Gửi bà Vũ Thị Ánh – chủ công trình Mã Pì Lèng Panorama!
Tôi vừa xem tin trên báo chí và được biết công trình Mã Pì Lèng Panorama của bà đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất quan điểm và phương hướng giải quyết của UBND tỉnh Hà Giang cho phép bà được cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch. Quả thực đó là một tin vui đối với bà và tôi xin chúc mừng bà.
Theo dõi thông tin vụ việc mấy ngày nay, tôi phục sự liều lĩnh, bất chấp các quy định pháp luật của bà khi xây dựng một công trình đồ sộ lên tới 7 tầng với bốn số không: Không giấy phép xây dựng, không có giấy chứng nhận đầu tư, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không có văn bản thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể theo và Du lịch.
Có thể bà không liều lĩnh như tôi nghĩ khi bỏ ra số tiền nhiều tỷ đồng để dựng lên một công trình không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở đến tầm nhìn của du khách tham quan; ảnh hưởng đến môi trường khi công trình đi vào hoạt động mà chưa có đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có nguy cơ bị phá bỏ nếu sự việc lộ sáng.
|
Công trình Mã Pì Lèng Panorama. |
Bởi chỉ người có quan hệ với quan chức địa phương mới có thể dựng lên một công trình trái phép mà đến nay khi báo chí rầm rộ đăng tin mới bị “sờ gáy”.
Tôi đọc nhiều ý kiến nói phải có quan hệ khủng thế nào để các quan chức địa phương không nghe, không biết, không thấy trong suốt một thời gian dài hoặc họ có biết nhưng mắt nhắm mắt mở để công trình hoàn thiện đưa vào sử dụng. Không quan hệ, không tiền tệ thì một thường dân như bà, như tôi khó làm được điều đó. Tuy nhiên, ngẫm nghĩ lại có thể do bà tự ý làm liều thật trong khi quan chức Hà Giang “nhà bao việc” nên không để ý đến việc làm trái phép của bà, chứ không hẳn họ có quan hệ với bà mà không dám kiên quyết xử lý công trình vi phạm của bà.
Bằng chứng mới đây, khi báo chí đăng tin về công trình của bà, UBND tỉnh Hà Giang trong một báo cáo gửi Thủ tướng cho biết,Quan điểm và phương hướng giải quyết vấn đề này của UBND tỉnh Hà Giang là không bao che sai phạm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời khắc phục những sai phạm trong xây dựng công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama tại khu vực Mã Pì Lèng theo đúng các quy định của pháp luật. Trước đó, Sở Xây dựng Hà Giang cũng đề xuất đập bỏ 6 tầng giật cấp bám sườn đèo tại công trình của bà và mới đây, đoàn kiểm tra của UBND huyện Mèo Vạc đã tới kiểm tra, làm việc đã yêu cầu tạm dừng hoạt động công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama trên đèo Mã Pì Lèng của bà. Điều đó chứng tỏ, họ không nhắm mắt làm ngơ, không dây dưa với bà để mang tiếng xấu.
Tôi thông cảm với những hành động của bà, bởi bất kỳ một người làm kinh doanh nào đều phải vì lợi ích cá nhân của bản thân mình. Nhất là với một người phụ nữ như bà, để dựng lên một công trình trên mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” ở nơi thâm sơn cùng cốc, bà chấp nhận bỏ tiền mua một mảnh đất mà gọi đúng tên là một mỏm đá hoang không trồng được ngô, sắn. Để dựng lên công trình xây dựng trên, bà đã phải trải qua nhiều khó khăn khi tự mình gùi những viên gạch từ trên vách đá xuống, dù không phải thợ xây nhưng đã tự tay vạch vữa, ghép đá kè móng. Biết rằng bà làm vì đam mê, vì kỷ niệm của bố và em trai và mong muốn làm công trình gì đó cho cảnh quan đẹp hơn. Tuy nhiên, bà đã mắc phải một sai lầm, có thể xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc cũng có thể bà biết hết nhưng vẫn quyết tâm triển khai.
Tiếc rằng, trên mảnh đất mà bà từng gắn bó từ nhỏ đến giờ, thay vì góp phần làm mảnh đất ấy thêm rạng rỡ, bà dựng xây một công trình không thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh công viên cao nguyên đá Đồng Văn theo quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng phê duyệt. Thậm chí còn ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên môi trường nơi đây, tạo điều tiếng không hay trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hậu quả những ngày qua, bà đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, nguy cơ công trình bị phá dỡ đã khiến bà phải suy nghĩ, thậm chí tiêu cực đến mức nghĩ đến việc “chỉ còn nước nhảy xuống sông Nho Quế, vì toàn bộ tài sản của tôi đều ở đây rồi". Và rồi để giữ lại công trình trên, để cứu vớt những niềm hi vọng, bà vẫn tích cực phủ sơn màu xanh lá lên các bức tường Mã Pì Lèng Panorama để phù hợp với thiên nhiên, tiếc rằng, khi vừa triển khai báo chí lại ví von công trình của bà “như một con tắc kè hoa”.
Nhưng đó là chuyện của ngày hôm qua, với quyết định của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, bà có thể thở phào nhẹ nhõm. Cho dù có phải dỡ bỏ 6 tầng và được giữ lại một tầng như đề xuất của Sở Xây dựng hoặc cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch với quy mô, kiến trúc phù hợp, không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn cảnh, đảm bảo an toàn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường, phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc ở Hà Giang thì đương nhiên công trình của bà vẫn được tồn tại dù chỉ còn một tầng.
Tuy nhiên, dù giữ nguyên hay còn một tầng, có một sự thật, công trình của bà vẫn thực sự là khối bê tông án ngữ cảnh quan, dù có chỉnh đi, chỉnh lại thế nào cũng vẫn thô lắm, vẫn ảnh hưởng đến cảnh quan, vẫn khiến nhiều người bức xúc. Hơn nữa, tôi không rõ cải tạo trên cơ sở 6 tầng phá dỡ, 1 tầng giữ lại hay chị được giữ cả 7 tầng, thế thì tôi lại sợ cái phần nhô ra sông Nho Quế, bà xây chưa thẩm định duyệt thiết kế, nếu không đảm bảo thì dù chỉnh trang phù hợp cảnh quan, nhưng ẩn sâu đó thì tôi sợ sập.... Có thể đó chỉ là điều tôi lo lắng nhưng cũng có thể là ý kiến để bà tham khảo làm sao chỉnh trang, cải tạo cho phù hợp với cảnh quan lại đảm bảo được an toàn.
Cuối cùng tôi xin được chúc mừng bà một lần nữa và thành tâm cảm ơn bà. Bởi qua vụ việc trên, tôi đã thấy cách quan chức Hà Giang ứng xử với cảnh quan thiên nhiên như thế nào. Hi vọng mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến với bà khi bà chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Đức Tâm