Giờ đây, Lâm Gia Cường (ngoài cùng bên phải) rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện.
Những ngày sống mà chỉ như tồn tại
Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, Lâm Gia Cường chỉ được học hết tiểu học vì điều kiện kinh tế không cho phép cậu theo đuổi con đương học vấn. Dù còn rất nhỏ nhưng Gia Cường đã phải làm việc tại một xưởng giày để phụ giúp bố mẹ. Trong môi trường này, cậu nhanh chóng nhiễm những “thói hư tật xấu” của đám bạn đường phố.
Lớn hơn một chút, được sự dẫn dắt của một người hàng xóm, cậu chính thức bước chân vào đời sống giang hồ khi trở thành một thành viên của tổ chức xã hội đen khét tiếng Đài Đông khi chỉ mới bước qua tuổi 18.
Kể từ đó, Gia Cường sống bằng “nghề” cờ bạc và đòi nợ thuê. Sử dụng gươm, dao, súng, gậy và nắm đấm đã trở thành những kỹ năng đặc biệt của anh. Mặc dù gia đình lo lắng rất nhiều cho con trai mình nhưng anh luôn tỏ ra bất cần và dần dần là một tay anh chị cộm cán nhất khu vực
33 tuổi, Lâm Gia Cường trở thành con nghiện ma túy nặng. “Khi đã dùng ma túy, tôi rất khó dứt khỏi nó. Từng trải qua nhiều đợt cai nghiện nhưng tôi đã không thể làm được. Điều ghê gớm nhất phải chịu đựng là cảm giác như hàng trăm ngàn con kiến động đậy và cắn trong xương. Tôi không thể làm gì với sự ngứa ngáy và đau đớn khôn cùng. Nhiều lúc không thể chịu nổi, tôi đã tự đập đầu vào tường và cuối cùng lại tìm tới ma túy để giải thoát cho mình khỏi nỗi đau đớn này”, anh tâm sự.
Và để thỏa mãn nhu cầu, Gia Cường đã chuyển hướng sang buôn bán ma túy, vừa phục vụ mình vừa kiếm tiền.
Năm 1992, với số lượng lớn ma túy bị cảnh sát bắt giữ trong một lần giao dịch, Lâm Gia Cường phải nhận mức án tù chung thân.
Đi tù nhưng bản tính côn đồ vẫn không hề thay đổi khiến anh bị liệt vào hàng phạm nhân cực kỳ nguy hiểm. Mặc dù việc dùng rượu và ma túy là bị cấm, Lâm vẫn ngang nhiên sử dụng và còn đánh bạc cũng như dùng bạo lực với các tù nhân khác.
Những ngày tháng cứ thế trôi qua, đã sống trong tù 12 năm, một ngày chứng kiến cái chết trong cô đơn của một tù nhân cũng có mức án chung thân như mình, Lâm Gia Cường bắt đầu nhìn lại bản thân và tự hỏi, “Phải chăng đời ta sẽ mãi như thế này cho đến cuối đời?” Anh không biết làm sao có thể ra khỏi vũng bùn và tạo một con đường mới cho mình.
Ngẩng cao đầu ngày trở về
Một ngày kia vào năm 2003, các viên chức nhà tù thông báo với các tù nhân rằng các học viên Pháp Luân Công sẽ đến dạy môn tập, và bất kỳ ai muốn học đều có thể ghi danh. Đây là một môn thực hành kết hợp các bài tập thiền định và khí công dựa trên một triết lý đạo đức tập trung vào các nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn.
“Khi vừa nghe điều này, tôi đi ghi tên ngay. Tôi là người đầu tiên. Từ đó, mỗi tuần thời gian sung sướng nhất của tôi là ngày được gặp các học viên dạy bộ môn này”.
Từ đó, anh nhận ra nhiều giá trị tốt đẹp của cuộc sống và vô cùng hối hận với những sai lầm trong quá khứ. Với ý chí phục thiện cháy bỏng, Gia Cường dần dần trở thành một con người khác. “Tôi cảm thấy mình đã thay đổi, biết điều gì nên làm và không nên làm, trong lời nói và hành động”.
Một lần, Lâm Gia Cường có sự va chạm với một tù nhân khác liên quan đến cờ bạc. Người tù nhân đó đấm anh một cái. Và trước sự kinh ngạc của các lính canh và phạm nhân, đáp lại cú đánh trời giáng ấy, anh Lâm từ tốn ngồi xuống nói chuyện với kẻ vừa đánh mình. Anh cũng khuyên các bạn tù đoạn tuyệt con đường tội lỗi, quay trở lại làm người lương thiện.
Với những nỗ lực cải tạo không mệt mỏi, anh được bảo lãnh tại ngoại. Sau khi được tự do, Gia Cường thường đến các trung tâm cai nghiện ma túy của Đài Bắc, kể lại trải nghiệm của chính bản thân mình và giúp đỡ những người giống anh trước đây.
Quay về bên gia đình, hiện tại anh có một công việc chân chính, là quản lý dịch vụ vận chuyển tại sân bay. Lúc này, anh mới thực sự được sống theo đúng nghĩa chứ không phải chỉ là tồn tại như trước đây.
Theo Thanh Huyền/Dân Việt