Lỗ hổng nào khiến Bộ GD&ĐT lúng túng trong xử lý gian lận thi cử?

Google News

Điều 49 trong Quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp không có mục nào quy định xử lý các thí sinh gian lận điểm thi liên quan đến khâu chấm thi.
 

Liên quan đến bê bối gian lận điểm thi vô tiền khoáng hậu tại hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La gây bức xúc dư luận những ngày qua, nhiều người cho rằng, sau khi phát hiện gian lận, chính Bộ GD&ĐT đã không thực sự cương quyết, dứt khoát và có phần “lúng túng” trong xử lý tiêu cực.
Chưa có quy chế xử lý?
Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại 108 thí sinh từ hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La được xác định liên quan gian lận thi cử đang bị xử lý. Trong đó, hơn 50 thí sinh dến từ 2 tỉnh này đăng ký xét tuyển vào các trường công an đã bị trả về địa phương.
Lo hong nao khien Bo GD&DT lung tung trong xu ly gian lan thi cu?
 Ảnh minh họa.
Một số tại các trường ĐH khác cũng đã bị cho thôi học. Điều đáng nói, một số thí sinh dính líu đến gian lận, nhưng tổ hợp môn đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH sau chấm thẩm định vẫn đủ, nên theo quy chế các thí sinh này vẫn tiếp tục được học.
Một phụ huynh tại Hà Nội búc xúc: “Thật vô lý nếu điểm thật của thí sinh chỉ được 1 mà điểm gian lận lên đến 9, trong khi đó chúng ta nói thí sinh đó chỉ là nạn nhân. Bản thân thí sinh làm bài tốt hay không tốt thí sinh đó chính là người rõ nhất.
Tôi nghĩ rằng, thí sinh liên quan đến gian lận dù là trực tiếp hay gián tiếp, dù điểm chấm thẩm định đủ điểm xét tuyển hay không đủ điểm xét tuyển cũng phải buộc thôi học. Bởi lẽ, gian lận là vi phạm quy chế rồi".
Cũng theo vị phụ huynh này, các trường ĐH thì nói thí sinh gian lận nhưng tổ hợp môn xét tuyển vẫn đủ điểm trúng tuyển thì theo quy chế của Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục được học.
Ví dụ, một trường hợp ở Đại học Luật Hà Nội “ăn cắp” 11 điểm mà vẫn được tiếp tục học, có khác gì nuôi dưỡng và bao che cho sự dối trá? "Tại sao Bộ GD&ĐT cũng như các trường ĐH không cư xử "sòng phẳng" như những trường công an? Cứ gian lận là trả về địa phương, thậm chí còn thuê xe cho các em đó về”, vị phụ huynh này nói.
Được biết, điều 49 trong Quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp không có mục nào quy định xử lý các thí sinh gian lận liên quan đến khâu chấm thi. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều trường lúng túng trong cách xử lý khi có được danh sách thí sinh gian lận.
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT cần bổ sung vào quy chế với những trường hợp vi phạm cụ thể để vấn đề xử lý khi có gian lận được thực hiện nghiêm minh, đủ sức răn đe.
Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT ở đâu?
Ông Trần Văn Tớp – Hiệu phó Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: “Khi nắm được thông tin xảy ra gian lận thi cử tại Hòa Bình và Sơn La, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường gửi công văn đến hai Sở này để nhận dữ liệu những thí sinh gian lận. Tuy nhiên, các trường rất mất thời gian và công sức cho việc này và đến nay nhiều trường vẫn chưa nhận được danh sách thí sinh từ Sơn La.
Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT là nơi nắm dữ liệu chung tại sao không để các trường, Sở và Bộ liên thông dữ liệu với nhau mà lại bắt các trường đánh công văn hỏi Sở GD, Sở phải trả lời từng trường, xong các trường lại đánh công văn hỏi Bộ…???"
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) bày tỏ quan điểm: “Trong quyền hạn của mình Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể chia sẻ dữ liệu về gian lận điểm thi cho các trường đỡ tốn công sức, nhưng Bộ GD&ĐT lại tỏ ra lúng túng và đá quả bóng mang tên “trách nhiệm” cho các trường ĐH và Sở GD&ĐT Hòa Bình, Sơn La tự xử lý với nhau”.
Theo Hoàng Thanh/Infonet