Đề xuất chống ngập cho người dân TPHCM bằng... lu nước của đại biểu HĐND Phan Thị Hồng Xuân tiếp tục gây “bão” trên báo chí và mạng xã hội mấy ngày qua.
Đề xuất “Lu chống ngập” ngay khi được đăng tải trên mặt báo và lan truyền trên mạng xã hội đã vấp phải sự phản ứng từ dư luận khi nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất này không khả thi tại thành phố được mệnh danh “chịu ngập quanh năm” trong hơn 10 năm qua và chỉ trích nặng nề Tiến sĩ Hồng Xuân.
Bên cạnh đó, vẫn có ý kiến ủng hộ đề xuất đại biểu Hồng Xuân về “lu chống ngập” khi cho rằng, "Lu chứa nước mưa chống ngập" bản chất là lối nói ví von của Tiến sĩ Hồng Xuân, nếu được suy nghĩ thấu đáo thì nó không hề là 1 ý tưởng tồi khi thực chất đã được áp dụng nhiều nơi tại Nhật Bản, dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng có thể hiểu là họ dùng những chiếc "lu" để chứa nước mưa nhằm chống ngập lụt.
Tuy nhiên, theo dõi câu chuyện “lu chống ngập” trên mạng xã hội mấy ngày qua có thể thấy, số lượng ý kiến ủng hộ đề xuất trên không nhiều, trong khi đại đa số ý kiến không chỉ phản bác đề xuất trên còn có những chỉ trích khá nặng nề, thậm chí diễu cợt, xúc phạm danh dự vị tiến sĩ có đề xuất chống ngập cho TP HCM.
|
Đại biểu HĐND TP HCM - bà Phan Thị Hồng Xuân. |
Trước áp lực từ dư luận, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân đã phải lên tiếng nhiều lần. Trước đó, tại cuộc họp HĐND TP HCM chiều 12/7, bà Xuân cho rằng “mỗi nhà nên có một cái lu để góp phần chống ngập” bởi việc dùng lu để hứng nước mưa sẽ góp phần giảm bớt lượng nước mưa chảy ra đường phố gây ngập. Trong điều kiện ngân sách thành phố còn eo hẹp mà phải xử lý nhiều vấn đề quan trọng, thay vì xây 1 hồ chứa nước lớn tốn nhiều tiền, nên có thể trang bị cho người dân khu vực ngập do nước mưa gây ra mỗi nhà 1 - 2 cái lu (mang tính mỹ thuật) như 1 giải pháp tạm thời.
Tuy nhiên, sau đó, tiến sĩ Hồng Xuân đã phải giải thích thêm rằng, đề xuất lu nước chống ngập không phải bà tự suy diễn ra mà đã được các chuyên gia JICA (Nhật Bản) nêu ra.
Đại biểu này nói rằng, đã dùng hình ảnh cái lu chứa nước là vật dụng quen thuộc của mỗi gia đình người Việt để nói một cách dân dã về một giải pháp chống ngập mà giới chuyên gia từng đề cập. Đó là mỗi gia đình có thể sử dụng bể để chứa nước khi mưa xuống và sử dụng nguồn nước ấy phục vụ cho sinh hoạt. Bởi vậy, nữ đại biểu cho rằng, một trong những giải pháp chống ngập hiệu quả hiện nay là mỗi căn nhà cần thiết kế một bể chứa nước tùy theo diện tích căn nhà.
Vậy “lu chống ngập” là cái lu đựng nước hay là cái bể chứa nước? Theo từ điển tiếng Việt, cái lu là vật dụng đựng nước giống như cái chum nhưng nhỏ hơn, thường được làm bằng gốm hoặc xi măng. Lu có thể chứa được khoảng trên dưới m3 nước. Trước đây, những chiếc lu hay chum thường được người dân các tỉnh thành dùng để tận dụng chứa nước mưa đề phòng khi hết nước. Nhưng hiện nay, người dân ở nhiều nơi đã không còn sử dụng lu để chứa nước vì đa số đã có nước máy để sinh hoạt.
Lu chủ yếu được sử dụng tại các vùng nông thôn như ở các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, với người dân những địa phương này những chiếc lu chưa bao giờ dành cho việc chống ngập mà đa phần chỉ dùng để chứa nước mưa, tận dụng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và có thể dùng để chứa thêm gạo, làm tương, mắm... Với người dân Việt Nam, cái lu đơn giản là như thế chứ không phải là những chiếc lu “khổng lồ” như ở Nhật Bản và một số nước áp dụng để chống ngập úng cục bộ.
Nếu những chiếc lu có thể chống được ngập tại TP HCM thì địa phương này không phải chi phí đến chục nghìn tỷ để chống ngập trong hơn chục năm qua mà vẫn chưa thực sự hiệu quả khi mưa xuống đường phố lại thành sông, người dân lại đi trên phố mà ngỡ lội trên sông. Bởi những chiếc lu có giá thành khá rẻ chỉ vài trăm ngàn và chưa đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế, nếu triển khai ở TP HCM, với gần 2 triệu hộ dân, mỗi hộ bố trí 2 lu hứng nước mưa, thì 4 triệu lu nước tương đương 4 triệu m3 nước cũng không phải là giải pháp chống ngập hiệu quả.
Nếu hiểu “lu” là những “bể chứa nước” trong quy hoạch đô thị như lời Tiến sĩ Xuân Hồng giải thích sau đó thì cũng không khả thi trong thực tế. Bởi với thành phố HCM, việc gần 2 triệu hộ dân xây dựng gần 2 triệu bể chứa nước mưa thì là điều khó có thể xảy ra. Bởi diện tích dân cư đông đúc, tấc đất tấc vàng, chỗ ăn ngủ còn chật chội nên khó có thể bố trí những bể chứa nước mưa, hay vị trí để đặt lu hứng nước trong diện tích đất nhà, chưa nói đến những căn hộ chung cư có đến hàng trăm, hàng nghìn hộ sinh sống thì việc này dường như không thể xảy ra bởi đặt lu ở đâu, xây bể nước ở đâu cũng là cả một vấn đề nan giải. Đa số người dân hiện nay, đều lắp hệ thống thoát nước mưa từ mái nhà truyền thẳng xuống cống, hoặc sát đất.
Trong những biện pháp trước mắt để lưu trữ nước mưa có thể giảm bớt ngập lụt có lẽ tại những căn nhà mái bằng, mái chung cư, khi xây dựng nên thiết kế các sân thương có đường thoát nước cao hơn đáy sân khoảng 20cm – 30 cm để chứa tạm thời nước mưa. Bởi mỗi sân thượng thường có diện tích từ 100 đến 500 m2 nên có thể chứa được những khối lượng nước lớn gấp nhiều lần những chiếc lu. Tuy nhiên, hàng chục nghìn căn hộ trữ nước như vậy thì vẫn tiềm ẩn những nguy hiểm.
Là một đại biểu HĐND TP, bà Hồng Xuân đã mạnh dạn đưa ra những đề xuất trong những vấn đề cấp thiết cho người dân thành phố là một điều rất đáng hoan nghênh. Và ý kiến dù khả thi hay không khả thi đều cần đánh giá, phân tích để tìm những giải pháp tốt hơn.
Tuy nhiên, lẽ ra thay vì đề xuất “lu chống ngập” bà Hồng Xuân nên truy vấn việc các dự án được đầu tư nghìn tỷ nhưng ngập vẫn hoàn ngập cũng như chất vấn những giải pháp chống ngập nhưng càng chống, càng ngập theo quyền giám sát của đại biểu hội đồng thì có lẽ sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ dư luận.
Bởi khi nêu ra đề xuất về một vấn đề nan giải như giải pháp chống ngập lụt tại TP HCM và Hà Nội không phải là việc thích nói gì thì nói, thích đề xuất gì thì đề xuất dù ở nước khác triển khai có hiệu quả nhưng thực tế ở Việt Nam lại rất khó khả thi. Khi quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế, việc thoát nước khi quy hoạch đô thị không được chú trọng, quan tâm, những hồ nước trong nội thành vốn là những hồ điều hòa và chứa nước bị san lấp để xây nhà chung cư, khi các con sông vốn là nơi điều tiết nước đã ngập trong ô nhiễm; khi người dân còn vô tư xả rác lấn chiếm hệ thống thoát nước thành phố...thì những giải pháp kiểu “ lu chống nước” làm sao phát huy được hiệu quả.
Một đề xuất được đưa ra, nếu không phân tích kỹ càng về mặt khoa học đến thực tiễn cuộc sống thì sẽ là đề xuất kiểu cho có, dù có được lấy ý tưởng từ nước ngoài đi chăng nữa. Đề xuất không có tính khả thi tất nhiên sẽ vấp phải sự phản ứng của dư luận, giảm đi niềm tin của đại biểu hội đồng nhân dân với cử tri, thậm chí khiến người dân nghi ngờ về năng lực của cán bộ. Tiếc rằng, từ nghị trường Quốc hội đến nghị trường HĐND địa phương, vẫn còn những đề xuất khiến dư luận phải xôn xao.
>>> Xem thêm video: Ngập lụt ở Sài Gòn
Thiên Nga