Long An: Đình chỉ cô giáo đánh đập, nhồi nhét cơm vào miệng trẻ

Google News

Tại buổi làm việc với phòng GD&ĐT huyện Đức Hòa và gia đình phụ huynh bé bị bạo hành, cô giáo đã thừa nhận do trẻ thường ói khi ăn nên đã vỗ vào đầu trẻ nhiều cái.

Liên quan đến sự việc cô giáo đã đánh đập và nhồi nhét cơm vào miệng trẻ, ngày 29/4, chia sẻ trên báo Pháp Luật TPHCM, ông Lê Ngọc Khanh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đức Hòa, Long An cho biết đã ra quyết định đình chỉ công tác cô giáo.
Long An: Dinh chi co giao danh dap, nhoi nhet com vao mieng tre
 Cô giáo bạo hành học sinh ở Long An. Ảnh cắt từ clip
Theo ông Khanh, trước đó, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một cô giáo ở cơ sở mầm non độc lập tư thục đang cho một bé trai ăn. Tuy nhiên, cô giáo này lại có hành động dùng tay đánh nhiều cái vào đầu bé và dùng muỗng đút cơm nhưng lại đút nhồi nhét liên tục vào miệng bé trai này làm bé không kịp nhai.
Sau khi tiếp nhận clip, phòng đã tiến hành xác minh và biết sự việc trên xảy ra tại nhóm mầm non tư thục Hoa Bách Hợp (Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) hôm 16/4.
Theo ông Khanh, nhóm lớp này được gắn camera trực tuyến nên phụ huynh có thể giám sát con mình khi học tập tại đây. Tuy nhiên khi sự việc xảy ra, gia đình bé trai này không hề hay biết, chỉ đến khi phụ huynh khác chia sẻ họ mới hay.
Sau khi sự việc xảy ra, đại diện nhóm trẻ đã đến nhà phụ huynh xin lỗi.
Trước đó, tờ Giáo Dục Việt Nam đưa tin, chiều 28/4, đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An, do bà Phan Thị Dạ Thảo – Phó Giám đốc làm trưởng đoàn, đã đến làm việc tại huyện về clip trẻ bị cô giáo đánh này.
Tại đây, thay mặt cho lãnh đạo ngành, bà Thảo đã chân thành xin lỗi phụ huynh của cháu bé bị đánh, đồng thời yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo của huyện tăng cường công tác chỉ đạo đối với Hiệu trưởng, chủ đầu tư các nhóm trẻ mầm non trên địa bàn huyện Đức Hòa.
Nhất là việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo tỉnh về việc phòng chống bạo lực học đường, phòng chống tai nạn thương tích trong trường học, thường xuyên tổ chức giám sát, thực hiện nghiêm việc đội ngũ thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo.
Cho dù các nhà trẻ đều có gắn camera trực tuyến, nhưng việc kiểm tra, giám sát các camera này phải được thực hiện hàng ngày, để có những sự chấn chỉnh, nhắc nhở kịp thời khi có sự việc xảy ra.

Theo Thu Hằng/Đời sống pháp luật