Thời gian gần đây, “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc được cài cắm trong hàng loạt sản phẩm tại Việt Nam cho thấy đây không phải là một hiện tượng bình thường mà khiến các cơ quan chức năng Việt Nam phải suy nghĩ, tìm giải pháp để ngăn chặn.
Sau sự việc quả địa cầu dùng để dạy học cho học sinh có “đường lưỡi bò”, thời gian gần đây, trên nhiều sản phẩm, lĩnh vực giáo dục, văn hóa, công thương cũng liên tục phát hiện đường lưỡi bò được Trung Quốc cài cắm. Ví dụ như trong bộ phim truyện hoạt hình Everest - Người tuyết bé nhỏ, trong cuốn cẩm nang du lịch Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Lữ hành Saigontourist phát cho khách, trong giáo trình dạy học của Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, trên phần mềm bản đồ chỉ đường của hàng loạt xe ô tô như xe Volkswagen, ô tô ZOTYE và BAIC, Hanteng...
|
"Đường lưỡi bò" phi pháp trên mẫu Zotye Z8 trưng bày tại đại lý của công ty Kylin-GX668. Ảnh: Zing |
Để làm rõ những mánh khóe của Trung Quốc khi cài cắm hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp vào các hàng hóa nhập khẩu sang Việt Nam và những giải pháp để ngăn chặn tận gốc tình trạng trên của các cơ quan chức năng, PV Kiến Thức đã có cuộc phỏng vấn Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu tỉnh Đồng Tháp, người vừa chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về trách nhiệm trong việc này tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 6/11.
Vì sao nhiều sản phẩm có “đường lưỡi bò” của Trung Quốc?
- Việc hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc xuất hiện hàng loạt trên các sản phẩm, hàng hóa được nhập về Việt Nam cho thấy động cơ gì của Trung Quốc, thưa ông?
Việc hàng loạt sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam phát hiện “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc là do Trung Quốc tuyên truyền “đường lưỡi bò” của họ trong nước họ, trên cả thế giới và trong đó có Việt Nam. Bởi "Đường lưỡi bò" hay "đường chín đoạn" là khái niệm mà Trung Quốc tự vẽ ra và dựa vào đó để tuyên bố quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Dù thực tế yêu sách này hoàn toàn trái với luật quốc tế và trên thực tế, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.
Rõ ràng, khi các sản phẩm hàng hóa vào Việt Nam có chứa hình ảnh “đường lưỡi bò” thì chúng ta không thể chấp nhận được. Bởi chủ quyền biển đảo, lãnh hải đã được khẳng định. “Đường lưỡi bò” Trung Quốc tự vẽ ra bao trùm đến gần 90% diện tích Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia ven biển như Việt Nam.
Bản đồ “đường lưỡi bò' trên các sản phẩm của Trung Quốc là một cách tuyên truyền về đất nước của họ, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam nên chúng ta không thể chấp nhận được.
Có kẽ hở trong khâu kiểm tra, kiểm soát của cơ quan hải quan
- Trong phiên chất vấn tại Quốc hội chiều 6/11, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh về trách nhiệm liên quan hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trên phần mềm một số ô tô được nhập về trong nước. Dư luận cho rằng, việc kiểm soát những sản phẩm hàng hóa này thuộc về trách nhiệm của cơ quan hải quan, ông nghĩ sao về điều này?
Hàng hóa của họ chứa nhiều hình ảnh “đường lưỡi bò” được nhập vào Việt Nam. Nay tôi thấy Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời về “đường lưỡi bò” xuất hiện trên phần mềm ứng dụng dẫn đường của một số xe ô tô, tôi thấy cũng hài lòng.
Hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam thì Hải quan Việt Nam phải có trách nhiệm kiểm tra gắt gao, nhất là những hàng hóa có khả năng chứa bản đồ “lưỡi bò” cao. Ngoài việc biết nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm, hàng hóa đó và xem có hình lưỡi bò phi pháp hay không?
Tôi nghĩ cơ quan Hải quan phải có trách nhiệm trong việc này, không thể để hàng hóa Trung Quốc chót lọt rồi tuyên truyền “đường lưỡi bò” phi pháp trên những hàng hóa đó đến những người tiêu dùng Việt Nam là không thể chấp nhận được. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn của tôi cũng đã nhận trách nhiệm vì để lọt lưới những mặt hàng đó.
- Như vậy là vẫn còn kẽ hở trong khâu kiểm tra, giám sát hàng hóa nhập khẩu của cơ quan hải quan?
Thực tế phải nhìn nhận, thời gian qua, Hải quan họ cũng phát hiện, bắt giữ nhiều hàng hóa có chứa hình lưỡi bò và đưa ra các biện pháp xử lý, tịch thu như hình quả cầu để lọt lưới mấy trăm quả thì đã thu hồi, tiêu huỷ hết. Nay đến ô tô cũng đang xem xét tịch thu.
Việc để lọt lưới này do có sơ hở trong việc nhập khẩu những hàng hóa của Trung Quốc mà không kiểm tra, giám sát chặt chẽ dẫn đến chuyện hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng chứa hình ảnh phi pháp.Cho nên phải xử lý, giải quyết một cách nghiêm túc.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
Giải pháp ngăn chặn hàng hóa chứa “đường lưỡi bò” của Trung Quốc
- Trước thực trạng trên, theo đại biểu, chúng ta cần đưa ra những giải pháp gì để ngăn chặn hàng hóa chứa hình ảnh “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vào Việt Nam?
Bây giờ phát hiện sản phẩm chứa hình “lưỡi bò” thì phải cương quyết xử lý. Nếu ai tuyên truyền hình ảnh ấy cũng phải bị xử lý.
Làm sao chúng ta phải cương quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta. Những luận điệu xuyên tạc, tuyên truyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, chúng ta phải cương quyết bác bỏ.
Đồng thời hàng hóa nhập phải kiểm tra gắt gao. Cùng với đó, trách nhiệm của chúng ta là phải tuyên truyền cho người dân hiểu để có ý thức, nhận thức vấn đề đó, hiểu đường “lưỡi bò” là phi pháp, biển đảo của mình là của mình chứ không phải của Trung Quốc. Chúng ta phải khuyến cáo người dân khi dùng sản phẩm từ Trung Quốc không để xảy ra việc phát tán những sản phẩm có “đường lưỡi bò” tràn lan trên lãnh thổ Việt Nam.
Xin cảm ơn Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa!
Giáo trình có "đường lưỡi bò" bị cấm lên lớp - Nguồn VTC Now.
Hải Ninh