Trong không khí cả nước hướng đến tri ân ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7, PV Báo Tri thức và Cuộc sống lại nhớ đến ông Phạm Văn Bình (68 tuổi, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Ông là nhân vật trong bài viết "Liệt sĩ trở về từ Campuchia sau 40 năm có giấy báo tử" mà PV đã có dịp gặp mặt, phỏng vấn vào năm 2019. Năm nay, nhân ngày 27/7, để tri ân các thương binh, liệt sĩ, PV đã tìm đến nhà của ông Bình để thăm hỏi, động viên... đồng thời ghi nhận lại cuộc sống hiện tại của ông sau 4 năm trở về sinh sống tại quê nhà.
40 năm mang danh liệt sĩ
Trên đường từ TP Hà Tĩnh vào xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, những mẩu chuyện như trong cổ tích về hành trình 40 năm mang danh liệt sĩ, sống ở nước bạn Campuchia và trở về quê hương, gặp mặt gia đình của ông Bình như những thước phim quay chậm cứ tua về trong trí nhớ PV.
Theo lời kể của ông Phạm Văn Bình, năm 1977 (23 tuổi) ông cùng bao lớp thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ, bảo vệ biên giới Tây Nam. Ban đầu, ông thuộc quân số của Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, đóng tại biên giới thuộc huyện Hà Tiên (Kiên Giang). Tháng 12/1977, ông tham gia chiến đấu tại tỉnh Kamphong Thom (Campuchia), được phân vào đơn vị thông tin Quân đoàn 8, thuộc Quân khu 9, chống lại nạn diệt chủng Pôn-pốt.
|
Liệt sĩ "sống" Phạm Văn Bình trong một lần trò chuyện cùng Phóng viên. |
"Đầu năm 1979, trên đường đưa thông tin liên lạc, tôi bị phục kích khiến ngất xỉu, được người dân làm nghề rừng ở huyện Baray (tỉnh Kamphong Thom) cứu sống, cưu mang. Tôi bị mất một phần trí nhớ, toàn bộ giấy tờ tùy thân bị mất, việc liên lạc với người thân, đồng đội và đơn vị là không thể", ông Bình kể.
Gần 1 năm sau sức khỏe ông mới hồi phục, ông muốn lại tìm đơn vị nhưng k hông được và bị mất liên lạc từ đó.
Ngày 21/9/1979, gia đình nhận tin ông Bình hy sinh tại Campuchia trong trường hợp chiến đấu mất tin. Thời gian sau, giấy báo tử được gửi về, ông Bình được lập bàn thờ vọng cúng giỗ hàng năm.
Chế độ diệt chủng Pôn-pốt bị tiêu diệt, không thể tìm được đơn vị cũng như mất đi 1 phần trí nhớ buộc ông phải thích nghi với cuộc sống mới ở Campuchia chứ chưa thể trở về Việt Nam. Ban đầu vì không biết tiếng Campuchia nên ông gặp nhiều khó khăn. Một mình ông bươn chải mưu sinh ai thuê việc gì đều cố gắng làm nhưng chủ yếu công việc nặng nhọc.
Nhiều năm trôi qua, do ảnh hưởng của vết thương và những trận ốm đau liên miên sức khỏe ông suy sụp dần. Lúc này ông nghĩ sẽ chẳng bao giờ được quay về quê hương. Năm 2004 trong một lần đi làm phụ hồ ông được một người phụ nữ ở ấp KomPong xoài Khangle, huyện KomPong Tapec, tỉnh Prey veng cảm thông rồi đồng ý lấy làm chồng.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng với tình yêu thương của vợ, ông như tiếp thêm sức mạnh, vững vàng kiên cường hơn. Lúc này khát vọng trở về quê hương lại trỗi dậy trong ông. Đến năm 2009 vợ ông mang bầu và sinh cho ông một đứa con gái. Ông bảo trời Phật còn thương ông, đứa con là niềm vui là tài sản lớn nhất của cuộc đời khi tuổi đã ngoài 50.
|
Ông Bình đang chỉ tay lên tấm bia khắc tên mình tại nhà bia liệt sĩ. |
Đến năm 2017 ông đi làm công nhân cho Nông trường cao su Việt Nam đóng trên địa bàn, nhờ biết tiếng Việt nên ông được chuyển sang làm bộ phận phiên dịch cho công ty. Ở đây, ông quen ông Nguyễn Nhật Dũng – Giám đốc nông trường (người ở cùng huyện Kỳ Anh). Biết hoàn cảnh ông Bình, giám đốc đăng thông tin của ông lên mạng xã hội với mong muốn tìm được người nhà. May mắn nhờ thông tin cộng đồng chia sẽ những người cháu của ông ở xã Kỳ Sơn biết được rồi sang đón ông về.
|
Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Phạm Văn Bình. |
Vào ngày 02/11/2018, ông trở về quê hương trong niềm vui chung của mọi người. Chính quyền các cấp và nhân dân nơi đây đã tạo mọi điều kiện quan tâm giúp đỡ sau những ngày ông trở về quê hương sinh sống. Gần 40 năm mất liên lạc mưu sinh ở nước bạn, ở nhà gia đình nhận giấy báo tử và bằng tổ quốc ghi công nên chuyện ông về lại quê hương như câu chuyện cổ tích nhiều cảm xúc.
Muốn đưa vợ con từ Campuchia về Hà Tĩnh sinh sống
Ngày 21/7, PV Báo Tri thức và cuộc sống đã về lại thôn Mỹ Thuận, xã Kỳ Sơn. Căn nhà nhỏ gọn, đẹp của ông Bình nằm giữa làng quê thanh bình. Căn nhà được chính quyền và nhân dân nơi đây quyên góp xây dựng khi ông Bình trở về quê hương.
|
Ngồi nhà tình nghĩa của liệt sĩ Phạm Văn Bình được chính quyền và nhân dân quyên góp xây dựng. |
Thấy PV, ông Nguyễn Văn Thanh (hàng xóm của ông Bình) sang bắt chuyện và cho biết, sau khi được chính quyền, nhân dân, các nhà hảo tâm quyên góp xây nhà cho, ông Bình ở lại quê hương vài năm. Tuy nhiên mấy năm qua, do dịch COVID-19 hoành hành, việc đi lại khó khăn, các nước đóng cửa biên giới nên ông Bình chưa đưa vợ, con ở Campuchia về được. Do lo cho vợ con trước đại dịch COVID-19, năm 2020 ông Bình quay về Campuchia.
Theo ông Thanh, ông Bình từng tâm sự do hoàn cảnh có con nhỏ đang đi học, vợ là người nước ngoài nên ngôn ngữ, đời sống khi về Việt Nam sẽ gặp khó khăn khiến ông chưa thể đem vợ con về quê ngay được.
Nói về hoàn cảnh của ông Bình, ông Nguyễn Anh Ngọc – Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn cho biết, thời gian qua chính quyền và nhân dân xã nhà đã giúp đỡ, động viên để ông yên tâm sinh sống. Thông qua việc kêu gọi các nhà hảo tâm đã xây cất cho ông một căn nhà khang trang sạch đẹp với kinh phí trên 100 triệu đồng.
“Mọi thủ tục về giấy tờ cá nhân chính quyền cũng đã làm xong để ông có thể ổn định cuộc sống nơi quê nhà. Nhưng bước sang năm 2020, ông Bình đã quay trở lại nước bạn Campuchia đến nay vẫn chưa quay lại. Việc vợ con còn ở bên nước Campuchia là lý do ông sang bên đó”, ông Ngọc nói.
Cũng đầu năm 2019 ở Hà Tĩnh còn có 1 liệt sĩ cũng trở về từ nước bạn Campuchia, đó là ông Ngô An Dương (SN1958) ở Thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân. Tuy nhiên theo thông tin PV có được từ Phòng LĐTB&XH huyện Nghi Xuân, sau lần về quê đó ông Dương cũng đã cùng vợ quay trở lại nước bạn Campuchia sinh sống. Song trong các chia sẻ với báo chí trước đó, cả ông Bình và ông Dương đều mong muốn sẽ đưa gia đình trở về quê hương.
Hoàng Lý