Liên tiếp tài xế Grab bị giết hại: "Cty xe công nghệ phải đóng bảo hiểm cho tài xế"

Google News

Với sự nguy hiểm, rủi ro thường trực của nghề xe ôm công nghệ, liệu công ty xe công nghệ đã bảo vệ toàn diện? Phúc lợi người lao động có hiện hữu khi nay vẫn chưa có một tài xế công nghệ nào được đóng các loại bảo hiểm?

Tài xế công nghệ dần trở thành "con mồi" của tội phạm
Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) vừa truy bắt thành công nghi phạm Lê Văn Tiến (35 tuổi, thường trú tại xã Vĩnh Ngọc, thuê trọ tại phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang) kẻ cứa cổ tài xế Grab Bike sau khi cướp tài sản, bỏ trốn. 
Lien tiep tai xe Grab bi giet hai:
Nghi phạm Tiến tại cơ quan công an 
Tại cơ quan điều tra, Tiến khai ngày 4/12/2020, do bị chủ nợ đòi hơn 30 triệu đồng mà không có tiền trả, Tiến đã lên kế hoạch thuê xe ôm, cướp tài sản rồi bán trả nợ.
Trước đó tại Hà Nội, dư luận vẫn chưa quên vụ tài xế Grab Nguyễn Cao S. (18 tuổi, ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá, sinh viên một trường cao đẳng ở Hà Nội) bị giết chết vào tối 26/9/2019.
Theo đó, trung tuần tháng 9/2019, hai đối tượng Đinh Văn Giáp và Đinh Văn Trường rủ nhau xuống Hà Nội chơi. Giáp và Trường hết tiền nên rủ nhau đi cướp tài sản của những tài xế xe ôm.
Lien tiep tai xe Grab bi giet hai:
 Người nhà nạn nhân tài xế Grab S. mang theo di ảnh đến tham dự phiên toà
Một vụ việc đau lòng tương tự khác cũng xảy ra với tài xế Grab vào tối 21/1/2020, Nguyễn Viết Lợi (31 tuổi, trú Nghệ An) sau khi bắt xe ôm công nghệ đi đến chỗ vắng đã đâm liên tiếp tài xế hòng cướp chiếc xe máy, khiến người này bị thương nặng.
Người đi đường phát hiện đã hô hoán. Lợi bỏ chạy và đến chiều 21/1 lên xe khách về quê Nghệ An. Một ngày sau, xe khách chở Lợi đi qua địa phận TP Đà Nẵng thì bị Cảnh sát hình sự phối hợp với CSGT Đà Nẵng kiểm tra, bắt giữ.
Cần đảm bảo tốt các quyền lợi của người lao động
Từ những vụ án trên, dư luận đặt ra về quyền lợi của tài xế công nghệ -những người mà ngày đêm vẫn miệt mài "cày" cho Grab nhiều giờ đồng hồ để được gọi là "đối tác tài xế" có được bảo đảm?
Liệu rằng, sự nguy hiểm, rủi ro thường trực của nghề xe ôm công nghệ có được Grab bảo vệ toàn diện? Phúc lợi người lao động có hiện hữu khi nay vẫn chưa có một tài xế công nghệ nào được Grab đóng bảo hiểm xã hội?
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Hoàng Tùng, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, thông tư 12/2020 đã làm rõ thêm những điều kiện trong hành lang pháp lý của các nền tảng gọi xe công nghệ quy định tại Nghị định 10/2020. Qua đó, tạo điều kiện để các ứng dụng kết nối vận tải có thể phục vụ người tiêu dùng Việt Nam một cách tốt nhất và góp phần thúc đẩy việc sử dụng các nguồn lực trong xã hội một cách hiệu quả nhất.
Thông qua các quy định hiện hành và bản án có hiệu lực trong vụ kiện đình đám Vinasun - Grap thì đã xác định Grap là đơn vị kinh doanh vận tải. Theo đó, các đơn vị vận tải công nghệ như Bee, Brap, Goviet (đổi tên thành Go-jek) đang được xác định là đơn vị kinh doanh vận tải. Vì vậy, khi các tài xế khi làm việc cho các đơn vị này cũng có điều kiện để yêu cầu các quyền lợi của người lao động.
Lien tiep tai xe Grab bi giet hai:
Luật sư Hoàng Tùng, Đoàn luật sư TP. Hà Nội 
Thứ hai, dựa trên Bộ luật Lao động hiện hành, việc tài xế công nghệ không được các hãng gọi xe ký kết hợp đồng lao động là không phù hợp vì thực chất, tài xế đang làm việc cho các hãng gọi xe.
"Nghị định 10 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô và Thông tư 12 đã định danh rõ ràng là công ty vận tải hay công nghệ. Việc định danh rõ loại hình kinh doanh sẽ ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng. Quan hệ giữa các công ty gọi xe và tài xế vận chuyển hành khách là dựa trên hợp đồng lao động. Thiệt thòi sẽ không bị đẩy về phía những tài xế" - luật sư Tùng nhấn mạnh.
Theo luật sư Tùng, ngày 29/5/2020, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 12/2020 (thay thế Thông tư 63/2014), quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7 nhằm hướng dẫn thực hiện Nghị định số 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.
Thông tư số 12 định nghĩa: Giao nhiệm vụ cho lái xe điều khiển phương tiện để thực hiện vận chuyển thông qua phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải là việc tổ chức hoặc cá nhân sử dụng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải để tiếp nhận yêu cầu vận chuyển của khách hàng, lựa chọn phương tiện, lái xe phù hợp, chuyển thông tin về yêu cầu vận chuyển cho người lái xe điều khiển phương tiện thực hiện nhiệm vụ vận chuyển.
Quyết định giá cước vận tải là việc đơn vị kinh doanh vận tải xác định giá cước vận tải để thông tin cho khách hàng hoặc trực tiếp thỏa thuận với khách hàng để thống nhất mức giá trước khi thực hiện vận chuyển.
Tuy nhiên, hiện nay Grab về bản chất vẫn không thừa nhận mình là đơn vị kinh doanh vận tải mà chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm điện tử phục vụ cho vận tải. Câu chuyện grab đá "quả bóng thuế" về phía người dân khi quyết định tăng giá cước, nhưng lại không phải niêm yết đối với các cơ quan như các đơn vị kinh doanh vận tải truyền thống đã phản ánh việc xử lý và áp dụng các quy định của pháp luật đối với grab là chưa hiệu quả.
Luật sư Tùng nhấn mạnh: "Hiện nay, theo luật Bảo hiểm xã hội thì căn cứ đóng bảo hiểm xã hội chính là hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, đối với Grab nói riêng và các hãng taxi công nghệ nói chung thì hợp đồng lao động này là chưa từng tồn tại. Sự ràng buộc giữa tài xế Grab và Grab chỉ là sự thỏa thuận dịch vụ gọi xe công nghệ. Vì thế dẫn đến tình trạng các tài xế không được đóng BHXH và các quyền lợi khác so với người lao động khác trong các ngành khác".
Không những vậy, các vấn đề về quản lý, đảm bảo an toàn cho các tài xế cũng là vấn đề nóng và gây tranh cãi nhiều năm nay. Tuy nhiên, thực tế là các quy định của pháp luật chưa được thực tế áp dụng cụ thể, hiện nay vẫn đang trong quá trình tiến hành áp dụng.
"Các cơ quan chức năng cần phải thúc đẩy, quan tâm và xử lý triệt để vấn đề này để đảm bảo tốt các quyền lợi của người lao động, của nhà nước..." - luật sư Tùng nêu quan điểm.

Nguồn: VTC Now

Hiểu Lam