Khoảng 8h sáng ngày 6/10, nhiều người dân Thủ đô tìm đến khu vực Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) với niềm hy vọng vào viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười lần cuối. Trong số những người đến trước Nhà tang lễ có cả những chiến sỹ cách mạng từng chịu cảnh ngục tù tại Nhà tù Hỏa Lò năm xưa. Họ xúc động, nghẹn ngào.
|
Ông Nguyễn Tiến Hà xúc động chia sẻ về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. |
Nhớ lại những ký ức về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Nguyễn Tiến Hà (phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội) - Trưởng Ban liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò - đôi mắt đỏ hoe, chia sẻ: “Chúng tôi rất may mắn vì từng được tiếp xúc với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Chúng tôi cũng đã được đến thăm đồng chí Đỗ Mười nhiều lần, đến cả nhà và được đồng chí Đỗ Mười tiếp, kể chuyện rất hay.
Hình ảnh đồng chí Đỗ Mười trong tôi là một người rất kiên cường, bất khuất, nhất là thời gian đồng chí Đỗ Mười cùng các đồng đội vượt ngục ở Nhà tù Hỏa Lò. Đồng chí Đỗ Mười sống ở đời thường cũng rất tình nghĩa, thủy chung, đây cũng là điều mà chúng tôi ngưỡng mộ”.
|
Ông Nguyễn Tiến Hà cúi đầu nghẹn ngào khi nhớ về hình ảnh nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. |
Cùng chung cảm xúc giống với ông Hà, ông Nguyễn Đình Cần (Xã Đàn, Đống Đa, TP Hà Nội), là một trong những người đầu tiên thành lập ra Ban liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò, bồi hồi nhớ lại: “Sau này, Ban liên lạc các chiến sỹ ở Nhà tù Hỏa Lò được sát nhập lại, tôi và các đồng đội mới được gặp đồng chí Đỗ Mười. Chúng tôi thấy đồng chí Đỗ Mười rất thân thiện và tình cảm, gắn bó với đồng đội và nhân dân”.
|
Ông Nguyễn Đình Cần. |
Cũng là một trong số những người đến Nhà tang lễ từ sớm, ông Hoàng Quân Tạo (một trong những người bị tù đày ở Nhà tù Hỏa Lò thời ký kháng chiến chống Pháp) xúc động, nói: “Đồng chí Đỗ Mười từng đảm nhiệm nhiều cương vị, trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước nhưng không bao giờ có khoảng cách với nhân dân. Sau này, tôi làm việc tại Nhà tù Hỏa Lò thấy hàng năm đồng chí Đỗ Mười vẫn sắp xếp thời gian đến thăm mọi người nơi đây, tham dự các buổi lễ kỷ niệm và động viên các đồng chí khác. Tình cảm của đồng chí Đỗ Mười dành cho mọi người rất sâu đậm.
Được tin đồng chí Đỗ Mười mất chúng tôi rất đau buồn, thương tiếc. Hôm nay chúng tôi đến viếng đồng chí Đỗ Mười với tình cảm là đồng chí, bạn tù. Hiện giờ những ký ức, nỗi nhớ về đồng chí Đỗ Mười đang ùa về xúc động lắm”.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917 tại xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội), thường trú tại số nhà 11, phố Phạm Đình Hổ (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội).
Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí Đỗ Mười đã từng kinh qua nhiều cương vị công tác, được tôi luyện, trưởng thành qua các cuộc kháng chiến cứu nước và các giai đoạn xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, nguyên Tổng Bí Thư Đỗ Mười đã từ trần hồi 23 giờ 12 phút, ngày 1/10/2018 (tức ngày 22/8 năm Mậu Tuất), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội.
Mạnh Hưng