Chính vì khi đang cần tiền gấp, sinh viên thường tìm ngay đến các quán dịch vụ cầm đồ, cho vay để giải quyết trước mắt, không màng đến mức lãi suất cắt cổ. Tuy nhiên, không ít các bạn sinh viên đã trở thành nạn nhân cho hoạt động tín dụng đen với mức lãi suất cắt cổ này.
Khi không có khả năng trả nợ, sinh viên sẽ chìm trong vòng luẩn quẩn của nợ gốc lẫn lãi cho đến khi trả bằng đủ. Những chiêu đòi nợ của chúng không rầm rộ kiểu đánh đấm mà hết sức khôn khéo, dọa nạt những điểm yếu của người vay để trả tiền.
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, có muôn hình vạn trạng chiêu thức đòi nợ mà giới tín dụng đen sử dụng để đòi nợ, đặc biệt trong đó là việc nuôi đàn em chuyên đòi nợ. Đây thường là những thành phần bất hảo, không có công ăn việc làm, lang thang chơi bời được thu nạp.
Khi đi đòi nợ, chúng sẽ thực hiện "tác chiến" mềm dẻo, linh hoạt trước, nếu đường cùng không đòi được nợ mới bắt đầu tung ra các chiêu thức dọa nạt, đánh đấm. Do đó, hoạt động đi đòi nợ này dễ biến tấu thành những hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí trở thành tội phạm chủ yếu như: hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... Từ đó, có rất nhiều hoàn cảnh cười ra nước mắt với việc trả nợ này.
|
Nuôi đàn em để đòi nợ thuê (minh họa - nguồn internet). |
Nguyễn Ngọc N. (SV trường cao đẳng Xây Dựng số 1) cho biết: “Do ham chơi, em xin 3 triệu đồng tiền học phí nhưng tiêu hết, đến hạn nộp học, “cấn” quá em ra cắm cái thẻ sinh viên lấy 5,8 triệu đồng, lãi 8 nghìn đồng/ngày, mỗi tháng em phải nộp gần 1,4 triệu đồng. Nhưng số tiền nhiều quá, e chỉ đóng được vài tháng đầu xong bùng trốn luôn. Nhưng biết chỗ em học, ngày nào quán cũng cho người đứng trước cổng trường săn, nhiều khi em phải nghỉ học, nhờ bạn bè điểm danh, nếu có đi cũng phải canh trừng nhưng rồi cũng bị tóm vì các anh ấy làm căng quá”.
Theo lời kể của N., sau khi bị tóm, N. bị đưa về quán để nói chuyện tử tế, hỏi han về khả năng có trả được nợ hay không, nếu không có khả năng, chúng còn bày ra cách chuyển số nợ đó cho người khác bằng việc nhờ người khác viết giấy bảo lãnh: nếu N. không trả được thì người bạn kia sẽ trả thay.
Một trường hợp khác, Hoàng Xuân Ư. là cán bộ của một cơ quan nhà nước dưới tỉnh, học tại chức ở Hà Nội cũng sập bẫy bởi trò cho vay sinh viên. Chia sẻ với PV, anh Ư. cho biết: “Tôi vay ngày đó cũng với lãi 5 nghìn đồng/ngày với khoản nợ 10 triệu đồng. Lãi dồn lên, mình không trả nợ được, nó cũng săn lùng ác lắm, gọi điện mình không nghe. Rồi một hôm đi làm thấy con Innova đứng trước cơ quan, thấy mình, đám đông khoảng 5-6 người đầu trọc lốc, xăm trổ đến gần rồi gọi lên xe. Bọn đó dọa nếu không trả sẽ vào cơ quan làm um lên, nhưng mình xin được nên đành phải vay chỗ khác trả vào”.
Đặc biệt, chiêu về tận nhà sinh viên đòi nợ được cho là phổ biến hơn cả. Lúc này, bọn chúng biết phụ huynh là những người lo lắng nhất cho con cái mình nên cứ nhằm vào đó đòi tiền. Thường, những tên đòi nợ này đi tốp 4-5 người hoặc nhiều hơn để về nhà. Chúng rất bình tĩnh, bài bảng, nói chuyện đàng hoàng với phụ huynh và đưa ra giấy vay nợ. Nếu phụ huynh không trả thay, chúng sẽ chây lì ở đó, không làm gì cả.
Đường cùng, chúng sẽ không ngần ngại buông ra những lời đe dọa kiểu “Nếu sau này con cái cô chú có bất kỳ mệnh hệ gì thì đừng trách chúng tôi không báo trước”. Do đó, vì lo lắng sợ hãi nên phụ huynh đành phải trả nợ, có những khoản nợ lên đến hàng trăm triệu đồng cũng vẫn phải cắn răng trả hết.
Theo PV/Người đưa tin