Vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là nếu nhà dân, công sở sản xuất điện mặt trời mái nhà với phương thức tự sản, tự tiêu, các cơ chế chính sách sẽ thế nào?
TS Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (Hội ngành thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, mô hình điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có lợi cho cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đây là một trong những giải pháp để giảm tải cho các nhà máy sản xuất điện cũng như duy trì ổn định sử dụng điện và tiết kiệm năng lượng điện.
|
TS Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam |
Nếu các doanh nghiệp tự lo được một phần năng lượng nhờ lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu sẽ giúp họ chủ động và tiết kiệm chi phí sử dụng điện. Người dân không phải gánh bù chéo cho giá điện sản xuất. Do đó, theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Công Thương nên sớm có định hướng và tạo một hành lang pháp lý để người sử dụng điện được quyền tiếp cận phát triển và sử dụng điện năng lượng tái tạo.
Đặc biệt, phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết, khoa học và nhanh chóng để sớm áp dụng rộng rãi và đạt hiệu quả từ năng lượng điện tự sản, tự tiêu. Mục tiêu 2030 có 50% các tòa nhà công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà phục vụ tiêu thụ tại chỗ hoàn toàn có khả thi.
Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia. Theo Quy hoạch, mục tiêu đặt ra là ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW.
>>> Mời độc giả xem thêm video Mẹo hay chống nóng giúp ngủ ngon khi bị mất điện giữa đêm:
Thiên Tuấn