“Không phải ngẫu nhiên dư luận bất bình, đưa ra những ý kiến thiếu kiềm chế đối với trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan. Bởi các vụ bạo hành do người dân phát hiện vừa qua, được xác định đã xảy ra từ lâu, diễn ra thường xuyên ở cộng đồng nhưng chính quyền sở tại không hề hay biết”, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trao đổi với phóng viên Tiền Phong.
|
Con trai và con dâu hành hạ mẹ già 90 tuổi ở Chợ Gạo, Tiền Giang (ảnh từ clip). Ảnh: T.L |
Trái luân thường đạo lý
Bà Hiền nói: Liên tiếp trong thời gian vừa qua, mỗi ngày hay mỗi tuần, bất kỳ ai quan tâm đến tin tức thời sự đều chứng kiến những câu chuyện, hình ảnh đau lòng. Dư luận xã hội phẫn nộ khi xảy ra quá nhiều vụ bạo lực, xâm hại trong gia đình với tính chất vô cùng phức tạp. Điển hình như vụ một người mẹ ruột đã cấu kết với em trai bạo hành con mình, chăn dắt 5 đứa trẻ đi ăn xin trong suốt một thời gian dài, 2 trong số đó đã bị chính cậu ruột của mình xâm hại, dẫn đến mang thai. Hay vụ người chồng vì giận vợ đã nhẫn tâm đánh con chỉ mới vài tháng tuổi gãy hết cả 2 chân...
Có những đoạn video được đưa lên truyền thông, thật sự không phải ai cũng đủ can đảm để xem hết toàn bộ bởi nó quá khủng khiếp. Chỉ mới đây thôi, cả mạng xã hội dậy sóng bởi sự lan truyền đoạn video về hình ảnh một phụ nữ đánh đập dã man người mẹ của mình mà bất kỳ ai nhìn thấy cũng phải bàng hoàng, xót xa và giận dữ.
|
Bạo hành học đường liên tục xảy ra |
Tuy hình ảnh từ camera không quá rõ nét, nhưng đã phản chiếu trực diện những hành vi bạo hành hết sức tàn bạo của người phụ nữ này. Tưởng như hành động ấy xảy ra trong cơn kích động của người có bệnh lý về tâm thần. Nhưng không, đau xót thay đó chính là hành động của một người con dành cho mẹ ruột.
Đây chỉ là một vài trong vô số những vụ bạo lực gia đình nổi cộm gây chú ý thời gian gần đây. Điều đáng nói, những yếu tố mang tính huyết thống có trong các vụ án xâm hại, bạo hành tới mức báo động dường như đã đi ngược với thuần phong mỹ tục, đảo ngược giá trị truyền thống, đạo lý của người Việt Nam.
Theo bà, những nguyên nhân nào dẫn đến những vụ bạo hành gây bàng hoàng trong thời gian qua?
Dù là nguyên nhân nào thì bạo lực gia đình, sự bất bình đẳng giới đã và đang tác động tiêu cực đến đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, an ninh, trật tự xã hội. Đặc biệt hơn, tình trạng bạo hành đối với người cao tuổi trong gia đình đang ngày càng gia tăng: con đánh đập, sỉ nhục cha mẹ, cháu hỗn láo mắng nhiếc ông bà...
Bạo lực gia đình khác với các nhóm bạo lực khác trong xã hội ở một điểm rất dễ thấy, đó chính là nạn nhân không chỉ có một. Nạn nhân không chỉ là người bị hại- tức người bị bạo hành, mà nạn nhân còn là những thành viên khác trong gia đình khi họ chứng kiến hành vi bạo hành. Đau đớn nếu người chứng kiến là những đứa trẻ. Các mối quan hệ trong gia đình không chỉ dựa trên chuẩn mực về đạo đức, truyền thống mà còn có cả trách nhiệm pháp lý.
Vì thế, khi ngôi nhà trở nên bất an, khi nạn nhân và thủ phạm cùng ở chung trong ngôi nhà ấy, tất cả thành viên còn lại đều có thể trở thành nạn nhân của chính gia đình mình. Hậu quả của hành vi bạo hành kéo theo nhiều hệ lụy khác nhau, lâu dài, dai dẳng nếu tiếp cận ở góc độ tâm lý xã hội, cảm xúc, trí tuệ con người.
Phải có ai đó chịu trách nhiệm
Dù đã có một luật riêng để phòng ngừa nhưng nạn bạo hành gia đình thời gian qua gây nhức nhối trong xã hội. Phải chăng sự phối hợp trong triển khai thực hiện chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương, thưa bà?
Việt Nam có luật riêng về phòng, chống bạo lực gia đình từ hơn 10 năm nay, các vụ bạo hành nghiêm trọng gần đây không còn là câu chuyện cá biệt. Tính chất, mức độ, hành vi bạo lực gia đình vẫn không có dấu hiệu suy yếu mà ngày càng nguy hiểm, phức tạp khó lường. Cần phải thừa nhận rằng, điểm yếu đang tồn tại của nhiều cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị hiện nay đó chính là chưa xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực thi chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Không phải ngẫu nhiên dư luận bất bình, đưa ra những ý kiến thiếu kiềm chế đối với trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan. Bởi các vụ bạo hành do người dân phát hiện vừa qua, được xác định đã xảy ra từ lâu, diễn ra thường xuyên ở cộng đồng nhưng chính quyền sở tại không hề hay biết.
Nhiều vấn đề đã được đặt ra: Có bao nhiêu số phận bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi bạo lực, cưỡng bức và quấy rối trong xã hội vẫn còn đang sợ hãi thu mình trong im lặng? Còn bao nhiêu nạn nhân của bạo lực đang đau đớn chịu đựng trong “tế bào” của xã hội chưa được trợ giúp và can thiệp?
Phải có ai đó chịu trách nhiệm trả lời cho các câu hỏi này, đã đến lúc chúng ta nhìn thẳng vào thực trạng, nhận diện vấn đề rõ ràng và cần phải nâng mức cảnh báo như một vấn nạn xã hội. Đồng thời, là sự vào cuộc quyết liệt và mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và toàn xã hội.
|
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền |
Vậy theo bà giải pháp cấp thiết nhất lúc này để ngăn chặn, giảm thiểu bạo hành gia đình là gì?
Phòng, chống bạo lực gia đình cần phải được tiếp cận dựa trên những quan điểm và góc nhìn khác nhau. Định kiến giới là một dạng định kiến khó nhận diện, nhận thấy được, nắm bắt được trong suy nghĩ, tư tưởng của con người. Vì thế, phải kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp, trong đó cần tập trung vào biện pháp phòng ngừa như một nguyên tắc chính để giải quyết bạo lực trên cơ sở giới.
Ngoài việc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, trong quá trình thực thi pháp luật rất cần phải xử lý nghiêm minh, giải quyết đến nơi đến chốn theo luật định. Xem xét nghiên cứu, điều chỉnh các chế tài xử lý mạnh mẽ và cứng rắn hơn đối với những hành vi bạo hành gia đình có tính chất nghiêm trọng nhằm nâng cao tính phòng ngừa, răn đe .
Bên cạnh đó, cần quan tâm đổi mới hơn nữa những hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và thực hành về bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở bình đẳng giới, quyền được bảo vệ của phụ nữ, trẻ em. Làm tốt công tác tuyên truyền sẽ giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử về gia đình. Việc xây dựng các thiết chế gia đình bền vững cũng cần coi như một giải pháp nội lực để phòng tránh bạo lực. Đồng thời nâng cao năng lực và trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, nhằm đảm bảo hiệu quả và tính bền vững của việc lồng ghép các chương trình, chiến lược một cách toàn diện.
Hầu hết nạn nhân từ các vụ bạo lực gia đình không tự chủ động tìm kiếm sự trợ giúp từ các cơ quan ban ngành. Bởi lẽ họ nhận thức rằng, những gì họ đang phải hứng chịu là điều không hay ho gì, sợ làm mất thể diện của gia đình hoặc phải chịu hậu quả về mặt kinh tế. Họ chỉ tìm đến các cơ quan này khi bạo lực đã ở mức độ rất nghiêm trọng, vượt ngưỡng chịu đựng, đe dọa đến tính mạng của họ và người thân.
Vậy còn kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới thì sao, thưa bà?
Tại nhiều quốc gia đang phát triển, các dịch vụ dành cho nạn nhân của nạn bạo lực gia đình đã có từ rất lâu, thường xuyên được đổi mới và đem lại hiệu quả rất tốt, đặc biệt các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, đây là một nội dung còn rất mới, hệ thống cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội mới chỉ được quan tâm đầu tư trong vài năm trở lại đây nên chưa có nhiều kinh nghiệm.
Vì thế, cần điều chỉnh theo hướng chủ động để dịch vụ trợ giúp xã hội phát huy hiệu quả hơn. Thay vì để nạn nhân tìm kiếm kêu gọi sự trợ giúp, chúng ta cần chủ động đưa ra các dịch vụ, điều phối và kết nối lại với nhau.
Mục tiêu cuối cùng là để nạn nhân của bạo hành gia đình nhận ra giá trị bản thân, biết cách đối diện với vấn đề của riêng mình, lựa chọn cách giải quyết phù hợp, nhận thức sâu sắc hơn về quyền con người mà bất kỳ ai cũng được thụ hưởng.
Cảm ơn bà.
Theo Luân Dũng/Tiền Phong