Chiều 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng bạo lực gia đình là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ảnh: QH.
Cụ thể, về công tác phòng ngừa, ngăn chặn, hỗ trợ, bảo vệ trong phòng, chống bạo lực gia đình, Luật còn một số khái niệm chưa được làm rõ, dẫn đến những cách hiểu khác nhau trong quá trình tổ chức thực hiện.
Luật hiện hành không có điều khoản riêng quy định về giải thích từ ngữ, do đó còn thiếu một số khái niệm quan trọng, một số khái niệm chưa được giải thích rõ.
Bên cạnh đó, các quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình vẫn còn bất cập. Luật hiện hành xác định rõ nguyên tắc lấy phòng để chống nhưng biện pháp phòng ngừa trong Luật hiện hành chưa chủ động, không bảo đảm tính liên tục. Việc phòng, chống bạo lực gia đình cần thực hiện trước khi xảy ra, khi đang xảy ra và khi kết thúc.
Tờ trình cũng chỉ ra hạn chế của công tác hòa giải trong 15 năm thực hiện Luật. Theo đó, công tác này trong phòng, chống bạo lực gia đình cũng chưa phát huy được hiệu quả. Đặc biệt, khi nào thì phải xử lý một tình huống bằng hòa giải và khi nào thì cần các biện pháp khác chưa được quy định rõ trong Luật.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Luật hiện hành còn thiếu những quy định để xử lý trường hợp hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật cũng chưa quy định rõ về thẩm quyền và trách nhiệm của công an cấp xã trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, xác minh và xử lý hành vi bạo lực gia đình… Ngoài ra, Luật hiện hành chưa quy định cụ thể về trách nhiệm cũng như biện pháp xử lý đối với người đứng đầu trong phòng, chống bạo lực gia đình. Thực tế cho thấy lực lượng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình cần phải thiết lập ở cộng đồng dân cư để nâng cao tính chủ động, phòng ngừa. Luật chưa có giải pháp cụ thể về mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.
Mai Loan