Kịch bản ứng cứu lũ lụt mức báo động 2 và 3
Bản tin Đài Dự báo khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ, chiều 11/9, cho biết, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội lúc 16h ngày 11/9, là 11,22 m, dưới báo động ba 0,28m. Dự báo, mực nước sông Hồng tiếp tục biến đổi chậm, sau đó xuống. Cảnh báo lũ trên sông vẫn ở mức cao gây ngập lụt vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, vùng ven sông, nguy cơ mất an toàn một số tuyến đê.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã ban hành lệnh báo động lũ cấp 2 trên sông Hồng. Cùng ngày, một số địa phương như Hải Dương nâng mức báo động ba sông Thái Bình và báo động hai sông Luộc.
|
Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội 11,26m, dưới BĐ3 0,24m được duy trì nhiều giờ |
Theo Quyết định 05 của Thủ tướng năm 2020, cấp báo động hai được đưa ra khi lũ dâng cao, gây ngập lụt diện rộng, ảnh hưởng các vùng bằng phẳng, làm gia tăng nguy cơ xói lở đê, cầu và bờ sông. Trong khi đó, cấp báo động ba là mức lũ nguy hiểm nhất, khi mực nước đã rất cao, gây ngập lụt toàn diện, kể cả trong các thành phố.
Căn cứ tình hình thực tế tại từng khu vực bị báo động, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại địa phương sẽ triển khai kịch bản ứng phó lũ, yêu cầu thực hiện những biện pháp phù hợp để đảm bảo an toàn.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, với mức lũ như hiện nay ở Hà Nội, khu vực nội thành và trong đê ít bị ảnh hưởng. Vùng ngập chủ yếu là trũng, thấp ngoài đê, bãi giữa sông Hồng. Mực nước thượng nguồn sông Hồng, sông Lô, sông Thao đã đạt đỉnh, có xu hướng giảm, hồ chứa đang điều tiết cắt giảm lũ.
Ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý Dự báo Khí tượng Thủy văn (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định, nước lũ mức 11,02 m trên sông Hồng chỉ khiến khu vực ngoài đê bị ngập, không ảnh hưởng nội thành. Trường hợp lũ trên sông Hồng lên mức báo động ba, nội thành Hà Nội vẫn an toàn, không bị ngập.
Ông Long nói rằng, hồ Hòa Bình, hồ Tuyên Quang tiếp tục đóng thêm cửa xả là những thông tin tích cực để giảm nước lũ ở hạ lưu.
Ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, cho hay, một số tỉnh có nguy cơ mưa lũ còn kéo dài trong vài ngày tới như Thái Nguyên, Thái Bình, Hưng Yên…
Ngày 11/9, do lũ dâng cao trên sông Hồng, hầu hết quận, huyện của Hà Nội đều có khu vực bị úng ngập. Trong đó, ở nội thành, nhiều khu dân cư ven sông của Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên chịu ảnh hưởng. Hàng nghìn người dân ngoại thành và ngoài đê sông Hồng vùng nội thành phải di tản, hàng chục nghìn người khác sống chung với lũ.
Chiều 11/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo yêu cầu tổ chức cứu trợ, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là những hộ tại khu vực bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ mất nhà ở. Tuyệt đối không để ai bị đói, rét, không có nơi ở.
Đồng thời, kiểm tra, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng của Nhà nước trên địa bàn; chủ động huy động nguồn lực của địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, đảm bảo nhanh chóng ổn định đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng phương án xấu nhất có thể xảy ra với hồ Thác Bà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo bản tin lũ khẩn cấp của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lúc 3h30 sáng 12/9, lũ trên sông Hồng tại địa phận Hà Nội vào lúc 1 giờ sáng đạt mức 11,26 m, thấp hơn BĐ3 là 0,24 cm. Mức lũ này được duy trì nhiều giờ qua.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, trong 12 giờ tới, mức nước lũ sông Hồng đoạn qua Hà Nội tiếp tục có biến đổi chậm, trên mức BĐ2 và dưới mức BĐ3, trong 24h tới sẽ biến đổi chậm ở mức BĐ2.
Lũ trên sông Thái Bình tại Phả Lại 6,16m, trên BĐ3 0,16m. Dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức BĐ3 và trong 24 giờ tới sẽ biến đổi chậm trên mức BĐ3.
Giải pháp ứng cứu người dân bị ảnh hưởng tại các địa phương
Bão số 3 Yagi đi qua một số tỉnh miền Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội…, để lại hậu quả nặng. Hoàn lưu của bão gây mưa lớn kéo theo lũ quét, sạt lở tại các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, gây thiệt hại nặng về người và tài sản, khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến 13h30 ngày 11/9, 296 người chết và mất tích, thiệt hại về tài sản không đo đếm được.
Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra sáng 10/9 tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh huyện huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), 37 hộ gia đình với 158 nhân khẩu bị vùi lấp. 30 người tử vong, 17 người bị thương và 65 người vẫn còn mất tích.
|
Tìm kiếm các nạn nhân thôn Làng Nủ (Ảnh: Báo Lào Cai) |
Để khắc phục hậu quả sạt lở đất, cứu hộ các nạn nhân ở Làng Nủ, lực lượng chức năng hơn 600 người, trong đó một nửa là chiến sĩ Bộ Tư lệnh Quân khu 2, đã mở đường, đưa nhân lực, phương tiện vào tìm kiếm, cứu nạn. Các lực lượng đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân còn mất tích, chữa trị những người bị thương và hỗ trợ gia đình gặp nạn, trong đó hỗ trợ 25 triệu đồng một trường hợp tử vong và 5 triệu đồng/người bị thương.
Không chỉ Lào Cai, sạt lở, lũ quét còn xảy ra tại Cao Bằng, Phú Thọ…, đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những địa phương này đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống cho Nhân dân.
Tại Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, nơi lũ các sông đang dâng cao, chính quyền khẩn trương triển khai các kịch bản, phương án ứng phó để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân.
Chiều 11/9, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo những nhiệm vụ, giải pháp để ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, yêu cầu, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương triển khai mọi biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả, nhất là mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu bão, với tinh thần cao nhất có thể, mỗi người làm việc bằng hai vì Nhân dân.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, tại thời điểm 13h30 ngày 11/9, công trình hồ Thủy điện Thác Bà an toàn, lượng nước về hồ đang giảm dần.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thuỷ điện Thác Bà, đến 13h ngày 11/9, lưu lượng nước về hồ đạt 2.992 m3/s, lưu lượng xả 3.005 m3/s, hồ thuỷ điện bảo đảm an toàn.
Hải Ninh