Cuối năm 2013, chúng tôi có đến thăm một cơ sở nuôi trẻ không phép tại ấp 2, xã Suối Dây (huyện Tân Châu, Tây Ninh), tấm bảng ngoài cổng ghi: “Gia đình cô nhi”. Chủ cơ sở là bà Nguyễn Kim Ánh (70 tuổi). Bà Ánh cho biết mình có hộ khẩu ở phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM, lúc khác bà lại nói hộ khẩu ở Đồng Nai.
Trước đây hai năm, bà Ánh đến xã biên giới này cùng tám đứa trẻ bị bỏ rơi, trong đó có sáu trẻ không có giấy khai sinh. Thời điểm đó địa phương và ngành chức năng cho biết đang phối hợp xác minh nguồn gốc của những đứa trẻ và những lời khai của bà Ánh với địa phương.
Những đứa trẻ không rõ nguồn gốc
Không ai rõ nguồn gốc những đứa trẻ ngoài bà Ánh. Lúc đó chỉ hai em lớn tuổi nhất là Nguyễn Quốc Cường và Nguyễn Quốc Khiêm (đều 13 tuổi) là có giấy khai sinh. Hai em này là trẻ mồ côi, trước ở cô nhi viện Thiên Bình (Đồng Nai) nơi bà Ánh từng làm việc. Khi rời cô nhi viện năm 2008, bà nhận nuôi hai em này và đưa các em di chuyển nhiều nơi. Điểm cuối là xã biên giới ở Tây Ninh này cùng với sáu đứa trẻ khác.
Khi cơ quan chức năng kiểm tra vào cuối năm 2013, bà Ánh cho biết sáu em không có giấy khai sinh vì các em bị bỏ rơi trước cửa nhà bà, không có ai làm chứng và bà cũng không cho chính quyền địa phương biết. “Thấy bỏ thì tôi đem nuôi. Tôi không nhớ mấy đứa nhỏ bị bỏ rơi như thế nào. Chính quyền không cho làm giấy thì tôi chịu” - bà nói.
Thực tế lúc mới đến xã Suối Dây, bà có ra xã xin làm giấy khai sinh cho các em nhưng bị từ chối vì không ai rõ nguồn gốc của trẻ.
Hiện đã có một số người tìm đến hỗ trợ các em dù “gia đình cô nhi” nằm ở vùng sâu biên giới. Trong phòng của các em không hề có đồ chơi, chỉ chỏng chơ những chiếc cũi giữ trẻ nhỏ.
|
Bà Ánh và những đứa trẻ. Ảnh: HM
|
Những lời giải thích mập mờ
Phòng LĐ-TB&XH huyện đã kiểm tra nhiều lần, yêu cầu bà Ánh cung cấp giấy tờ chứng minh điều kiện kinh tế và xuất thân lý lịch của các cháu nhưng chưa lần nào bà Ánh cung cấp được. Mới đây nhất, ngày 30-6, Phòng LĐ-TB&XH đã có công văn đề nghị Chi cục Bảo trợ xã hội và Chăm sóc bảo vệ trẻ em cùng thanh tra sở phối hợp kiểm tra cơ sở này.
Bà Ánh nói có tiền cho thuê nhà ở Long Thành (Đồng Nai), lúc thì nói không chắc được bao nhiêu vì “tùy người ta”, lúc thì khẳng định trên 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, có sự trợ giúp của một phụ nữ tên Kim Ngân, quê ở Quảng Nam.
Giải thích việc nuôi các em ở vùng sâu dù có nhà rộng rãi ở Long Thành, bà nói: “Tôi thích ở vùng sâu vùng xa vậy đó. Tôi muốn đi vùng sâu vùng xa, vùng nào mà không ai biết…”.
Với các em này, nếu đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội, các em sẽ được làm giấy khai sinh hợp lệ, sau đó nếu được xét đủ điều kiện, bà Ánh có thể nhận nuôi một số em. Nhưng bà Ánh nói: “Tôi không muốn đưa các em này vào cô nhi tại vì vô đó chưa chắc gì nó sống được. Mình nuôi thì mình làm giấy”.
Bất ngờ, đầu tháng 7, bà Ánh đã nộp cho xã sáu bản sao giấy khai sinh. Các giấy này đều ghi nơi sinh của các em là nhà bảo sinh Ngọc Bích (phường Tân Biên, TP Biên Hòa, Đồng Nai). Trong đó hai em được khai là con của bà Dương Thị Kim Ngân (38 tuổi, quê quán Thăng Bình, Quảng Nam), ba em được khai là con của bà Nguyễn Kim Nhị (47 tuổi, quê ở Thanh Bình, Đồng Tháp). Theo tìm hiểu, chúng tôi biết rõ bà Ngân và bà Nhị chưa từng sinh con. Bất hợp lý nữa là có hai em “con” của bà Nhị có ngày sinh cách nhau… năm tháng.
|
Khai sinh hai đứa con cách nhau năm tháng tuổi của bà mẹ 47 tuổi. Ảnh: HM |
Làm giấy khai sinh để đối phó (?)
Ban đầu bà Ánh giải thích: “Có người sinh con bị mất nên nhận làm giấy khai sinh giúp cho các cháu”. Hỏi cách liên hệ được với những phụ nữ mất con thế nào, bà Ánh lòng vòng một hồi rồi thú nhận bà Nguyễn Kim Nhị (47 tuổi) là em ruột mình.
Ông Hoàng Văn Tỉnh (cán bộ địa chính xã Tam Phước, Biên Hòa, Đồng Nai; trước đây là cán bộ tư pháp xã) là người trực tiếp làm hồ sơ và cấp giấy khai sinh cho ba bé Khánh, Hiếu, Hằng con bà Nhị. Ông Tỉnh cho rằng xã làm đúng luật. “Đối với cô nhi viện thì người giám hộ có quyền giám hộ cho nhiều bé để nuôi và làm giấy khai sinh. Bà Nguyễn Kim Nhị đại diện cho trung tâm trẻ mồ côi Thiên Bình nên có quyền đứng ra bảo hộ, giám hộ và làm giấy khai sinh cho các cháu”.
Theo luật sư Nguyễn Thế Tân (Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh), khi đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh được để trống. Một nguyên cán bộ tư pháp xã đồng thời cũng là một luật gia ở Tây Ninh đã chỉ ra rằng xã Tam Phước cấp giấy khai sinh cho ba em bé trái quy định. Nếu muốn có tên mẹ trong giấy khai sinh, bà Nhị phải làm thủ tục nhận con nuôi đúng quy định pháp luật. Sau khi được UBND cấp xã ra quyết định công nhận việc nuôi con nuôi, bà Nhị mới có thể khai là mẹ của đứa bé. Trong khi đó ông Tỉnh cho biết bà Nhị đi đăng ký khai sinh cho các em với tư cách đại diện trung tâm trẻ mồ côi.
Như vậy có thể thấy xã Tam Phước cấp giấy khai sinh cho các em đã có nhiều sai sót. Thêm nữa, các em không hề ở với “mẹ” mà lại ở với bà Ánh. Chính quyền xã Tam Phước cũng không biết các em đang ở đâu.
Xã Tam Phước quá dễ dãi
Trở lại xã Tam Phước để xin tiếp cận hồ sơ gốc của hồ sơ đăng ký khai sinh cho các cháu, ông Trần Thanh Bạch (Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phước) lại cung cấp thông tin khác với ông Tỉnh. Theo ông Bạch, khi đi đăng ký, bà Nguyễn Kim Nhị khai đó là con ruột của mình và cung cấp giấy chứng sinh do nhà bảo sinh tư nhân Ngọc Bích cấp cùng giấy đăng ký tạm trú có thời hạn. Theo quy định, với hai loại giấy tờ trên thì đủ điều kiện để cấp giấy khai sinh cho Khánh, Hiếu và Hằng.
Vấn đề cháu Hiếu và Hằng sinh cách nhau chỉ năm tháng, ông Bạch thừa nhận đây là điều không thể xảy ra trong thực tế. Tuy nhiên, do bà Nhị xin cấp khai sinh cho các cháu ở những thời điểm khác nhau nên xã không thể kiểm tra sổ lưu và phát hiện sự bất hợp lý trên. “Sai sót trong trường hợp này lỗi thuộc về nhà bảo sinh tư nhân Ngọc Bích đã cấp giấy chứng sinh sai chứ không phải lỗi do xã” - ông Bạch nói.
Bà Nhị hiện không còn ở chỗ đăng ký tạm trú nữa. Căn nhà của bà Nhị do bà Kim Ngân thuê. Bà Ngân cũng là người đăng ký khai sinh cho hai đứa trẻ mà bà Ánh đang nuôi với tư cách là mẹ dù bà Ngân chưa từng lập gia đình và sinh con. Ở đây cũng đang nuôi một cháu bé sơ sinh nữa, được giới thiệu là con của bà Ngân. Hàng xóm cho biết bà Nhị đã chuyển về Đồng Tháp. Người dân cũng cho biết thỉnh thoảng bà Ánh có về ngôi nhà trên.
Theo Pháp Luật Thành Phố