Lộ diện thêm thí sinh được nâng điểm ở Học viện An ninh
Qua công tác rà soát, Học viện An ninh (Bộ Công an) phát hiện trong danh sách 44 thí sinh được nâng điểm, gian lận trong kỳ thi THPT 2018 có 10 sinh viên Sơn La trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân, trong đó có một số thí sinh được nâng điểm.
Cụ thể, thí sinh N.D.A có điểm thi khối A01 gồm Toán, Vật lý, Ngoại ngữ lần lượt là 9,2; 9,0 và 9,6 với tổng điểm là 27,8. Với số điểm giả mạo này, D.A trở thành thí sinh có điểm cao thứ ba nhập học vào trường.
Tuy nhiên, số điểm thực của D.A sau khi chấm thẩm định lại là Toán: 4,8; Vật lý: 6 và Ngoại ngữ là 5; tổng điểm thực là 15,8. Như vậy, D.A được nâng lên 12 điểm.
Trường hợp thứ hai được nâng điểm để trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân là con một cán bộ có chức vụ tại UBND thành phố Sơn La. Thí sinh này được nâng 12,15 điểm, đăng ký tổ hợp C03 để xét tuyển vào trường. Điểm 3 môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử của thí sinh này khi được nâng lần lượt là 9,6, 8,5 và 10 với tổng điểm là 27,6. Tuy nhiên, khi số điểm được chấm thẩm định lại thì có tổng là 15,35 với Toán 3,2 điểm, Ngữ văn 8,0 điểm và Lịch sử 4,25 điểm.
Vừa qua, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết đơn vị này đang cập nhật thêm điểm thi sau khi được giám định của các thí sinh. Thí sinh nào không đủ điểm qua kì thi tốt nghiệp sẽ bị thu hồi bằng tốt nghiệp THPT.
Song, danh sách thí sinh gồm những ai thì chỉ Ban Giám đốc sở này được tiếp cận do được đóng dấu mật của Bộ GD&ĐT. Sau đó, Sở sẽ báo cáo lên Bộ, UBND tỉnh và các trường ĐH có liên quan.
“Sau khi cập nhật điểm thi mới, thí sinh nào không đủ điểm tốt nghiệp sẽ bị trượt. Chúng tôi sẽ thu hồi bằng tốt nghiệp của những học sinh không đủ điểm đỗ này”- đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết.
|
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc với Sở GD&ĐT Sơn La về gian lận thi cử tại địa phương này hồi trung tuần 7/2018. Ảnh: Nghiêm Huê.
|
Trở thành thủ khoa đầu vào do được nâng điểm
Trong tổng số 489 sinh viên trúng tuyển năm 2018 của Học viện Kỹ thuật Quân sự thì có 2 thí sinh từ Sơn La. Cả 2 trường hợp này đều nằm trong danh sách được nâng điểm, nằm trong danh sách gian lận thi cử THPT 2018 thậm chí trở thành thủ khoa đầu vào của trường.
Trường hợp đầu tiên là M.V.T được nâng đến 18,7. Điểm khi được nâng lần lượt với Toán, Vật lý và Ngoại ngữ là 9,4; 9,5 và 9,0. Khi giám định lại số điểm, điểm thành phần của thí sinh này cụ thể với Toán là 4 điểm, Vật lý 3 điểm và Ngoại ngữ 2,2 điểm.
Trường hợp thứ hai là Đ.T.N.K được cho là con của một cán bộ có chức vụ tại UBND tỉnh Sơn La khi được nâng 4,45 điểm. N.K trúng tuyển và HVKTQS với số điểm Toán 8.6, Vật lý 9,5, Ngoại ngữ 8,75. Sau khi thẩm định lại, điểm thực của thí sinh này lần lượt là 7,4, 8,5 và 6,5.
|
HV Kỹ thuật Quân sự có thủ khoa đầu vào được nâng đến 18.7 điểm. |
Tại trường ĐH Ngoại thương, lãnh đạo phòng Đào tạo cho biết, có 2 trong số 3 thí sinh Hòa Bình bị buộc thôi học và thu hồi quyết định trúng tuyển do không đủ điểm đỗ. Thí sinh còn lại dù được nâng điểm nhưng vẫn được theo học tại trường bình thường do vẫn đủ xét tuyển.
Trường ĐH Thương mại cho biết đã nhận được công văn phản hồi từ Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình. Kết quả có 1 thí sinh của tỉnh này đã trúng tuyển năm 2018 nhưng khi giám định lại thì không đủ điều kiện nhập học.
Ở ĐH Y Hà Nội, trường đã xác định được 1 sinh viên tỉnh Hòa Bình sau khi có kết quả chấm thẩm định không đủ điểm đỗ vào trường. Trường hợp còn lại, trường đang chờ Sở GD&ĐT Hòa Bình gửi xác minh một lần nữa xem sinh viên này có đỗ tốt nghiệp sau khi có kết quả chấm thẩm định hay không rồi mới có thông tin.
Gian lận trong giáo dục là hạ thấp nhân phẩm nhà giáo
Theo thông tin nhận được, trong số 44 thí sinh gian lận điểm tại Sơn La có đến 12 thí sinh là con em của cán bộ ngành giáo dục tỉnh. Nói về điều này, GS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, làm giáo dục mà còn gian lận thì không còn ai tin vào giáo dục. Mặt khác, phải xử lý thật nghiêm minh những người trong ngành tham gia chạy điểm cho người nhà.
“Người ngoài ngành giáo dục đã không tha thứ được thì người trong ngành lại càng không thể tha thứ. Vì thế nên cho ra khỏi ngành càng sớm, càng tốt” - GS Phạm Tất Dong bức xúc.
GS Dong cho rằng gian lận trong giáo dục là hạ thấp nhân phẩm nhà giáo ghê gớm, không thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, ông cũng chính là người lên tiếng ngay từ những ngày đầu khi kết quả điều tra của cơ quan công an được công bố đề nghị công khai danh tính phụ huynh.
Quý An