Luật An ninh mạng đã được các đại biểu Quốc hội thông qua với tỷ lệ 86,86% trong phiên họp ngày (12/6). Trong khi nhiều ý kiến đánh giá đây là dự luật cần thiết trong bối cảnh không gian mạng phát triển bùng nổ như hiện nay, thì một số ý kiến khác lại lo ngại dự luật gây khó cho người sử dụng mạng cũng như các công ty cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực này. Vậy lo ngại này có cơ sở?
Để có thêm góc nhìn về nội dung này, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty luật Brsoo & Cộng sự, người có nhiều thời gian nghiên cứu luật này.
|
Ông Nguyễn Hồng Bách, Công ty luật Brsoo & Cộng sự |
Phóng viên: Thưa luật sư, theo quan sát của ông đâu là những điểm tiến bộ trong bộ Luật An ninh mạng mà vừa được Quốc hội thông qua?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Khi ban hành Luật An ninh mạng, lần đầu tiên các hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, quyền và nghĩa vụ của người dân Việt Nam trên không gian mạng, cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được quy định trong một văn bản luật với các chính sách, nguyên tắc và các biện pháp đảm bảo an ninh mạng, cũng như những quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức và cá nhân có liên quan đã được quy định cụ thể.
Điều đó tạo ra khung pháp lý thúc đẩy hiệu lực và hiệu quả của công tác đảm bảo an ninh mạng, cũng như nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và toàn xã hội trong công tác đảm bảo an ninh mạng.
Từ đó sẽ góp phần đảm bảo và bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực này.
Phóng viên: Trên nhiều diễn đàn cũng như mạng xã hội, nhiều ý kiến lo ngại Dự luật sẽ gây khó khăn cho người sử dụng, thậm chí thu hẹp quyền tự do của mỗi người. Theo quan sát của ông, lo ngại này liệu có cơ sở?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Chính phủ phải lắng nghe ý kiến của dân, đó là điều cần thiết và phải làm vì có yêu nước, yêu chính thể này thì dân mới góp ý và lo lắng. Thực tế, chúng ta cũng không tránh khỏi có thể có những vấn đề chưa triệt để. Tuy nhiên, có thể nhiều người còn lo lắng nhưng tôi chưa thấy Luật có quy định nào thu hẹp hoặc cản trở, hạn chế các quyền tự do và dân chủ của người dân.
Các quy định của Luật chỉ giúp nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, tạo ra các hành lang pháp lý để đảm bảo tốt hơn công tác phòng chống, ngăn chặn và xử lý các hành vi trái pháp luật trên không gian mạng.
Nếu người dùng mạng thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật, không thực hiện các hành vi trái pháp luật thì sẽ không có bất kỳ một sự hạn chế nào. Tuy nhiên, nếu người dân phát hiện sai sót hoặc điều luật nào cản trở, hạn chế quyền của mình thì cần phải có ý kiến góp ý để Quốc hội, Chính phủ tiếp thu và xem xét thậm chí là điều chỉnh nếu thấy đúng.
Phóng viên: Một trong những quy định gây nhiều tranh cãi trong luật là, sẽ xử lý nghiêm những đối tượng đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng...". Nhiều ý kiến cho rằng họ không rõ thông tin nào được quy là phá hủy thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội để mà không vi phạm và giới hạn rất mong manh, ai sẽ quyết định thông tin đó có vi phạm hay không? Xin hỏi quan điểm của ông?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 của Luật An ninh mạng là để bảo vệ người dân, chỉ khi có các quy định này thì chúng ta mới có cơ sở pháp lý để ngăn chặn, xử lý các hành vi trái pháp luật, bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, cơ quan, tổ chức, Nhà nước và xã hội trước sự xâm hại của các hành vi trái pháp luật đó.
Do đó luật cần phải ra đời, dưới Luật còn có các văn bản hướng dẫn như Nghị định và Thông tư. Theo tôi, các cơ quan Nhà nước cũng nên tiếp tục lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp, phản biện từ xã hội, các tầng lớp nhân dân vì các ý kiến này hết sức quý báu, để có thể tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn quy định chi tiết và cụ thể hơn, để đảm bảo tính chặt chẽ, nghiêm minh trong việc xử lý các hành vi vi phạm nhưng cũng không làm cản trở, hạn chế bất hợp lý các quyền tự do, dân chủ của người dân.
Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng quy định cụ thể về yêu cầu lưu trữ dữ liệu người dùng, dữ liệu quan trọng ở trong nước và yêu cầu công ty cung cấp dịch vụ phải mở văn phòng tại nước ta là cần thiết để đảm bảo chủ quyền và an ninh quốc gia cả ngoài thực lẫn không gian mạng. Tuy nhiên, một số ý kiến lại bày tỏ ý kiến việc quy định lưu trữ dữ liệu như vậy là không phù hợp với quy định của các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, và làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và bỏ việc quy định đặt máy chủ ở Việt Nam, còn việc đặt văn phòng cũng như lưu trữ dữ liệu người dùng ở Việt Nam thì có lẽ nhà làm luật căn cứ trên:
Thứ nhất: Dữ liệu và thông tin người dùng tại Việt Nam thì thì nếu được lưu trữ ở Việt Nam có thể dựa trên yếu tố chủ quyền lãnh thổ. Các thông tin về người Việt Nam, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam được khi phát sinh các hoạt động và giao dịch và thậm chí tranh chấp thì do tài phán của Việt Nam giải quyết. Khi đó nếu không có căn cứ và cơ sở dữ liệu sẽ rất khó để cơ quan chức năng giải quyết theo đơn thư yêu cầu của cá nhân hoặc tổ chức.
Thứ hai: Quy định này cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý Nhà nước, đặc biệt là việc điều tra, xác minh nguồn gốc, phương thức của các hoạt động trái pháp luật, tội phạm trên không gian mạng.
Thứ ba: Hiện nay, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng như Facebook, Google đang thu thập rất nhiều dữ liệu người dùng nhưng Việt Nam lại chưa có cơ sở pháp lý và biện pháp để đảm bảo việc lưu trữ và khai thác dữ liệu đúng mục đích nên thông tin người dùng có thể bị sử dụng vào những mục đích khác nhau thậm chí là có thể dữ liệu của chúng ta bị lạm dụng, xâm phạm mà ta không biết.
Do đó, tôi cho rằng quy định này là cơ sở để quản lý và bảo vệ chặt chẽ hơn dữ liệu, quyền riêng tư của người dùng tại Việt Nam.
Thứ tư: Pháp luật của một số quốc gia là thành viên của WTO (như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Pháp, Hy Lạp, Đan Mạch, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Venezuela, Colombia, Argentina, Brazil, Indonesia, Trung Quốc) đã có quy định phải lưu trữ dữ liệu người dùng trong lãnh thổ quốc gia.
Phóng viên: Một số ý kiến khác cho rằng, luật an ninh mạng ra đời trao nhiều quyền cho cơ quan an ninh kiểm soát công ty cung cấp dịch vụ, từ đó dễ gây ra cơ chế xin cho và nảy sinh các tiêu cực. Theo ông lo ngại này là có cơ sở hay không và nếu có thì cần khắc phục phòng ngừa ra sao?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Khi chúng ta tăng cường công tác quản lý thì có thể làm phát sinh các thủ tục hành chính, hoặc điều kiện, giấy tờ nhất định, đó là một thực tế nhiều khi cũng rất khó tránh. Đặc biệt, đây lại là lần đầu tiên chúng ta ban hành và thực thi Luật an ninh mạng nên có thể phát sinh những bất cập nhất định trong thực tiễn, cũng như những thiếu sót và hạn chế trong quy định pháp lý.
Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét và tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, Chính phủ phải ban hanh nghị định, bộ công an phải ban hành thông tư để hướng dẫn doanh nghiệp và người dân cho phù hợp nhất với thực tiễn, thậm chí là phải tiếp thu, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật nếu thấy không hợp lý trong quá trình thực thi, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV