Lý do phụ nữ vẫn sập “bẫy tình” qua Facebook

Google News

Dù đã được cảnh báo nhiều, nhưng trong thời gian qua, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều phụ nữ tại Việt Nam trên facebook vẫn diễn ra.

Ðánh vào lòng tham
Thời gian qua, Cục Cảnh sát hình sự (C45), Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an và công an các tỉnh, thành phố đã thụ lý hàng trăm vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều phụ nữ tại Việt Nam thông qua hình thức kết bạn trên mạng xã hội, với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Tình trạng này có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở TP.HCM, theo thống kê từ năm 2014 - 2016, cơ quan công an đã tiếp nhận 58 đơn tố cáo về loại tội phạm này, khởi tố 32 vụ án, 21 bị can (trong đó có 2 bị can người Nigeria) với số tiền chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng.
Ly do phu nu van sap “bay tinh” qua Facebook
Đối tượng người Nigeria và một đối tượng người Việt trong băng nhóm tội phạm lừa đảo bị Công an TP. Cần Thơ triệt phá. 
Trong tháng 4/2017, Công an quận 7 đã nhận được trình báo vụ việc của bà N.T.T (67 tuổi, ngụ quận 7) bị một người ngoại quốc lừa hơn 1 tỷ đồng. Khai báo với cơ quan công an, bà T. cho biết, thông qua mạng xã hội Facebook, vào đầu tháng 3/2017, bà có quen một người đàn ông ngoại quốc tên Juliangandel.
Sau đó, Juliangandel hứa sẽ gửi cho bà T. một kiện quà, bên trong có chứa 100.000 USD.
Đến ngày 19/3, bà T. nhận được điện thoại của người phụ nữ giới thiệu là nhân viên hải quan. Người phụ nữ này thông báo với bà T. kiện quà biếu gửi cho bà đã từ nước ngoài về đến Việt Nam và yêu cầu bà phải đóng các khoản phí để làm thủ tục nhận kiện quà.
Theo sự hướng dẫn của người phụ nữ này, bà T. đã 6 lần ra ngân hàng để chuyển tổng cộng hơn 1 tỷ đồng vào 3 tài khoản ngân hàng khác nhau mà người phụ nữ trên chỉ định. Khi xong việc, bà T. đã mất liên lạc với người bạn Juliangandel. Hiện vụ việc đang được Công an TP. HCM điều tra làm rõ.
Trước đó, Công an TP. HCM cũng nhận được đơn tố cáo của bà H. bị một người nước ngoài tên Jame Oscar Herera (quốc tịch Mỹ) giới thiệu là kỹ sư hàng hải, sinh sống và làm việc tại Mỹ lừa đảo.
Qua vài tháng đầu nhắn tin, nói chuyện qua Facebook, Jame muốn tìm hiểu để cưới bà H. làm vợ, Jame nhắn tin báo cho bà H. biết anh ta đang qua Malaysia thực hiện dự án đầu tư về dầu khí trị giá 4 triệu USD dẫn dầu từ biển vào đất liền.
Để tạo lòng tin, Jame còn gửi hình ảnh về dự án này cho bà H. xem và đặt vấn đề nhờ bà H. vay một số vốn để thực hiện dự án. Jame hứa trả lại vốn cho bà trong vòng 5 tháng và còn thưởng cho bà 500.000 USD. Mù quáng nghe theo Jame, bà H. đã gom góp và vay mượn để 14 lần chuyển với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng cho Jame.
Liên quan đến hành vi dùng bẫy tình để lừa đảo, Công an TP. Cần Thơ đã triệt phá 2 chuyên án, bắt 6 đối tượng (2 đối tượng người Nigeria và 4 đối tượng nữ người Việt Nam) lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng chục bị hại ở nhiều tỉnh, thành khác nhau với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Quá trình điều tra mở rộng chuyên án còn xác định đồng bọn của các bị can đã mở 28 tài khoản ngân hàng khác nhau để lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 21 tỷ đồng, đã xác định được 165 bị hại ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Ngoài ra, các đối tượng trong nhóm còn liên quan đến đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy xuyên quốc gia...
Ly do phu nu van sap “bay tinh” qua Facebook-Hinh-2
Cơ quan công an lấy lời khai đối tượng người gốc Phi trong băng nhóm lừa đảo bẫy tình qua Facebook. 
Nắm bắt tâm lý từng phụ nữ để lập thủ đoạn lừa đảo hợp lý
Theo Cục Cảnh sát hình sự, từ những vụ việc trên cho thấy, tội phạm sử dụng mạng xã hội với thủ đoạn dùng bẫy tình để lừa đảo phụ nữ chiếm đoạt tài sản, hoạt động tinh vi, có tổ chức với phương thức rất đa dạng.
Đối tượng tội phạm có thể là người Việt Nam hoặc người nước ngoài kết hợp với người Việt Nam để lừa đảo. Riêng nhóm đối tượng người nước ngoài chủ yếu cầm đầu đường dây hoạt động này là người gốc Phi (Nigeria), lên mạng xã hội nhắn tin làm quen với bị hại, dùng hình ảnh của người khác giới thiệu mình có cuộc sống thành đạt, có địa vị xã hội như: bác sĩ, kỹ sư, thương gia, quân nhân Mỹ..., đánh vào tâm lý người dân muốn quen người nước ngoài, tính hám lợi của bị hại, nhắn tin gửi quà tặng có giá trị lớn từ nước ngoài cho bị hại, đồng thời cấu kết với đối tượng người Việt Nam đóng giả các nhân viên công ty giao nhận hàng hóa, nhân viên sân bay, cán bộ hải quan...
Đáng chú ý, các đối tượng tội phạm đã nghiên cứu rất kỹ tâm lý từ thông tin của phụ nữ độc thân trên các mạng xã hội để tiếp xúc, làm quen với bị hại trong khoảng thời gian dài để tìm hiểu nghề nghiệp, tâm tư, tình cảm, sinh hoạt đời sống cá nhân, từ đó dẫn dụ, bày ra các thủ đoạn lừa đảo thật hợp lý. Không chỉ giỏi nắm bắt tâm lý của phụ nữ, giỏi ăn nói, mà các đối tượng gây án còn am hiểu về công nghệ thông tin cũng như các lĩnh vực xã hội khác. Vì thế, nhiều phụ nữ không cảnh giác đã dễ dàng “dính bẫy” của chúng.
Qua thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này, Tổng cục Cảnh sát đánh giá quy mô, mức độ thiệt hại mà loại tội phạm này gây ra là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội.
Trong thời gian tới, tình hình tội phạm sử dụng mạng xã hội với thủ đoạn dùng bẫy tình để lừa đảo phụ nữ chiếm đoạt tài sản vẫn còn diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng với những phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, hoạt động có tổ chức, chuyên nghiệp.
Do vậy, người dân cần hết sức cảnh giác, nhận biết nguy cơ bị lừa đảo khi nhận được tin nhắn hay yêu cầu kết bạn trên mạng xã hội từ người nước ngoài không quen biết; khi nhận được yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản lạ, người dân phải bình tĩnh không làm theo yêu cầu của đối tượng và khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ, người dân cần thông báo cho cơ quan công an biết để phối hợp, ngăn chặn kịp thời.
Theo Ng. Đỗ - T. Vinh (Sức khỏe & Đời sống)