạch định giá chiếc máy bay Boeing 727-200 bị “bỏ quên” cũng như thời gian đấu giá chiếc máy bay. Khi nào xây dựng xong kế hoạch, chúng tôi sẽ thông tin cụ thể”, ông Thọ nói.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, để tạo thuận lợi cho quá trình bán đấu giá, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Cục Hàng không Việt Nam ủy quyền cho Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) trực tiếp thực hiện việc bán đấu giá chiếc máy bay. Đơn vị này có thể tự thực hiện việc bán đấu giá hoặc lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam thông tin thêm, phí lưu trú của chiếc máy bay B727-200 đậu tại sân bay Nội Bài từ 8/2014- đến 1/12/2017 khoảng 605.800 USD (khoảng 13 tỷ đồng). Trong đó, riêng tiền dịch vụ sân đậu máy bay là hơn 528.000 USD.
Sau khi đấu giá chiếc máy bay, số tiền thu được sẽ phải trả cho các chi phí làm thủ tục như phí định giá tài sản, phí tổ chức đấu giá, khoản phí đậu tại sân bay Nội Bài… Nếu số tiền còn dư, sẽ được nộp cho ngân sách Trung ương.
Đầu tháng 5/2007, máy bay Boeing B727-200 thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), quốc tịch Campuchia, khai thác tuyến HAN-REP-HAN (Hà Nội - Siem Reap - Hà Nội) vì sự cố đã đỗ lại sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Sau đó, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nhiều lần trao đổi với đại diện của hãng RKA về việc khắc phục sự cố và di dời máy bay. Tuy nhiên, RKA và các đối tác liên quan không thực hiện việc di chuyển máy bay cũng như không có liên hệ nào.
Mới đây, Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia đã có thông báo việc giấy chứng nhận người khai thác máy bay của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA) đã bị thu hồi và máy bay B727-200 đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam có thể xử lý máy bay này theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo Nguyễn Đức/Dân Việt